Kỹ Thuật Huy Động Phế Nang

1. ĐẠI CƯƠNG

  • Kỹ thuật huy động phế nang là một kỹ thuật được sử dụng để tăng thể tích phổi và hỗ trợ tống thải đờm trên những người bệnh đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản. Kỹ thuật này sử dụng dụng cụ là bóng bóp (manual resuscitator bag) một đầu kết nối với oxy và một đầu kết nối với ống nội khí quản mở khí quản, để tạo một nhịp thở sâu và chậm, sau đó ngừng lại 2 -3 giây giúp mở các phế quản nhỏ và các phế nang bị xẹp.

2. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh đặt nội khí quản hoặc mở khí quản có xẹp phổi, ứ đọng đờm hoặc giảm thông khí tưới máu…

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Tràn khí màng phổi chưa đặt dẫn lưu màng phổi.
  • Tắc nghẽn phế quản nặng.
  • Tình trạng tim mạch không ổn định.
  • Chấn thương sọ não hoặc phẫu thuật não < 72 giờ.
  • Thở máy với PEEP > 10 cmH2O.
  • Bóng khí lớn ở phổi, vừa mới phẫu thuật phổi, người bệnh có nguy cơ cao tràn khí màng phổi do chấn thương áp lực, gãy xương sườn, đau không kiểm soát, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), ho ra máu, dò khí phế quản với màng phổi hoặc thực quản.

4. THẬN TRỌNG

Người bệnh không hợp tác.

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

01 Bác sĩ phục hồi chức năng

01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: 

không có

5.3. Vật tư

  • Nguồn cung cấp oxy (điều chỉnh lên tới 15 lít/phút).
  • Áp kế đo áp lực đường thở có dây kết nối với bóng bóp.
  • Bóng bóp có thể tích 2 lít, có van có thể điều chỉnh được.
  • Phin lọc kháng khuẩn.
  • Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
  • Găng tay
  • Khẩu trang y tế
  • Khăn lau tay

5.4. Trang thiết bị

Máy hút dịch liên tục.

5.5. Người bệnh

Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành …

Người bệnh nằm tư thế thoải mái, đầu cao > 30 độ.

Để kỹ thuật thực hiện an toàn cần đảm bảo tất cả các tiêu chí sau:

5.6. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 

0,3 – 0,5 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: 

phòng bệnh

5.9 Kiểm tra hồ sơ

  • Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng chỉ định…
  • Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

  • Bước 1: Người thực hiện kết nối các dụng cụ với bóng bóp: Áp kế đo áp lực; Phin lọc kháng khuẩn; Đầu kết nối với ống nội khí quản, mở khí quản; Kết nối với nguồn cung cấp oxy và vặn van điều chỉnh để dòng oxy đạt 15 lít/phút. Sau đó bịt đầu kết nối với ống nội khí quản/mở khí quản, đóng van điều chỉnh áp lực thở ra và bóp bóng để chắc chắn dụng cụ không bị hở khí. Khi chắc chắn dụng cụ không bị hở khí thì vặn van điều chỉnh áp lực tại vị trí ở giữa (~ 30 cmH2O).
  • Bước 2: Kết nối dụng cụ với người bệnh qua ống nội khí quản, mở khí quản, sau đó bóp bóng để tạo nhịp thở chậm và sâu, tỷ lệ thời gian hít vào:thở ra (I:E) = 2:1. Tần số thở giống với máy thở hoặc nhịp thở người bệnh. Quan sát áp kết để áp lực đường thở < 40 cm H2O. Có thể điều chỉnh van áp lực để tăng áp lực đường thở giúp cho việc mở các đường thở và phế nang bị xẹp.
  • Bước 3: Đóng van điều chỉnh áp lực và bóp bóng để người bệnh hít vào tối đa, sau đó ngừng 23 giây và xả van thật nhanh.
  • Bước 4: Lặp lại bước 2 và bước 3 cho đến khi đờm được đưa lên vị khí quản sau đó tiến hành hút đờm.
  • Bước 5: Lặp lại bước 2, bước 3, bước 4 cho đến khi đạt mục tiêu điều trị (không thấy đờm được đẩy lên, nghe phổi thông khí tốt lên) thì ngừng. Sau đó kết nối ống nội khí quản/ mở khí quản lại với máy thở hoặc nguồn cung cấp oxy như ban đầu.
  • Thời gian thực hiện kỹ thuật: Ngày 2 – 4 lần tùy theo tình trạng đờm và xẹp phổi của người bệnh. Mỗi lần trung bình 10 – 15 phút, tuy nhiên có thể thay đổi thời gian thực hiện mỗi lần để đạt được mục tiêu điều trị.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: Mạch, HA, SpO2… nếu bất thường thì tạm ngừng thủ thuật và báo bác sĩ điều trị. 
  • Áp kế đo áp lực: Duy trì áp lực < 40 cmH2O.
  • Nếu người bệnh ho thì xả van điều chỉnh áp lực ở mức tối đa để hạn chế tăng áp lực đường thở đột ngột gây tràn khí màng phổi.
  • Tình trạng người bệnh: Nếu người bệnh đau tăng hoặc không đồng ý tập luyện thì ngừng thực hiện thủ thuật.
  • Theo dõi về hiệu quả tập luyện thông qua việc so sánh trước và sau tập luyện:
    • Tình trạng ứ đọng đờm, thông khí phổi thông qua nghe phổi.
    • Sự trao đổi khí: SpO2, PaO2, tỷ lệ PaO2/FiO2.
    • Sự hỗ trợ máy thở: Áp lực hít vào (Peak), PEEP.
  • Tràn khí màng phổi áp lực: Chọc hút hoặc mở dẫn lưu màng phổi.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Bạn không thể copy nội dung ở trang này