Phân Loại Khả Năng Ăn Uống Theo EDACS

XEM THÊM PHCN ONLINE: BẠI NÃO: CÁC CÔNG CỤ PHÂN LOẠI

1. ĐẠI CƯƠNG

  • Hệ thống phân loại khả năng ăn uống EDACS (Eating and Drinking Ability Classification System) được đề xuất và phát triển bởi Sellers và cộng sự năm 2014, đã được nghiên cứu chứng minh là một công cụ hữu hiệu và phù hợp để lượng giá khả năng ăn uống ở người bệnh bại não từ 3 tuổi trở lên.
  • Cũng giống như các thang điểm phân loại chức năng khác như GMFCS, CFCS, MACS thì EDACS cũng sử dụng thang phân chia theo 5 mức đơn giản để đánh giá mức độ an toàn khi ăn uống (sặc, nghẹn) cũng như hiệu quả của hoạt động ăn uống (lượng thức ăn rơi vãi và thời gian để ăn).

2. CHỈ ĐỊNH

  • Tất cả các thể bại não trên 3 tuổi

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Bại não giai đoạn hôn mê

4. THẬN TRỌNG

Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

01 Bác sĩ phục hồi chức năng

01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư:

  • Găng tay
  • Mũ giấy
  • Khẩu trang y tế
  • Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
  • Khăn lau tay
  • Giấy, bút chì, sổ ghi chép.
  • Biểu mẫu “Hệ thống phân loại khả năng ăn uống EDACS” 

5.4. Trang thiết bị: không có

5.5. Người bệnh:

Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …

Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi (?).

5.6. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa. 

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện

Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.

5.9. Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Quy trình thực hiện phân loại khả năng ăn uống:

 Mức I: Ăn uống an toàn và hiệu quả

  • Ăn được nhiều dạng thức ăn có kết cấu khác nhau phù hợp với lứa tuổi Có thể gặp khó khăn khi cắn hoặc nhai thức ăn rất cứng
  • Chuyển thức ăn từ bên này sang bên kia trong miệng
  • Có thể khép miệng trong khi nhai
  • Uống được nước lỏng hoặc đặc bằng nhiều loại cốc khác nhau, có thể dùng ống hút
  • Có thể bị ho đối với loại kết cấu thức ăn quá khó ăn
  • Thời gian ăn uống tương đương với người cùng lứa tuổi
  • Ăn/uống được hết thức ăn/thức uống trong miệng

Mức II: Ăn uống an toàn nhưng vẫn có một số hạn chế về tính hiệu quả

  • Ăn được nhiều dạng thức ăn có kết cấu khác nhau phù hợp với lứa tuổi
  • Gặp khó khăn khi cắn thức ăn rất cứng, nhai khá vất vả đối với thức ăn dẻo và hỗn hợp trộn lạ
  • Chuyển thức ăn chậm từ bên này sang bên kia trong miệng bằng cách dùng lưỡi
  • Mở miệng trong khi nhai
  • Uống được nước lỏng hoặc đặc bằng nhiều loại cốc khác nhau, có thể dùng ống hút
  • Có thể bị ho đối với loại kết cấu thức ăn mới, khó ăn hoặc khi mệt
  • Có thể bị ho khi uống nước nhanh hoặc lượng lớn
  • Thời gian ăn uống có thể dài hơn người cùng lứa tuổi
  • Có thể không ăn hoặc uống hết thức ăn/thức uống nếu gặp dạng kết cấu khó
  • Thức ăn còn đọng lại trên bề mặt răng, nướu, trong má.

Mức III: Ăn uống gặp một số giới hạn về tính an toàn; có thể có giới hạn về tính hiệu quả

  • Ăn được thức ăn xay, có thể cắn và nhai vài loại thức ăn mềm.
  • Gặp khó đối với khối thức ăn lớn, cứng hoặc dai; dẫn đến nghẹn hoặc giảm hiệu quả.
  • Gặp khó trong việc chuyển thức ăn từ bên này sang bên kia trong miệng, giữ thức ăn trong miệng hoặc để cắn và nhai an toàn
  • Việc ăn uống rất thay đổi, phụ thuộc vào tình trạng thể chất, tư thế và mức độ hỗ trợ.
  • Có thể uống nước trong cốc có miệng lớn, còn đối với bình đựng có phễu hoặc có vòi thì gặp khó khăn trong việc kiểm soát thức uống
  • Có thể uống thức uống sệt dễ hơn thức uống lỏng và cần nhiều thời gian hơn
  • Đôi lúc chỉ dám uống khi có người chăm sóc bên cạnh hoặc khi không có gì gây khó chịu
  • Cần điều chỉnh kết cấu thức ăn và đặt thức ăn vào vị trí phù hợp trong miệng để giảm nguy cơ bị nghẹn
  • Có thể bị ho hoặc sặc nếu uống nước nhanh hoặc lượng lớn
  • Có thể mệt khi ăn thức ăn đòi hỏi phải nhai nhiều, kéo dài thời gian ăn
  • Thường không dùng hết thức ăn/thức uống, thức ăn còn đọng lại trên răng, trần khoang miệng, trong má và trên nướu.

Mức IV: Ăn uống với giới hạn đáng kể về tính an toàn

  • Ăn được thức ăn xay nhuyễn
  • Gặp khó đối với thức ăn cần nhai kỹ; có thể bị nghẹn nếu gặp khối thức ăn cứng
  • Có thể gặp khó khăn để phối hợp ăn và thở cùng lúc, có dấu hiệu bị sặc
  • Gặp khó trong việc kiểm soát sự dịch chuyển của thức ăn/thức uống trong miệng, kiểm soát mở và đóng miệng, kiểm soát nuốt, cắn và nha
  • Có thể nuốt trọn cả khối thức ăn mà chưa nhai nhỏ
  • Có thể uống thức uống sệt dễ hơn thức uống lỏng; uống chậm, lượng nhỏ, với cốc miệng lớn có thể giúp kiểm soát tốt hơn.
  • Đôi lúc chỉ dám uống trong điều kiện cụ thể như khi có người chăm sóc bên cạnh
  • Cần nhiều thời gian hơn để nuốt trước khi đưa phần thức ăn khác vào miệng
  • Cần chuẩn bị thức ăn có kết cấu đặc biệt, kỹ thuật ăn uống đúng, người hỗ trợ có kỹ năng, đặt tư thế và điều chỉnh môi trường để giảm nguy cơ nghẹn, sặc và tăng hiệu quả ăn uống.
  • Có thể mệt khi ăn, kéo dài thời gian ăn
  • Rơi vãi nhiều khi ăn uống
  • Thức ăn có thể bị bám dính trên răng, trần khoang miệng, giữa kẽ răng và nướu.
  • Có thể cần cân nhắc bổ sung ăn qua ống thông

Mức V: Không thể ăn uống an toàn – Có thể cần ăn qua ống thông để cung cấp dinh dưỡng

  • Có thể xử lý lượng rất nhỏ thức ăn, thức uống. Khả năng này bị ảnh hưởng đáng kể bởi tư thế, các yếu tố cá nhân và môi trường.
  • Không thể nuốt an toàn bởi các giới hạn về tầm vận động của miệng, khả năng điều hợp giữa nuốt và thở
  • Thường xuyên gặp khó trong việc kiểm soát mở miệng và vận động lưỡi
  • Thường xuyên bị nghẹn và sặc
  • Có thể gặp nguy hiểm vì sặc
  • Cần hỗ trợ hút hoặc uống thuốc để giữ cho đường thở không bị đọng nhiều chất tiết
  • Cần cân nhắc sử dụng nuôi ăn qua ống thông

Điền vào phiếu đánh giá.

  • Ghi lại ngày giờ đánh giá. Ký, ghi rõ họ tên người đánh giá. 

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Tiến hành đánh giá, phân loại khả năng ăn uống người bệnh định kỳ trong thời gian nằm viện và khi người bệnh xuất viện. Theo dõi sự tiến bộ về khả năng ăn uống cũng như các nguy cơ do sặc có thể xảy ra trong quá trình ăn uống của người bệnh.
  • Người bệnh có khả năng ăn uống kém có thể gặp một số vấn đề không an toàn như nghẹn, sặc trong quá trình ăn, uống. Do đó cần lưu ý chọn lựa kết cấu thức ăn, thức uống phù hợp, đặt tư thế đúng, kỹ thuật đúng và theo dõi các dấu hiệu nghẹn, sặc có thể xảy ra. Cần xử lý nhanh để loại bỏ thức ăn, thức uống ra khỏi miệng và đường thở bằng các kỹ thuật phù hợp đã được huấn luyện. Có thể cần phải dùng máy hút hoặc dùng thuốc để xử lý thêm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sellers, D. (2019). Eating and drinking ability classification system. Dysphagia, 34(2), 279-280.

2. Sellers, D., Mandy, A., Pennington, L., Hankins, M., & Morris, C. (2014). Development and reliability of a system to classify the eating and drinking ability of people with cerebral palsy. Developmental Medicine & Child Neurology, 56(3), 245251.

3. Tschirren, L., Bauer, S., Hanser, C., Marsico, P., Sellers, D., & van Hedel, H. J. (2018). The Eating and Drinking Ability Classification System: concurrent validity and reliability in children with cerebral palsy. Developmental medicine & child neurology, 60(6), 611-617.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này