1. ĐẠI CƯƠNG
- Liệt dây thanh là tình trạng một hoặc hai dây thanh không thể mở hoặc đóng như bình thường.
- Phục hồi chức năng giọng nói áp dụng các chiến lược tập luyện cho liệt dây thanh thường bao gồm:
- Cung cấp thông tin cho bệnh nhân
- Gợi ý thay đổi hành vi chưa đúng
- Tái tổ chức giọng nói bị xáo trộn theo nguyên tắc học vận động
- Bù trừ cho giọng nói bị rối loạn với tình trạng bệnh lý của bệnh nhân
- Đánh giá cảm nhận của người bệnh và người khác về giọng nói của bệnh nhân
- Đánh giá các yếu tố liên quan như là có phải rối loạn giọng là vấn đề “thực sự” hay chỉ là triệu chứng của một vấn đề khác
- Tập phục hồi chức năng sau liệt dây thanh là phương pháp phối hợp chức năng thở và tạo âm bằng cách tập trung vào kiểu thở bụng để giúp bệnh nhân tạo ra giọng nói thoải mái, có nguồn hơi khỏe với cổ họng thư giãn, phối hợp với các cử động nhịp nhàng của toàn bộ cơ thể. Phương pháp này cũng thường được kết hợp với các hoạt động chăm sóc giọng nhằm giúp bệnh nhân có thể cải thiện giọng nói của mình
2. CHỈ ĐỊNH
- Liệt dây thanh đã xác định qua nội soi thanh quản hoặc nghi ngờ sau phẫu thuật vùng cổ-ngực, tổn thương thần kinh trung ương, ngoại biên…
- Tổn thương trung ương: viêm não, bệnh lý mạch máu não, u…
- Ngoại biên: tổn thương thần kinh quặt ngược (hồi quy) thanh quản do phẫu thuật, u chèn ép…
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Không có chống chỉ định tuyệt đối
- Việc Phục hồi chức năng sẽ không đạt kết quả tốt nếu người bệnh không đủ tỉnh táo hoặc không hợp tác tham gia vào buổi trị liệu
4. THẬN TRỌNG
Không có
5. CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp
01 Bác sĩ Phục hồi chức năng
01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc kỹ thuật viên ngôn ngữ trị liệu.
b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc:
không có
5.3. Vật tư
- Ống hút
- Chai nước
- Gương soi
- Giấy và bút viết
- Bản in các câu hoặc đoạn văn mẫu để tập nói
- Máy thu âm
- Một số bài nhạc theo sở thích, độ tuổi
5.4. Trang thiết bị
- Phòng yên tĩnh
- Giường bệnh.
5.5. Người bệnh
Giải thích về mục đích và qui trình thực hiện. Người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái để tránh sự căng cơ.
5.6. Hồ sơ bệnh án
Xem hồ sơ về bệnh sử, kế hoạch điều trị, các bệnh lý hoặc rối loạn khác kèm theo.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật:
0,5 – 0,75 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện:
phòng vận động trị liệu
5.9 Kiểm tra hồ sơ
- Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
- Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Bước 1: Tập thở
Lấy hơi đúng cách có vai trò quan trọng trong mọi giai đoạn rối loạn giọng nói, giúp cho tạo âm được hiệu quả, giảm bớt các hiện tượng bù trừ dẫn đến căng cơ thứ phát.
Cách thực hiện: Bệnh nhân để một tay trên bụng, một tay trên ngực. Khi thở ra bụng xẹp, khi hít vào bụng phình. Thư giãn cơ vùng cổ vai và ngực, chỉ tập trung vào cử động của vùng bụng.
Nếu người bệnh có xu hướng thở ngực và khó thực hiện thở bụng:
- Nhắc người bệnh thở ra xẹp bụng trước, sau đó phình bụng lên khi hít vào
- Sử dụng phản hồi cảm giác: thử tập trong tư thế nằm với quyển sách (hoặc vật nặng) để trên bụng để cảm nhận cử động bụng tốt hơn
- Sử dụng phản hồi thị giác: nhìn vào gương hoặc quay video rồi xem lại để người bệnh thấy được cử động vai-ngực khi hít vào, thấy được mình đang gồng cơ khi hít vào. Khuyến khích người bệnh tập trung vào cử động xẹp-phình lên ở bụng, chùng vai, mở rộng cổ để không cản trở khí đi vào-đi ra.
- Dùng hình ảnh liên tưởng. Ví dụ: phổi như một bong bóng hay túi khí, khi thở ra thì xẹp, khi lấy hơi thì căng phình lên. Nếu thở ngực thì chỉ sử dụng một phần nhỏ của túi khí và phổi chưa nở tối đa, thở bụng giúp lấy được nhiều hơn để nói lớn, nói lâu mà ít phải gắng sức.
- Động viên, làm mẫu, khuyến khích người bệnh vì thói quen mẫu thở có thể khó sửa ngay lập tức.
- Có thể phối hợp với thở chúm môi (chúm môi kéo dài hơi thở ra), thổi chai nước (dùng ống hút để thổi sủi bọt trong chai nước…) để cảm nhận được độ dài hơi thở
Bước 2: Tập tạo âm
- Tập kiểm soát hơi thở để tạo âm hiệu quả. Mục tiêu là âm tạo ra đúng nhịp thở (trong thì thở ra), thoải mái, không gồng, không gắng sức, với độ lớn, độ cao, độ dài lời nói phù hợp, xen kẽ ngừng nghỉ lấy hơi.
- Bài tập bán tắc dây thanh:
- Người bệnh ngồi ở tư thế thoải mái. Lấy hơi đúng cách (thở bụng, thư giãn cơ vai cổ) và phát âm kéo dài các âm /x/, /f/, /z/, /v/. Lặp lại 10-15 lần.
- Tập rung môi (như em bé phun mưa), rung lưỡi (nói /r…/). Lặp lại 10-15 lần.
- Bài tập tạo âm với ống hút:
- Người bệnh ngậm ống hút vừa kín, sử dụng hơi bụng để tạo âm: /u…./, đếm, đọc một đoạn văn. Thời gian khoảng 5-10 phút.
Bước 3: Tập lên xuống giọng (thay đổi âm sắc, cao độ)
Mục tiêu là đạt được sự thay đổi âm sắc nhưng không gây ra giọng căng. Tùy theo giới, độ tuổi và như cầu sử dụng giọng để chọn quãng cao độ phù hợp
Cách thực hiện:
- Người bệnh sử dụng các nhịp điệu và kiểu nhấn, độ lớn và khoảng lên xuống giọng khác nhau để tăng tính linh hoạt và khoảng giọng với 3 nhịp điệu căn bản.
- Trong lúc tập, bệnh nhân thực hiện các vận động nhịp nhàng của tay và thân người phối hợp với nhịp điệu tạo âm, như người trị liệu làm mẫu.
- Có thể thử rung môi và lên-xuống giọng
- Tập hát với ống hút. Khuyến khích người bệnh ngậm ống hút và tập hát các bài hát yêu thích.
Bước 4: Chuyển tiếp lên lời nói liên tục
- Người bệnh tập trung vào độ dài của một đoạn, chỗ ngừng nghỉ, thời gian và tốc độ lời nói. Đây là quá trình thực tập cách nói hội thoại thông thường, cách nói lúc trình diễn hoặc nói theo nhu cầu của người bệnh.
7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
- Trong quá trình thực hiện nhà trị liệu nên quan sát, hướng dẫn và phản hồi liên tục cũng như cho bệnh nhân tự cảm nhận để chỉnh sửa bài tập cho phù hợp.
- Một số người có thể cảm thấy choáng, khó chịu khi hít thở sâu liên tục.
- Thường xuyên hỏi cảm nhận của bệnh nhân trong giai đoạn tập thở và chia nhỏ bài tập (hít sâu – nghỉ vài nhịp)
Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )