I. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh được James Parkinson mô tả từ 1817 dưới danh từ “liệt run”, với các triệu chứng chính: run lúc nghỉ, vô động, tăng trương lực cơ. Bệnh do thoái hóa tế bào thần kinh ở chất đen gây thiếu hụt chất dẫn truyền dopamine.
Bệnh khá phổ biến ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ chiếm tỷ lệ 0,6 – 1,1%. Tuổi mắc bệnh thường gặp từ 50-60 tuổi, 3/4 người bệnh là nam giới. Bệnh mạn tính và tiến triển chậm theo thời gian.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
- Thời điểm khởi phát triệu chứng
- Các thuốc đang sử dụng (Phenothiazine, thioxanthene, reserpine)
- Tiền sử (chấn thương sọ não, viêm não, tai biến mạch não, ngộ độc CO, Mangan, gia đình)
- Tình trạng chức năng trước đây
- Các khiếm khuyết chức năng hiện tại
1.2. Khám lâm sàng:
Các triệu chứng sớm thường nhẹ và tiến triển từ từ
- Run: thường gặp, xuất hiện rõ khi nghỉ ngơi, giảm khi vận động chú ý và xuất hiện lại khi chi duy trì một tư thế. Run thường xuất hiện sớm ở một bên, khởi đầu run có nhịp ở ngón cái và ngón trỏ kiểu vấn thuốc, tần số 4 – 7Hz, theo thời gian có thể lan xuống chân, qua bên đối diện, trường hợp nặng run cả môi, lưỡi, cằm.
- Cứng cơ: do tăng trương lực cơ, cứng cơ trở nên rõ ràng khi người khám cố gắng di chuyển các khớp thì có những cử cử động giật ngắn gọi là dấu bánh xe răng cưa, rõ ở cổ tay. Cứng cơ xảy ra ưu thế ở cơ gấp thân và chi.
- Bất động: do vận động chậm (khởi đầu và tốc độ cử động chậm chạp) và giảm vận động (động tác nghèo nàn, giảm biên độ). Thực hiện các công việc sinh hoạt hàng ngày khó khăn, các động tác tinh tế ngón tay bị giới hạn, hai tay không ve vẩy khi đi, vẻ mặt bất động, ít biểu lộ cảm xúc, cử động môi lưỡi chậm, ít nuốt. Chữ viết nhỏ dần rồi ngưng lại. Giọng nói nhỏ, không âm điệu, phát âm không rõ. dáng đi và thăng bằng bị rối loạn làm bệnh nhân dễ ngã.
- Các biểu hiện khác: rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn thần kinh thực vật, đau nhức các cơ trục và chi, tăng tiết nước bọt, viêm tuyến bả nhờn, cơn đỏ bừng mặt, sa sút trí tuệ.
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não có giá trị chẩn đoán phân biệt.
2. Chẩn đoán xác định: dựa vào bốn yếu tố gồm
- Đặc điểm lâm sàng
- Khởi phát triệu chứng ưu thế một bên rồi lan sang bên đối diện
- Diễn tiến chậm
- Đáp ứng điều trị với Levodopa.
3. Chẩn đoán phân biệt
- Run vô căn: tồn tại khi hoạt động, giảm khi nghỉ ngơi, tăng khi lo âu, xúc cảm, có yếu tố gia đình.
- Hội chứng Parkinson do thuốc: khởi phát bán cấp, triệu chứng xuất hiện hai bên, run xuất hiện sớm, có thể kèm theo múa giật, mủa vờn, loạn trương lực cơ.
- Hội chứng Parkinson do tổn thương mạch máu: do nhồi máu não nhiều lần ở nhân đuôi, nhân bèo, có thể kèm theo rối loạn cảm giác, sa sút trí tuệ, tăng phản xạ.
- Hội chứng Parkinson do chấn thương: thường gặp ở người đánh môn quyền anh với những chấn thương đầu thường xuyên.
4. Chẩn đoán nguyên nhân
Chưa rõ, có vài giả thuyết do hiện diện gốc tự do, độc tố môi trường làm chết tế bào chất đen hay di truyền.
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
Cần điều trị phối hợp giữa nội khoa, phục hồi chức năng và tâm lý trị liệu nhằm ngăn ngừa sự tiến triển và rối loạn thứ phát do khiếm khuyết vận động.
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
2.1. Gia tăng chức năng hô hấp: tập thở phối hợp các bài tập kích thích cảm thụ bản thể thần kinh cơ (PNF) với mẫu gấp dạng xoay ngoài hai tay trong vị thế ngồi.
2.2. Duy trì, gia tăng khả năng kiểm soát tư thế: tập các bài tập giúp bệnh nhân thẳng cổ, duỗi lưng trên bóng. Bệnh nhân nằm ngửa dựa lưng trên bóng kết hợp cử động gấp hai tay.
2.3. Giảm co cứng cơ: kéo dãn những nhóm cơ co cứng như cơ gấp hông, gấp gối, ngực lớn, tròn lớn, lưng rộng, duỗi hông, áp hông.
2.4. Duy trì tầm vận động các khớp (ROM): tập các bài tập chủ động trợ giúp hết tầm.
2.5. Gia tăng điều hợp, linh hoạt tay, chân, kiểm soát thân: tập chương trình Frenkel, khởi động nhịp nhàng các mẫu PNF tay, chân trong các vị thế khác nhau. Tập các bài tập kiểm soát thân với bóng, kỹ thuật PNF.
- Tư thế ngồi:
- Một tay đưa lên (mắt luôn nhìn theo tay) từ từ chéo qua mặt để đặt đầu các ngón lên sau vai bên kia (tay còn lại để nghỉ). Đổi tay tập lại như trên (3-4 lần).
- Đưa hai tay về phía trước, 2 bàn tay áp sát 2 bàn tay của kĩ thuật viên, kĩ thuật viên chuyển áp lực qua từng tay, đồng thời làm động tác gập duỗi khuỷu.
- Tư thế bò: bò tiến, bò lùi, đưa lên từng tay, từng chân, đưa cùng 1 tay và 1 chân đối diện, đưa 2 tay cùng lúc.
- Tư thế quỳ: đưa 2 tay dang ngang, ra trước, lên đầu.
- Tư thế đứng:
- Một tay cầm hai trụ bằng nhựa nặng hay bằng cao su hoặc hai quả bóng quần vợt, luân phiên tung lên và hứng từng quả một.
- Nhồi bóng, nhảy chụp bóng, chạy tại chỗ, đi hay tay đung đưa mạnh, gối gập cao, nhịp nhàng,
- Hai tay cầm một gậy làm động tác duỗi và xoay thân sang phải, trái.
- Dáng đi: Tập đi (dùng các dụng cụ giúp tăng dần trọng lượng chân và tay…)
2.6. Gia tăng kiểm soát nhóm cơ vùng mặt: bài tập kiểm soát, xoa bóp nhóm cơ mặt.
2.7. Hoạt động trị liệu: các bài tập khéo léo của bàn tay như dệt (khung dệt tay), in bông trên vải hay trên giấy, nhồi và nặn hình đồ vật bằng các chất dẻo, gắn, xếp hình.
2.8. Ngôn ngữ trị liệu: các bài tập cử động miệng, lưỡi và tăng cường khả năng phát âm.
3. Điều trị thuốc
Điều trị triệu chứng: khi bệnh còn ở giai đoạn bù, sử dụng những thuốc kháng cholinergique (Trihexylphenidyl, Benztrophine); Amantadine; Levodopa (Sinamet, Madopar); đồng vận dopamine (Pramipexole, cabergoline, ropinirole); thuốc bảo vệ thần kinh (Selegiline, rasagiline); thuốc ức chế COMT (Entacarpone, tolcarpone).
4. Các điều trị khác:
4.1. Tâm lý: giải thích, động viên khích lệ bệnh nhân thực hiện nếp sống
sinh hoạt, tránh mọi lo lắng, an tâm điều trị.
4.2. Dinh dưỡng: chế độ ăn cân bằng đầy đủ dinh dưỡng, chất xơ, canxi.
4.3.Điều trị phẫu thuật hay kích thích não sâu: ở đồi thị hay cầu nhạt, được chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại. Phẫu thuật được chỉ định và thực hiện ở các trung tâm chuyên sâu.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
1. Chương trình về nhà: các bài tập về nhà với mục đích làm giảm co cứng cơ, điều hợp và duy trì hoạt động thể chất cho BN.
2. Theo dõi và thời gian tái khám:
- BN còn đi lại, tự phục vụ: tái khám lại hàng tháng để điều chỉnh thuốc, phát hiện giai đoạn bật tắt, kiểm tra sự tuân thủ và bổ sung chương trình tập tại nhà.
- BN không tự chăm sóc bản thân, nằm tại giường: tái khám 3 -6 tháng, tập luyện và sinh hoạt cá nhân dựa hoàn toàn vào người nhà và chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tai địa phương.
Theo “Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Chuyên Ngành Phục Hồi Chức Năng”, BYT, 2014.