I. ĐẠI CƯƠNG
- Xương cẳng tay có chức năng quan trọng là sấp ngửa cẳng tay. Chức năng này rất cần thiết cho nhiều động tác sinh hoạt, lao động chính xác hằng ngày.
- Những biến chứng có thể gặp sau gãy hai xương cẳng tay là: Hội chứng Volkmann, khớp giả, cứng khớp do bất động, Hội chứng Sudeck do rối loạn tuần hoàn cục bộ vùng gãy, hạn chế cử động quay sấp ngửa cẳng tay do can lệch làm dính xương trụ vào xương quay.
- Phục hồi chức năng cẳng tay bi gãy bằng các biện pháp vận động trị liệu, vật lý trị liệu và thuốc để làm nhanh quá trình liền xương, cải thiện tầm vận động khớp khuỷu, khớp cổ tay. Phòng tránh các biến chứng teo cơ, cứng khớp khuỷu, khớp cổ tay,…
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
- Tình huống xảy ra chấn thương?
- Thời gian bị chấn thương đến thời điểm hiện tại?
- Các biện pháp đã can thiệp, xử trí?
- Hỏi bệnh nhân hiện tại có đau chói tại nơi gãy không?
- Có đau, hạn chế vận động khớp khuỷu, khớp cổ tay khi vận động không?
1.2. Khám lâm sàng
- Cơ năng: Đau tăng lên khi làm động tác sấp ngửa
- Thực thể: Cẳng tay sưng, chỗ gãy gồ lên gấp góc. Sờ nắn vào chỗ gãy đau chói hoặc có tiếng lạo xạo xương. Có thể có tổn thương thần kinh và mạch máu.
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng
- Chụp X-quang cẳng tay tư thế thẳng và nghiêng để xác định và kiểm tra vị trí gãy và độ di lệch của xương.
2. Chẩn đoán xác định
- Dựa vào X-quang chẩn đoán xác định
3. Chẩn đoán nguyên nhân
- Gãy xương do sang chấn
- Gãy xương do các bệnh lý về xương: loãng xương, giòn xương, u xương, tiểu đường, lạm dụng điều trị các bệnh bằng corticoid…
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng
- Tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình liền xương
- Giảm sưng nề, giảm đau, chống rối loạn tuần hoàn, chống kết dính khớp, ngừa hội chứng đau vùng (hội chứng rối loạn dinh dưỡng giao cảm phản xạ-hội chứng Sudeck).
- Duy trì tầm vận động khớp, ngừa teo cơ.
- Phục hồi chức năng các hoạt động tinh tế bàn tay sau bất động
2. Các phương pháp và kỹ thuật, phục hồi chức năng
2.1. Giai đoạn bất động
- Mục đích: Giảm sưng, cải thiện tuần hoàn, chống teo cơ, duy trì tầm vận động và lực cơ khớp vai và các ngón tay.
- Phương pháp phục hồi chức năng:
- Đặt tư thế đúng: nâng cao tay
- Cử động tập các ngón tay
- Co cơ tĩnh các cơ cánh tay và cẳng tay trong bột.
- Chủ động tập có trợ giúp các cử động của khớp vai.
2.2. Giai đoạn sau bất động
- Mục đích: Giảm đau, giảm co thắt cơ, gia tăng tầm hoạt động khớp bị giới hạn, gia tăng sức mạnh cơ, phục hồi chức năng sinh hoạt.
- Phương pháp vật lý trị liệu:
- Nhiệt: chườm ấm vùng cơ co thắt bằng hồng ngoại, Paraphin… Điện: điện phân dẫn thuốc ( novocain, salicilat..)
- Phương pháp phục hồi chức năng:
- Xoa bóp vùng bàn tay, cẳng tay
- Áp dụng kỹ thuật giữ nghỉ hoặc kéo dãn thụ động đối với các khớp bị giới hạn (cử động sấp ngửa cẳng tay phải tập nhẹ nhàng)
- Tập chủ động có trợ giúp, đề kháng tuỳ theo lực cơ của người bệnh
- Chương trình tập tại nhà: tập cài nút áo từ thấp đến cao, quạt tay,vặn nắm cửa, chải đầu…
- Hoạt động trị liệu: ném bóng, bắt bóng…
2.3. Gãy hai xương cẳng tay có phẫu thuật
- Mục đích: Giảm đau, giảm sưng, cải thiện tuần hoàn, chống kết dính các cơ vùng cẳng tay, gia tăng tầm hoạt động khớp khuỷu, khớp cổ tay, duy trì tầm hoạt động khớp vái, ngón tay, PHCN sinh hoạt.
- Phương pháp phục hồi chức năng:
- Tuần 1: Tư thế trị liệu: nâng cao chi khi nằm, băng treo tay ở tư thế chức năng khi đi đứng. Chủ động tập nhanh cử động gập duỗi các ngón tay. Co cơ tĩnh nhẹ nhàng các cơ vùng cẳng tay, cánh tay. Chủ động tập trợ giúp các cử động của khớp vai.
- Tuần 2: Chủ động tập nhanh cử động các ngón tay như tuần 1. Chủ động tập trợ giúp cử động gập duỗi khuỷu và gập duỗi cổ tay nhẹ nhàng. Tiếp tục tập khớp vai như tuần 1. Với trường hợp phẫu thuật vững chắc có thể thực hiện chủ động tập cử động sấp ngửa nhẹ nhàng, thận trọng.
- Tuần 3 và 4: Tập như tuần 2. Tập mạnh cơ tuỳ theo lực cơ người bệnh. Chú ý đối với cử động quay sấp ngửa cẳng tay, khi thực hiện chủ động tập đề kháng cần kiểm tra bằng X-quang để xem xương có liền tốt chưa và lực đề kháng không được đặt lên ổ gãy.
- Chương trình tại nhà: như trong giai đoạn sau bất động.
- Hoạt động trị liệu: như trong giai đoạn sau bất động.
3. Các điều trị khác
- Các thuốc giảm đau nhóm nonsteroids
- Các thuốc tái tạo kích thích liền xương nhanh: Calcitonin, Biphosphonat, Calcium…
- Các thuốc giảm đau thần kinh nếu có đau thần kinh.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
- Tình trạng ổ gãy: đau, sưng nề, di lệch, biến dạng…
- Phản ứng của người bệnh trong quá trình tập luyện: thái độ hợp tác, sự tiến bộ…
- Tình trạng chung toàn thân.
- Theo dõi và tái khám sau 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.
Theo “Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Chuyên Ngành Phục Hồi Chức Năng”, BYT, 2014.