I. ĐẠI CƯƠNG
Thăng bằng là phản ứng của cơ thể nhằm duy trì tư thế trong các hoạt động hàng ngày. Tập với máy tập thăng bằng là người bệnh thực hiện các động tác tập trên máy nhằm cải thiện khả năng kiểm soát tư thế và phối hợp thăng bằng vận động.
II. CHỈ ĐỊNH
- Chấn thương sọ não.
- Tai biến mạch máu não.
- Parkinson.
- Tổn thương tủy sống.
- Xơ cứng rải rác.
- Một số bệnh lý cơ xương khớp có ảnh hưởng chức năng thăng bằng.
- Người già.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Người bệnh có rối loạn tri giác nhận thức, không hiểu lệnh và không điều khiển được các cử động của cơ thể.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, cán bộ y tế hành nghề được đào tạo.
2. Phương tiện
- Máy tập thăng bằng: các chương trình tập luyện.
- Tay vịn.
- Máy tính và màn hình hiển thị bài tập.
3. Người bệnh
- Giải thích mục đích bài tập và quy trình tập cho người bệnh hiểu để học hợp tác tốt, tạo sự tin tưởng và làm người bệnh thư giãn.
- Kiểm tra huyết áp, chỉ số mạch an toàn, tình trạng sức khỏe tổng quát đối với những người bệnh nằm lâu tại giường.
- Người bệnh đứng đúng vị trí trên máy tập, tư thế thoải mái,có thể vịn tay hoặc không trong khi thực hiện bài tập.
4. Hồ sơ bệnh án
Phiếu điều trị chuyên khoa ghi rõ thời gian thực hiện kỹ thuật, các bài tập được thực hiện trên người bệnh.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Bước 1: Lựa chọn bài tập phù hợp với tình trạng khiếm khuyết của người bệnh để có thể đạt được mục đích tốt nhất.
- Bước 2: Tiến hành tập
- Người bệnh đứng thẳng,hai bàn chân đặt đúng vị trí trên bề mặt cảm biến của máy tập, giữ đầu thăng bằng trên hai vai, hai tay thả lỏng hai bên thân hoặc có thể nắm vào tay vịn trong những lần tập đầu để giữ thăng bằng.
- Người điều trị đứng ở phía trước hoặc phía sau người bệnh để hỗ trợ khi cần thiết (sai tư thế hoặc có thể bị ngã). Có thể giữ nhẹ ở khung chậu hoặc khớp vai của người bệnh để người bệnh cảm thấy yên tâm và giữ được tư thế đúng.
- Người bệnh mắt nhìn thẳng vào màn hình trước mặt để quan sát hình ảnh và tình huống diễn biến của bài tập, thực hiện bài tập bằng cách lần lượt chuyển trọng lượng từ chân này sang chân kia tùy theo tình huống diễn biến của bài tập trên màn hình trong khi vẫn giữ ổn định tư thế đứng. Thực hiện bài tập theo tốc độ và thời gian quy định.
- Bước 3 : Kết thúc tập
- Kết thúc bài tập lưu dữ liệu tập của người bệnh vào máy tính.
- Tắt máy và bảo quản theo chế độ quy định. Thời gian tập: 20 phút
VI. THEO DÕI
- Kiểm tra tình trạng huyết áp, chỉ số mạch an toàn đối với những người bệnh nằm lâu trước đó. Nếu người bệnh chóng mặt, mệt mỏi thì nên ngừng tập và để người bệnh về nghỉ.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
- Ngã có thể xảy ra trong quá trình tập luyện. Người điều trị cần đứng gần người bệnh ở một bên hay phía trước hoặc phía sau để hỗ trợ người bệnh khi cần.
Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)