Kỹ Thuật Tích Hợp Giác Quan

1. ĐẠI CƯƠNG

– Kỹ thuật tích hợp giác quan (Sensory Integration Technique) được thực hiện bởi kỹ thuật viên hoạt động trị liệu giúp trẻ cải thiện quá trình xử lý và tích hợp các đầu vào cảm giác để đạt được phản ứng thích ứng thích hợp với các kích thích hàng ngày thông qua cơ chế: “xử lý đầy đủ và tích hợp thông tin giác quan là nền tảng quan trọng cho hành vi thích ứng”. Các kỹ thuật tích hợp giác quan nhằm tổ chức các cảm giác từ cơ thể của một người và từ môi trường, từ đó có thể sử dụng cơ thể một cách hiệu quả trong môi trường bằng cách tạo ra các hành vi phù hợp. Kỹ thuật tích hợp giác quan ảnh hưởng tích cực đến phản ứng của trẻ đối với cảm giác bằng cách giảm căng thẳng, gia tăng phản khả năng đáp ứng phù hợp với các kích thích cảm giác, khả năng tập trung và các kỹ năng xã hội.

– Mục tiêu cuối cùng của kỹ thuật tích hợp giác quan là cải thiện quá trình xử lý cảm giác, tổ chức, tích hợp và lập quyết định đáp ứng kích thích thông qua vận động của hệ thần kinh.

– Gia tăng khả năng điều chỉnh, phân biệt và tích hợp thông tin cảm giác từ cơ thể và từ môi trường.

– Tăng cường khả năng tự điều chỉnh để hiệu chỉnh và duy trì mức độ kích thích, và/hoặc mức độ hoạt động cần thiết để tham gia và tập trung vào các tác vụ hoặc hoạt động một cách thích hợp.

– Duy trì kiểm soát tư thế bao gồm trương lực cơ, sức mạnh và thăng bằng, kiểm soát mắt, phối hợp hai bên và từng bên 

– Đạt được khả năng phân tích và ra quyết định hành vi một cách phù hợp với từng điều kiện môi trường cụ thể.

– Tổ chức hành vi cần thiết cho các tác vụ và hoạt động phù hợp với sự phát triển ở từng giai đoạn khác nhau.

– Phát triển khả năng tự nhận thức và sự tự tin về hiệu quả bản thân.

– Giúp trẻ tham gia vào các hoạt động sống bao gồm tự chăm sóc, vui chơi, hoạt động xã hội và các nhiệm vụ học tập phù hợp với mốc phát triển.

2. CHỈ ĐỊNH

– Các trường hợp rối loạn giác quan trong tổn thương thần kinh, các trường hợp rối loạn hành vi và rối loạn phát triển.

– Tự kỷ.

– Tăng động giảm chú ý (ADHD).

– Hội chứng Rett.

– Bại não.

– Các tổn thương não khác…

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh không hợp tác

4. THẬN TRỌNG

– Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

b) Nhân lực hỗ trợ: 

không có

5.2. Thuốc: 

không có

5.3. Vật tư

– Găng tay

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

– Khăn lau tay

– Thú nhún, dụng cụ nhún bằng lò xo…

– Dải hoặc dây cao su trị liệu

– Bóng trị liệu các loại: bóng tròn, bóng hình quả đậu…

– Ván trượt, cầu trượt

– Các loại xích đu

– Đu quay

– Ván trượt phẳng có bánh xe

– Túi hình đậu

– Các loại hầm chui

– Vải thun, khăn mặt, chăn hoặc ga

– Đệm bông

– Lều bóng, nhà bóng

– Các loại thảm trải nhà với chất liệu khác nhau.

– Các vật liệu xúc giác khác nhau: nước, cát, sỏi, bông, bọt biển…

– Các đồ chơi thị giác, nhiều màu sắc.

– Thang trèo bằng dây thừng hoặc gỗ

– Thùng gỗ

– Ván thăng bằng

– Dụng cụ để thực hành các kỹ năng sống hàng ngày (dụng cụ học tập, quần áo, vệ sinh, và các đồ vật liên quan đến sinh hoạt tại nhà khác)

5.4. Trang thiết bị

– Máy tạo rung hoặc máy mát xa

5.5. Người bệnh

– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra.

– Người bệnh cần được đảm bảo an toàn, thoải mái tham gia vào các hoạt động được thiết lập bởi Kỹ thuật viên dựa trên kỹ thuật tích hợp giác quan.

5.6. Hồ sơ bệnh án

– Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

– Ghi chép lại các vấn đề lượng giá người bệnh về rối loạn tích hợp cảm giác (sử dụng bộ câu hỏi ngắn về cảm giác ở trẻ- Short Sensory Profile), hành vi, khả năng thực hiện các sinh hoạt hằng ngày cũng như khả năng giao tiếp xã hội của trẻ. Tái lượng giá trẻ và chương trình can thiệp sau 3 tháng. Chương trình can thiệp cần đáp ứng phù hợp với mục tiêu và nhu cầu của trẻ dựa trên sự thảo luận với gia đình, nhà trường, cộng đồng nơi trẻ sinh sống.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 

1 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: 

Phòng tập Phục hồi chức năng

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

– Tiếp xúc với trẻ, để trẻ có cơ hội được chọn lựa hoạt động và đồ chơi yêu thích trước. Có thể dành một khoảng thời gian ngắn để trẻ được chơi tự do trước.

– Từ các hoạt động và đồ chơi trẻ lựa chọn, kỹ thuật viên cần linh hoạt sáng tạo ra các hoạt động phù hợp với mục tiêu điều trị đặt ra.

– Lựa chọn các chương trình can thiệp phù hợp với vấn đề và mục tiêu của trẻ.

* Kỹ thuật tích hợp giác quan trong trường hợp rối loạn điều tiết giác quan

– Kỹ thuật chạm nhẹ

– Kỹ thuật tăng dần cảm giác xúc giác sâu

– Đối với những trẻ có hệ thống tiền đình ít hưng phấn, Kỹ thuật viên sẽ sử dụng các hoạt động có tốc độ nhanh, không đều (có khoảng dừng / bắt đầu), và chuyển động quay. Đối với trẻ em với sự kích thích hưng phấn cao trong hệ thống tiền đình, Kỹ thuật viên sẽ sử dụng các hoạt động chậm, đều đặn và nhịp nhàng.

– Kỹ thuật viên có thể kết hợp nhiều hơn 2 kỹ thuật tích hợp giác quan ( xúc giác, tiền đình, cảm thụ bản thể) để giúp trẻ có nhiều khả năng phát triển khả năng tự điều chỉnh, nhận thức về cảm giác và sự chuyển động trong không gian.

* Kỹ thuật tích hợp giác quan trong trường hợp rối loạn phân biệt giác quan

– Để giúp trẻ phát triển khả năng phân biệt xúc giác thích hợp, trẻ có thể phân biệt kích thước, hình dạng, kết cấu, vị trí và chất lượng của nhiều loại kích thích xúc giác ở các vị trí khác nhau của cơ thể khi có và không có thị lực.

– Kích thích xúc giác tạo cơ sở cho cảm giác nhận thức về vận động giúp tăng phản hồi xúc giác và nhận thức về các bộ phận cơ thể của một người.

* Kỹ thuật tích hợp giác quan trong trường hợp rối loạn tích hợp song phương và trình tự

– Cung cấp các hoạt động gia tăng cảm giác tiền đình cho trẻ

– Để phát triển tư thế, vận động thị giác, kỹ năng cảm nhận hình ảnh và tích hợp song phương, Kỹ thuật viên sẽ cung cấp nhiều cơ hội khác nhau có thể thách thức đứa trẻ thông qua các hoạt động gia tăng khả năng đáp ứng cơ thể, phối hợp hai tay, duy trì khả năng thăng bằng

* Kỹ thuật tích hợp giác quan trong trường hợp gia tăng khả năng nhận thức vận động

– Kỹ thuật viên hỗ trợ và hướng dẫn trẻ phát triển hành vi tự tổ chức cá nhân thông qua các hoạt động vui chơi có ý nghĩa.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Trong suốt quá trình can thiệp trị liệu, người thực hiện cần chú ý đến đáp ứng của trẻ có phù hợp với các cảm giác cung cấp hay không? Có cần điều chỉnh mức độ kích thích cảm giác cho trẻ hay không.

– Đảm bảo an toàn cho trẻ, phòng ngừa tai nạn trong suốt quá trình tập luyện.

– Ghi chép lại chương trình tập luyện sau mỗi buổi tập vào hồ sơ bệnh án

– Cung cấp chương trình can thiệp tại nhà cho gia đình trẻ và hướng dẫn người nhà thực hiện đảm bảo an toàn và hiệu quả cho trẻ cũng như đạt được mục tiêu điều trị.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Bạn không thể copy nội dung ở trang này