Kỹ Thuật Phục Hồi Chức Năng Tập Trung

1. ĐẠI CƯƠNG

  • Chức năng tập trung là một hoạt động nhận thức cơ bản, thể hiện cách một người tiếp nhận và xử lý các tín hiệu kích thích cả nội tại và ngoại lai.
  • Chức năng tập trung tương tác với các chức năng nhận thức khác, bao gồm nhận cảm, trí nhớ, học tập, tổ chức và tư duy. Chức năng tập trung đóng vai trò then chốt trong mối tương tác này nên khiếm khuyết chức năng tập trung có thể tác động đến nhiều chức năng nhận thức khác nhau của cơ thể.
  • Suy giảm chức năng tập trung là một trong những khiếm khuyết chức năng nhận thức thường gặp nhất sau tổn thương não mắc phải như chấn thương sọ não, đột quỵ não.
  • Phương pháp APT (Attention Process Training) được đánh giá là một trong những phương pháp PHCN tập trung có bằng chứng tốt nhất, được áp dụng phổ biến và hiệu quả.
  • Trong phương pháp APT, sự tập trung được chia thành 4 loại: duy trì, chọn lọc, thay thế/xen kẽ và phân chia. Phương pháp APT được sử dụng dựa trên nguyên tắc này.

2. CHỈ ĐỊNH

Tất cả các trường hợp có suy giảm chức năng tập trung

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Những người có rối loạn về hành vi, không có khả năng hợp tác trong quá trình can thiệp

4. THẬN TRỌNG

Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

  • 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
  • 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: 

  • không có

5.3. Vật tư:

  • Găng tay
  • Mũ giấy
  • Khẩu trang y tế
  • Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
  • Khăn lau tay
  • Hình ảnh
  • Giấy màu
  • Bút chì
  • Sổ ghi chép
  • Máy tính Casio

5.4. Trang thiết bị: 

Không có

5.5. Người bệnh

Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …

5.6. Hồ sơ bệnh án

Xem xét giới tính, độ tuổi, dân tộc, chẩn đoán, bệnh sử trong quá khứ và hiện tại.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 

1 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: 

Phòng tập Phục hồi chức năng

5.9. Kiểm tra hồ sơ

  • Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng chỉ định…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1. Kiểm tra hồ sơ

  • Chỉ định của bác sĩ
  • Thông tin của người bệnh (các thông tin cá nhân, chẩn đoán, chỉ định, chống chỉ định,…)

Bước 2. Kiểm tra người bệnh

  • Dấu hiệu sinh tồn, các dấu hiệu của ý thức…

Bước 3. Thực hiện kỹ thuật

Phương pháp APT được thực hiện bằng cách yêu cầu người bệnh thực hiện một loạt các bài tập lặp đi lặp lại với yêu cầu nâng cao dần về mức độ tập trung.

Một số nguyên tắc:

  • Việc phân nhóm giúp cho chỉ định dạng bài tập phù hợp với từng loại khiếm khuyết tập trung.
    • Các bài tập cải thiện tập trung ổn định:
      • Loại bỏ số theo yêu cầu
      • Đoạn băng chú ý
      • Chuỗi số
    • Các bài tập cải thiện tập trung có chọn lọc
      • Loại bỏ hình giống nhau với các lớp gây nhiễu
      • Loại bỏ số giống nhau với các lớp gây nhiễu
      • Đoạn băng chú ý với âm thanh nền
    • Các bài tập cải thiện tập trung xen kẽ
      • Loại bỏ các hình giống nhau linh hoạt
      • Loại bỏ các số giống nhau linh hoạt
      • Nhận dạng số lẻ và số chẵn
      • Cộng trừ
      • Thiết lập hoạt động phụ thuộc
    • Các bài tập cải thiện tập trung phân chia
      • Đoạn băng kép và các bài tập loại bỏ (ở trên)
      • Phân loại thẻ/lá bài
  • Cường độ tập luyện thích hợp:
    • Cường độ luyện tập phải đủ giúp não thiết lập kỹ năng tập trung và trở thành chức năng tự động.
    • Cường độ tập luyện được khuyến cáo: tối thiểu 2 lần tập APT mỗi tuần, thực hiện trong 6 tuần. Mỗi lần tập tối thiểu 30 phút. Mỗi tác vụ APT kéo dài 3 phút.
  • Sử dụng số liệu tập luyện thực tế của người bệnh để điều chỉnh chương trình tập luyện
    • Các dữ liệu liên quan đến chương trình tập luyện của người bệnh cần được ghi lại, có thể tóm tắt dưới dạng biểu đồ. Nếu người bệnh không tiến bộ sau một quá trình tập luyện, cần điều chỉnh các bài tập đơn giản hơn, thiết lập mục tiêu thấp hơn.
  • Lồng ghép chiến lược nhận thức tổng hợp vào chương trình tập luyện
    • Giáo dục người bệnh về điểm mạnh và điểm yếu của họ
    • Tăng cường khả năng nhận thức của người bệnh về sự tập trung của họ, giúp họ biết cách phát huy khả năng tập trung khi tập luyện
    • Hướng dẫn cụ thể cách hoàn thành tốt nhất có thể các tác vụ luyện tập
    • Tăng cường chức năng tự giám sát và tự điều chỉnh khi thực hiện các tác vụ
    • Tăng cường động lực, giúp người bệnh nỗ lực hơn trong luyện tập
  • Xác định và luyện tập các mục tiêu chức năng có liên quan đến tập trung
    • Các mục tiêu luyện tập chức năng tập trung cần gắn liền với các chức năng sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân chứ không chỉ để phục vụ mục tiêu của chương trình tập luyện. Người bệnh sẽ có động lực tốt hơn nếu các bài tập gắn liền với các chức năng mang tính cá nhân hóa đối với họ.

Các bước tiến hành PHCN tập trung theo phương pháp APT:

  • Thiết kế một chương trình APT:
    • Lựa chọn tác vụ
    • Lựa chọn chiến lược thực hiện
    • Lựa chọn mục tiêu
    • Lựa chọn các hoạt động được khái quát hóa
  • Thực hiện chương trình APT:
    • Mức độ luyện tập: tần suất tập và thời gian tập
    • Phân phối thời gian thực hiện các tác vụ
    • Luyện tập các chức năng nhận thức tổng hợp
    • Ghi chép các dữ liệu liên quan đến quá trình tập
    • Điều chỉnh chương trình
  • Lượng giá trước và sau buổi tập
    • Các bài thử nghiệm
    • Các bộ câu hỏi
    • Quan sát
    • Sử dụng thang mục tiêu GAS
  • Đánh giá cuối chương trình tập
    • Sử dụng bộ dữ liệu APT đã thu thập được trong quá trình tập 
    • Các hoạt động được khái quát hóa

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Theo dõi sự tiến bộ về mức độ tập trung của người bệnh.
  • Đánh giá tình trạng của người bệnh trong quá trình lượng giá 
  • Ghi chú vào hồ sơ bệnh án
  • Nếu người bệnh có các dấu hiệu như co giật, nhức đầu, đau ngực, mất ý thức, ngay lập tức ngừng tập. Báo cáo với người quản lý khi xảy ra tai biến, hợp tác với các nhà chuyên môn khác để hỗ trợ người bệnh.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Bạn không thể copy nội dung ở trang này