I. ĐẠI CƯƠNG
- Gãy 2 xương cẳng chân rất hay gặp, chiếm 18% các trường hợp gãy xương chân. Gãy xương chày là xương chịu lực chính của cơ thể do vậy yêu cầu điều trị và phục hồi chức năng đòi hỏi khá cao.
- Các biện pháp vật lý trị liệu, vận động trị liệu và thuốc được sử dụng để thúc đẩy quá trình liền xương, phục hồi chức năng vận động khớp gối, cổ chân và chịu lực của xương chày. Phòng tránh các biến chứng teo cơ,cứng khớp…
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
- Tình huống xảy ra chấn thương?
- Thời gian bị chấn thương đến thời điểm hiện tại?
- Các biện pháp đã can thiệp, xử trí?
- Hỏi bệnh nhân có đau chói tại nơi gãy không?
- Có đau, hạn chế vận động các khớp gối, cổ chân khi vận động không?
1.2. Khám lâm sàng
- Cơ năng: Cẳng chân bị gập góc nơi gãy, ngắn hơn bên lành và bàn chân xoay ra ngoài.
- Thực thể: Sờ có điểm đau chói hoặc có tiếng lạo sạo của xương vỡ.
- Toàn thân: Bệnh nhân đau nhiều, có thể sốc chấn thương nếu gãy hở cả hai xương cẳng chân.
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng:
Chụp X-quang xương cẳng chân tư thế thẳng và nghiêng để xác định và kiểm tra vị trí gãy và độ di lệch của xương.
2. Chẩn đoán xác định:
Dựa vào phim X-quang chẩn đoán xác định.
3. Chẩn đoán nguyên nhân
Gãy do: chấn thương, loãng xương, lao xương, ung thư xương…
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
- Tiến hành sớm
- Cố định tốt điểm gãy trong giai đoạn bất động
- Giảm đau, giảm phù nề
- Chống huyết khối tĩnh mạch
- Khôi phục lại tầm vận động khớp gối và cổ chân
- Gia tăng sức mạnh và dẻo dai các nhóm cơ vùng đùi và cẳng chân Khôi phục lại dáng đi .
- Lấy lại hoạt động bình thường cho bệnh nhân
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
* Mục đích:
- Gia tăng tuần hoàn.
- Giảm đau và giảm co thắt các cơ.
- Gia tăng tầm vận động khớp gối và khớp cổ chân.
- Gia tăng sức mạnh các cơ vùng gối, cổ chân và bàn chân.
- Tập dáng đi đúng.
* Phương pháp:
- Cử động các ngón chân để gia tăng tuần hoàn và nằm nâng cao chân để giảm sưng nề chân.
- Gồng cơ tứ đầu đùi, cơ ụ ngồi
- Tập chủ động có trợ giúp hay tự do các cử động gập duỗi, dạng áp khớp hông.
- Tập đi nạng với dáng đi đúng, không chịu sức nặng hay chịu sức nặng một phần tuỳ thuộc đường gãy ngang hay chéo và theo chỉ định của bác sỹ.
- Khi tháo bột có thể áp dụng bồn xoáy, túi chườm nóng.
- Xoa bóp trong tư thế nâng cao chân để giảm sưng.
- Tập chủ động tự do tại khớp gối.
- Tập có lực kháng bằng tay của kỹ thuật viên hay bằng tạ cho các cơ ở cẳng chân, đùi và bàn chân.
- Tập điều hợp nhặt vật bằng ngón chân.
- Tập đi trên đường thẳng, đi trên đầu ngón chân, đi với dáng đi đúng. Hoạt động trị liệu: chơi các trò chơi sử dụng bằng hai chân.
- Sau khi bỏ bột cần băng chun từ ngón chân đến đầu gối cho đến khi chân hết sưng.
3. Các điều trị khác
- Các thuốc giảm đau Paracetamol…
- Các thuốc tái tạo kích thích liền xương nhanh: Calcitonin, Biphosphonat, Calcium…
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
- Tình trạng ổ gãy: đau, sưng nề, di lệch, biến dạng…
- Phản ứng của người bệnh trong quá trình tập luyện: thái độ hợp tác, sự tiến bộ…
- Tình trạng chung toàn thân
- Theo dõi và tái khám sau 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.
Theo “Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Chuyên Ngành Phục Hồi Chức Năng”, BYT, 2014.