1. ĐẠI CƯƠNG
- Rối loạn giọng là tình trạng rối loạn việc tạo giọng nói không phù hợp với độ tuổi và giới tính của một cá nhân biểu hiện qua 1 một hoặc nhiều thành phần
- Chất lượng giọng: giọng khàn, giọng hơi, giọng căng, tạo âm đôi…
- Cao độ (âm sắc): quá cao hoặc quá thấp
- Độ lớn: quá lớn hoặc quá nhỏ
- Độ cộng hưởng âm (tính vang)
- Mất tiếng
- Phân loại rối loạn giọng:
- Rối loạn giọng thực thể: là tình trạng rối loạn giọng liên quan đến cấu trúc giải phẫu ảnh hưởng đến cơ chế hô hấp và hoạt động tạo âm ở thanh quản(ví dụ: hạt dây thanh, phù nề mô ở dây thanh, liệt dây thần kinh quăt ngược, bệnh Parkinson,…..)
- Rối loạn giọng chức năng: là tình trạng rối loạn giọng do hành vi sử dụng giọng không đúng cách của cơ chế tạo âm, trong khi các cấu trúc tạo âm vẫn bình thường (ví dụ: mệt khi nói, rối loạn giọng do căng cơ, tạo âm đôi, tạo âm thanh thất)
- Rối loạn giọng do tâm lý: là tình trạng rối loạn giọng do có sự tác động của các yếu tố gây căng thẳng tâm lý dẫn đến mất giọng hay rối loạn tạo âm (ví dụ: chứng rối loạn căng thẳng mãn tính, trầm cảm, rối loạn lo âu)
- Rối loạn vận động dây thanh nghịch thường (paradoxical vocal fold movement) là tình trạng cử động khép dây thanh không liên tục gây cản trở sự hô hấp.
- Lượng giá rối loạn giọng nhằm xác định đặc điểm, mức độ, các yếu tố ảnh hưởng và nguyên nhân, mức độ tác động đến chất lượng cuộc sống (theo ICF) để có kế hoạch can thiệp phù hợp.
2. CHỈ ĐỊNH
- Người bệnh có rối loạn giọng nói do bệnh lý, tổn thương, rối loạn trong quá trình phát triển, nhu cầu sử dụng giọng trong công việc…
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định khi thực hiện lượng giá rối loạn giọng. Tuy nhiên, đối với người bệnh có kèm rối loạn ngôn ngữ hoặc rối loạn nhận thức, người thực hiện lượng giá cần phải cân nhắc tình trạng người bệnh trước khi thực hiện.
4. THẬN TRỌNG
– Không có
5. CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện:
01 người
a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu
b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Máy ghi âm: để ghi âm giọng người bệnh để phân tích giọng và so sánh kết quả trước và sau điều trị.
– Máy tính có cài đặt phần mềm phân tích âm (Praat hoăc Audacity), tai nghe có microphone: để lượng giá phân tích âm thanh.
– Đồng hồ bấm thời gian, bút, giấy: để ghi chú và đo lường thời gian khi lượng giá giọng.
5.4. Trang thiết bị
Một phòng yên tĩnh để thực hiện lượng giá
5.5. Người bệnh
– Được chẩn đoán bệnh bằng nghiệm pháp Dix Hallpike dương tính, được giải thích tác dụng của bài tập và tác dụng phụ hay nguy cơ thể xẩy ra (gây buồn nôn và nôn, có thể gây chóng mặt tăng.).
– Kiểm tra mạch, huyết áp.
5.6. Hồ sơ bệnh án:
Phiếu ghi chú lượng giá giọng, có thể dùng phiếu bảng câu hỏi chỉ số khuyết tật giọng nói cho tình trạng mạn tính (VHI).
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,5 – 0,75 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện: phòng vận động trị liệu
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
– Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1. Kiểm tra hồ sơ trong bệnh án: xem xét tiền sử trong bệnh án có liên quan đến rối loạn giọng và các tình trạng bệnh lý y khoa đi kèm:
– Xem xét tất cả các thông tin chẩn đoán trước đó của Bác sĩ phẫu thuật hoặc Bác sĩ Tai mũi họng, bao gồm lý do chuyển người bệnh đến Ngôn ngữ trị liệu để lượng giá và điều trị.
– Xem xét lại các loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng: có loại thuốc nào ảnh hưởng đến giọng?
Bước 2. Đánh giá giọng nói tự nhiên và hành vi liên quan giọng nói:
Tùy trường hợp (rối loạn giọng mạn tính, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống) có thể đưa cho người bệnh thực hiện bảng câu hỏi chỉ số khuyết tật giọng nói (VHI) để đánh giá mức ảnh hưởng và kết quả thay đổi trước và sau một đợt điều trị.
Thực hiện phỏng vấn người bệnh:
– Sử dụng máy ghi âm lời nói và giọng của người bệnh để đánh giá sự thay đổi giọng do điều trị hay do các yếu tố khác.
– Xem xét các triệu chứng về giọng và những than phiền của người bệnh – Xem xét nhu cầu về sử dụng giọng của người bệnh
– Kiểm tra hành vi sử dụng giọng của NB:
– Thường xuyên tằng hắng hoặc ho liên tục?
– Cảm xúc của người bệnh trong diễn đạt lời nói?
– Đánh giá lời nói: có trôi chảy, gắng sức, các đặc điểm về vần điệu?
Thông qua khai thác tiền sử bệnh, phỏng vấn các câu hỏi có liên quan đến hành vi lạm dụng giọng: nói chuyện với giọng quá lớn, khi trò chuyện cho thấy giọng thường ở cao độ bất thường, hành vi thường xuyên hét lớn quá mức, tằng hắng giọng, nghề nghiệp phải sử dụng giọng nhiều, làm việc trong môi trường ồn ào, hay hút thuốc, uống rượu,…?
– Quan sát tư thế và các dấu hiệu căng cơ ở vùng cổ, hàm và ngực khi nghỉ và khi nói.
– Quan sát các dấu hiệu có liên quan thần kinh ở vùng mặt (ví dụ: rung, liệt, co cứng)
Bước 3. Đánh giá đặc tính thanh học:
3.1. Lượng giá giọng không sử dụng dụng cụ:
Thông qua phỏng vấn, sử dụng thang điểm GRBAS để xác định chất lượng của giọng nghe như thế nào?
- G (Grade): Độ nặng tổng quát R (Roughness): Độ khàn
- B (Breathiness): Độ hơi
- S (Strain): Độ căng
Mức độ từ 0 tới 3
Cách đánh giá:
- Không thay đổi = 0 điểm
- Thay đổi thấy rõ và nặng = 3 điểm
- Thay đổi thấy rõ nhưng nhẹ, kín đáo = 1 điểm Còn lại là 2 điểm.
Ví dụ: G-R-B-A-S = 3-3-1-1-1 tương ứng độ nặng mức độ 3, biểu hiện nặng nhất là khàn, ngoài ra có giọng hơi, yếu và căng mức độ 1.
Lưu ý: Điểm G là điểm cao nhất tương ứng với 1 hoặc nhiều thành phần khàn- hơi-yếu-căng.
– Đo lường sự phối hợp giữa khả năng hô hấp và tạo âm: Thời gian tạo âm tối đa (MPT – maximum phonation time): bình thường: 15-20 giây
Cách thực hiện: KTV yêu cầu bệnh nhân hít sâu và phát âm /a/ kéo dài đến khi hết hơi. KTV sẽ sử dụng đồng hồ bấm thời gian đo lượng phát âm của NB
– Tỷ lệ S/Z: bình thường từ 1:1 – 1:4
Cách thực hiện: KTV yêu cầu người bệnh phát âm lần lượt /s/ và /z/ kéo dài đến khi hết hơi. KTV sẽ sử dụng đồng hồ bấm thời gian đo lượng từng âm phát ra của NB. Sau đó chia tỷ lệ S/Z để ghi nhận kết quả.
– Đo lường khoảng cao độ (pitch range): để đánh giá tính linh hoạt của dây thanh và chức năng của thần kinh thanh quản trên.
Cách thực hiện: KTV yêu cầu người bệnh phát âm một nguyên âm kéo dài với các khoảng cao độ khác nhau: thấp nhất, trung bình và cao nhất. Lưu ý : KTV có thể sử dụng bàn phím piano hoặc guitar để đánh các cao độ phù hợp với phát âm của NB.
3.2. Lượng giá sử dụng dụng cụ đo lường:
Ghi âm giọng người bệnh và sử dụng phần mềm phân tích âm (Praat hoăc Audacity) để phân tích chất lượng giọng thông qua các chỉ số giọng nói.
Tần số nền Fo (Hz): giới hạn bình thường
– Nam: 100 -150 Hz
– Nữ: 180 – 250 Hz
Jitter (%): bình thường < 1.040%
Shimmer (%): bình thường < 3.180%
Harmonic to noise Ratio – HNR (dB): bình thường >20 dB.
7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Giải thích các quy trình lượng giá trước khi tiến hành.
Trong khi lượng giá giọng nói, người lượng giá cần phải cung cấp thông tin và hướng dẫn người bệnh về các vấn đề rối loạn giọng cũng như các phương pháp điều trị. Đảm bảo người bệnh hiểu và có trao đổi, phản hồi:
– Cần lắng nghe người bệnh và bàn luận với họ các vấn đề chính yếu.
– Chỉ cho người bệnh một số các biểu đồ và hình ảnh: ví dụ đưa hình ảnh thanh quản và giải thích cho người bệnh
Sau kết thúc lượng giá:
– Người lượng giá cần phải cung cấp phản hồi cho người bệnh về kết quả của lượng giá giọng. Đảm bảo người bệnh và gia đình người bệnh hiểu được kế tiếp phải làm gì và phải liên hệ với ai:
+ Cung cấp thông tin cho các buổi điều trị tiếp theo hoặc các giấy tờ chuyển đến các chuyên khoa khác (nếu có).
+ Giải thích chính xác các vấn đề liên quan đến giọng và điều mong đợi. Tìm hiểu ý kiến của người bệnh về tất cả những điều này.
– Hướng dẫn người bệnh và gia đình người bệnh cách chăm sóc giọng nói
Đây là các kỹ thuật lượng giá chỉ cần chỉnh sửa nếu người bệnh thực hiên sai, không có tai biến.
Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )