I. ĐẠI CƯƠNG
- Định nghĩa: Tập nuốt là sử dụng kỹ thuật tập cho các cơ nuốt ở người bị khó nuốt.
- Khó nuốt còn được gọi là chứng khó nuốt. Đó là là một triệu chứng của vấn đề tại họng hay thực quản làm cản trở việc di chuyển thức ăn và các chất lỏng từ miệng đến dạ dày.
- Chứng khó nuốt có thể xảy ra cho bất cứ ai, phổ biến nhất ở người lớn tuổi, trẻ sơ sinh, và những người có vấn đề về não hoặc hệ thống thần kinh.
- Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể cản trở họng hay thực quản làm việc đúng cách.
- Nếu chỉ bị khó nuốt một lần hoặc hai lần, có thể không có vấn đề thực thể. Nhưng nếu xảy ra khó khăn khi nuốt một cách thường xuyên, có thể đã có một vấn đề nghiêm trọng hơn cần phải điều trị.
II. CHỈ ĐỊNH
- Người bệnh có khó khăn về nuốt.
- Khi người bệnh bắt đầu có phản ứng với sự kích thích của ngôn ngữ, lấy gạc bông tẩm nước để người bệnh nuốt, không thấy người bệnh ho, tức có thể bắt đầu tập luyện.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Người bệnh đang hôn mê, lơ mơ.
- Viêm đường hô hấp trên, dưới.
- Xuất tiết nhiều đờm dãi.
IV.CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện quy trình kỹ thuật:
Bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên
2. Phương tiện
- Khăn bông (dùng để choàng trên người).
- Thức ăn từ lỏng đến đặc theo tuổi và khả năng.
- Bát đựng thức ăn và thìa nhỏ.
3. Người bệnh:
Dành cho người bệnh có một môi trường ăn yên tĩnh, thoải mái
4. Hồ sơ bệnh án:
Có chỉ định của bác sĩ
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH (30 phút)
- Tư thế: Người bệnh ngồi ở tư thế đầu cao 30-90°, gối kê sau đầu, choàng khăn ăn trước ngực, duy trì tư thế ăn thoải mái.
- Cho người bệnh nhìn thức ăn sẽ ăn. Và nói về món ăn đó để kích thích sự thèm ăn của người bệnh, giúp xuất tiết dịch tiêu hóa.
- Thực hiện hoạt động ăn theo mệnh lệnh đơn giản như: Há mồm ra nào, nếm thử, ngậm mồm lại, nhai đi, dùng lưỡi đưa thức ăn lên hàm trên, sang hai bên, đưa hàm dưới vào trong và nuốt.
- Trợ giúp người bệnh bằng tay (người bệnh tự ăn được thì không cần có động tác trên)
- Cho ăn từng thìa một với lượng thức ăn ít một, yêu cầu người bệnh phải làm động tác nuốt hai lần.
- Chú ý:
- Nên cho người bệnh ăn thong thả không hối hả, thức ăn có kích thước vừa đủ để nhai và nuốt.
- Với người bệnh bị tai biến mạch máu não, thức ăn được đưa vào bên miệng không bị liệt.
- Thức ăn phải đưa vào đúng vị trí khoang miệng, để người bệnh nhai và nuốt hết thức ăn trong khoang miệng mới bón thìa thức ăn tiếp theo.
- Hết bữa ăn, vệ sinh khoang miệng và luôn giữ độ ẩm khoang miệng của người bệnh.
- Sử dụng các dụng cụ đặc biệt để làm cho nuốt dễ dàng hơn (như dĩa có tay cầm, chất béo).
- Hướng dẫn người nhà cách làm và ghi hồ sơ.
- Tiêu chuẩn đạt:
- Người bệnh tự nuốt được
- Gia đình tự làm được.
VI.THEO DÕI
- Ho
- Sặc
- Tím tái
- Khó thở
- Ăn xong cho người bệnh nghỉ 30 phút ở tư thế ngồi, rồi mới giúp người bệnh nằm xuống, để phòng ngừa thức ăn chảy ngược lên cổ họng.
- Trong thời gian tập luyện, vẫn phải để lại ống thông mũi dạ dày hoặc bằng phương thức khác, để bổ sung đầy đủ lượng nước và dinh dưỡng.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
- Khi người bệnh ho, phải tạm dừng bón ăn, để người bệnh được nghỉ ngơi tối thiểu là 30 phút, rồi cho ăn lại, nếu người bệnh cứ ho mãi thì phải hoãn lại thời gian dài mới có thể cho tập lại.
- Khi bị mắc nghẹn, bị sặc, phải giúp người bệnh tống hết thức ăn ra khỏi miệng: lấy tay moi móc thức ăn ra khỏi miệng, vỗ lưng, đứng phía sau lưng của người bệnh, hai tay ôm ghì bụng, ấn nhanh và mạnh theo hướng trong, hích mạnh và chếch lên cao, để thức ăn được tống ra khỏi miệng, có thể sử dụng ống hút đờm nhớt hút ra thức ăn.
Theo "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật về Phục hồi chức năng " (Đợt 1) Ban hành kèm theo Quyết định số 54 QĐ -BYT ngày 16/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế