XEM THÊM PHCN ONLINE: BỆNH LÝ DÂY THẦN KINH MÁC
I. ĐẠI CƯƠNG
Dây thần kinh (TK) chày còn gọi là dây TK hông khoeo trong là một trong hai nhánh tận của dây thần kinh hông to, chi phối vận động cơ tam đầu cẳng chân; cơ gấp dài ngón cái; cơ chày sau; cơ khoeo và cơ gan chân gầy, với chức năng sinh lý: Gấp bàn chân về phía lòng; đứng bằng mũi chân (kiễng gót); xoay bàn chân vào trong và gấp ngón chân.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
1.2. Khám và lượng giá chức năng
- Không gấp được bàn chân về phía lòng.
- Không đứng được bằng mũi chân (không kiễng được gót chân).
- Không xoay được bàn chân vào trong.
- Teo cơ phía sau cẳng chân; mất phản xạ gân gót; khi đi thường đặt gót chân xuống trước, gọi là “bàn chân gót” (pes calcaneus).
- Giảm hoặc mất cảm giác vùng gan bàn chân và các ngón chân; mặt sau cẳng chân và mặt mu đốt cuối các ngón chân.
- Rối loạn dinh dưỡng và vận mạch ở gan chân: bàn chân lạnh, nhơm nhớp mồ hôi, loét, gan bàn chân trắng bợt, có lúc tím tái…
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng:
Chẩn đoán điện thần kinh có giá trị trong chẩn đoán xác định, vị trí tổn thương và tiên lượng quá trình điều trị.
2. Chẩn đoán phân biệt
- Thoái hóa khớp gối.
- Chấn thương, gẫy xương vùng cẳng chân.
- Ung thư xương nguyên phát hoặc di căn.
3. Chẩn đoán nguyên nhân
- Thường gặp nhất trong gãy đầu dưới xương chày có mảnh rời kèm sai khớp gối; tai biến trong kết hợp xương chày, can thiệp vào khớp gối
- Tổn thương hở: Do vết thương hoả khí, tai nạn trong lao động và trong sinh hoạt.
- Tổn thương kín: Gặp trong tai nạn giao thông, thể thao, luyện tập quân sự: dây thần kinh bị bầm giập, kéo căng quá mức.
- Do bệnh lý: U dây thần kinh; viêm dây thần kinh; do nhiễm độc; đè ép, do viêm.
- Do thầy thuốc gây nên: Do tiêm truyền; garo kéo dài; tai biến trong phẫu thuật; do chiếu tia xạ kéo dài
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
- Giảm đau chống viêm, phòng chống sẹo hóa, teo cơ, co rút co, cứng cơ.
- Kích thích phục hồi, tăng dẫn truyền thần kinh.
- Phục hồi tầm vận động của cẳng chân, cổ chân và bàn chân
- Phục hồi các hoạt động chức năng hàng ngày như đi lại, lên xuống cầu thang, đứng lên ngồi xuống..
- Tổn thương kín cần điều trị bảo tồn tích cực. Nếu sau 1-2 tháng điều trị không kết quả thì cần nghiên cứu điện thần kinh xem có thể phẫu thuật được không
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng:
2.1. Điều trị bằng nhiệt vùng cẳng chân bị tổn thương: Có thể chọn một trong các phương pháp nhiệt sau: Hồng ngoại, đắp paraphin hoặc bùn khoáng, từ trường nhiệt
2.2. Điện phân dẫn thuốc chống viêm giảm đau như Natrisalicylat 3% hay Nivalin đặt tại vùng tổn thương.
2.3. Siêu âm hoặc siêu âm dẫn thuốc dòng xung vùng tổn thương.
2.4. Điện xung dòng kích thích phục hồi thần kinh cơ: Faradic, Diadynamic, dòng giao thoa…
2.5. Xoa bóp sâu vùng cẳng chân, bàn chân bên tổn thương: Vào tuần thứ sáu, rất có hiệu quả do tránh được sơ, sẹo dính, kích thích phục hồi nhanh
2.6. Tập luyện:
Đặc biệt quan trọng trong điều trị phục hồi, đề phòng biến chứng. Các bài tập thụ động, chủ động theo tầm vận động, vận động có kháng trở tùy thuộc vào mức độ tổn thương hay tiến triển của bệnh. Có thể sử dụng tập có kháng trở với các mẫu vận động cổ chân, bàn, ngón chân.
Trong trường hợp nối dây thần kinh, khi vận động cần:
- Bất động khớp ở dưới vị trí tổn thương ở tư thế trung tính bằng máng bột trong 03 tuần, kết hợp tập chủ động các khớp không liên quan.
- Từ 3-5 tuần: Tập vận động nhưng tránh căng đầu dây thần kinh bị khâu nối. Tập 3 4 lần /ngày xen kẽ hoạt động trị liệu.
- Tuần 6-8: Có thể áp dụng kỹ thuật PNF với các mẫu vận động của khớp gối, khớp cổ chân, bàn chân.
- Tuần 8-10: Vận động tập có đề kháng tăng dần. Nếu tầm vận động không đạt thì dùng phương pháp kéo giãn thụ động và làm máng bột kéo giãn tăng tiến.
2.7. Nẹp cẳng cổ chân bàn chân giúp phòng biến dạng bàn chân, đi lại và di chuyển dễ dàng hơn
3. Các điều trị khác
3.1. Thuốc
3.1.1. Dòng Acetaminophen (paracetamol, Efferalgan codeine, Ultracet) 500mg X 4 viên/ngày. Chỉ nên dùng ngắn ngày
3.1.2. Dòng chống viêm giảm đau không steroid (NSAID): Dùng liều thấp, ngắn ngày. Cẩn trọng khi dùng cho bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa, tim mạch hoặc suy thận mạn. Có thể dùng đường uống hay điện phân.
3.1.3. Dòng thuốc kích thích phục hồi dẫn truyền thần kinh: Nucleofort CMP ống hay viên 50mg X 2 ống (viên) ngày chia 2 lần. Nivalin 2,5mg X 1 đến 2 ống/ngày chia 2 lần, tiêm bắp
3.1.4. Dòng thuốc giảm phù nề: Alphachymotrypsine X 4 viên/ngày
3.1.5. Các vitamin nhóm B như B1, B6, B12.
3.2. Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
Các chỉ số theo dõi: Tình trạng đau, vận động cẳng chân, bàn chân, các bài tập vận động, các hoạt động thực hiện chức năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Theo “Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Chuyên Ngành Phục Hồi Chức Năng”, BYT, 2014.