Kỹ Thuật Tập Nhận Thức – Cảm Giác – Vận Động (Phương Pháp Perfetti)

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU / Kỹ Thuật Tập Nhận Thức – Cảm Giác – Vận Động (Phương Pháp Perfetti)

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Phương pháp tập nhận thức – cảm giác – vận động được tác giả Perfetti phát triển dựa trên lý thuyết về việc tự điều chỉnh phản xạ có điều kiện của Anokhin. Theo đó tập nhận thức – cảm giác – vận động là một quá trình học tập cách vận động đòi hỏi hoạt động chức năng nhận thức ở mức độ cao thông qua việc tích hợp các quá trình tiếp nhận cảm giác – nhận thức – vận động. Hoạt động của quá trình nhận thức của bộ não thể hiện thông qua việc phân tích cảm giác, trí nhớ, sự tập trung, ngôn ngữ, và việc đưa ra quyết định là cốt lõi của việc tập luyện.
  • Các phương tiện dụng cụ được thiết kế đặc biệt với các mục tiêu bài tập khác nhau nhằm đáp ứng với tình trạng của người bệnh:
    • Tăng cường cảm thụ bản thể thông qua các kích thích cảm giác nông (sờ, chạm).
    • Tăng cường tầm vận động khớp và điều hòa trương lực cơ.
    • Thúc đẩy khả năng điều hợp vận động.
    • Tăng khả năng tập trung và ghi nhớ.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Tai biến mạch máu não (đột quỵ não).
  • Chấn thương sọ não.
  • Viêm não.
  • U não.
  • Sau phẫu thuật thần kinh sọ não.
  • Xơ cứng rải rác.
  • Tổn thương tủy sống.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Tình trạng hôn mê, điểm Glasgow < 13 điểm.
  • Bệnh lý giai đoạn cấp tính chưa ngồi dậy được.
  • Cơ lực chi liệt bậc 0, 1, 2.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

  • Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vận động trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu.

2. Người bệnh

  • Trang phục gọn gàng.
  • Được giải thích về mục tiêu bài tập và hiểu rõ cách thực hiện.
  • Tập trung trong quá trình thực hiện bài tập.

3. Phương tiện

Bộ dụng cụ tiêu chuẩn Perfetti.

  • Các khối gỗ hình vuông với cạnh 1cm có chiều cao khác nhau.
  • Các miếng mút với độ mềm, cứng khác nhau.
  • Các miếng nhám với độ thô ráp khác nhau.
  • Các khối gỗ có gắn hình chữ H nổi khác nhau.
  • Các miếng gỗ gắn lò xo với chiều cao khác nhau.
  • Các miếng bìa mô tả các hình.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bài tập kéo dài từ 20 – 30 phút.

  • Bước 1: kỹ thuật viên cầm tay người bệnh đặt vào các vật có bề mặt hoặc chiều cao hoặc hình dạng hoặc mật độ… khác nhau hoặc di chuyển chi theo các hướng hoặc theo vòng tròn và quy định thứ tự của chúng.
  • Bước 2: kỹ thuật viên đưa ra một thứ tự bất kỳ và yêu cầu người bệnh nhắm mắt cùng với sự trợ giúp của kỹ thuật viên đưa chi về đúng vị trí/ vật mà kỹ thuật viên yêu cầu.
  • Bước 3: người bệnh nhắm mắt và tự làm một cách độc lập theo yêu cầu của kỹ thuật viên.

* Lưu ý:

  • Thực hiện bài tập di chuyển theo các hướng khác nhau theo tầm vận động của từng khớp.
  • Tăng mức độ khó của bài tập bằng cách yêu cầu người bệnh phân biệt nhiều bề mặt/chiều cao/mật độ/hình dạng khác nhau hoặc nhận diện nhiều hướng/vòng tròn khác nhau.
  • Nếu người bệnh không thể nhắm kín mắt có thể dùng khăn che mắt,tuy nhiên việc nhắm mắt chủ động sẽ giúp người bệnh tăng khả năng tập trung vào bài tập.

VI. THEO DÕI

  • Khả năng tập trung, ghi nhớ của người bệnh.
  • Mức độ chính xác và cải thiện của động tác cũng như tầm vận động khớp.
  • Sự thay đổi trong tăng cường nhận thức cảm giác bản thể.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Người bệnh thấy đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi.
  • Đau mỏi cơ.
  • Xử trí: cho người bệnh nghỉ ngơi khi cần thiết.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này