Lượng Giá Chức Năng Tạo Lời Nói Ở Người Lớn

1. ĐẠI CƯƠNG

  • Lời nói là “phương tiện mà chúng ta truyền đạt thông điệp bằng miệng” (McLeod & McCormack, 2015). Lời nói liên quan đến các quá trình ngôn ngữ nhận thức, lập kế hoạch ngôn ngữ, lập kế hoạch và lập trình vận động, thực hiện thần kinh cơ (Duffy J, 2012).
  • Chức năng tạo lời nói có thể bị ảnh hưởng cũng như rối loạn do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể bao gồm: bại não, viêm màng não, đột quỵ, chấn thương sọ não, u não..
  • Lượng giá chức năng tạo lời nói là kỹ thuật được thực hiện để xác định những đặc điểm của lời nói và các cấu trúc – chức năng có liên hệ với lời nói.
  • Lượng giá chức năng tạo lời nói nhằm mục đích mô tả, thiết lập chẩn đoán, các liên hệ về định khu tổn thương, và cụ thể hóa độ nặng bao gồm việc lượng giá cấu trúc cũng như chức năng của các bộ phận và cơ quan tạo lời nó
  • Rối loạn chức năng tạo lời nói có liên quan tới rối loạn vận động tạo lời nói bao gồm nói lắp. Tuy nhiên tài liệu hiện tại không bao gồm lượng giá chức năng tạo lời nói ở người bệnh nói lắp hay lượng giá ngôn ngữ diễn đạt ở người bệnh mất ngôn ngữ.

2. CHỈ ĐỊNH

  • Lượng giá chức năng tạo lời nói ở người lớn được chỉ định cho người bệnh gặp khó khăn trong việc tạo ra lời nói, các trường hợp bệnh lý có thể bao gồm: người bệnh sau đột quỵ, tổn thương não, người bệnh có bệnh lý hoặc phẫu thuật vùng đầu mặt cổ.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Không có chống chỉ định tuyệt đối
  • Việc phục hồi chức năng sẽ không đạt kết quả tốt nếu người bệnh không đủ tỉnh táo hoặc không hợp tác tham gia vào buổi trị liệu.

4. THẬN TRỌNG

  • Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện:

a) Nhân lực trực tiếp :

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng 

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư

– Găng tay

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

– Khăn lau tay

– Que đè lưỡi, đèn pin, đồng hồ bấm giờ, gương

– Bộ công cụ đánh giá âm lời nói gồm danh sách các từ và câu, tranh ảnh

5.4. Trang thiết bị: không có

5.5. Người bệnh:

– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …

– Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi 

– Kiểm tra và bộc lộ vùng da điều trị.

5.6. Hồ sơ bệnh án:

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ 

5.8. Địa điểm thực hiện:

– Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.

5.9. Kiểm tra hồ sơ

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

* Đánh giá vận động vùng miệng

Tham khảo quy trình Lượng giá chức năng vận động miệng 

* Lấy mẫu ngôn ngữ

Mẫu ngôn ngữ là cơ sở để xác định các đặc điểm lời nói chính mà bệnh nhân thể hiện. Những thành tố của chức năng tạo lời nói có thể đánh giá qua mẫu lời nói gồm:

  • Hô hấp: những bất thường có thể gặp gồm hụt hơi khi nói, chỉ nói được nói cụm từ ngắn
  • Tạo âm: bất thường chất lượng giọng gồm giọng hơi, giọng khàn, giọng yếu, bất thường khả năng thay đổi độ to và cao độ
  • Cộng hưởng: những bất thường có thể gặp gồm tăng giọng mũi, giảm giọng mũi, thoát hơi mũi
  • Cấu âm: những bất thường có thể gặp gồm phát âm phụ âm không chính xác, méo mó nguyên âm
  • Ngôn điệu: là sử dụng sự biến đổi trong cao độ, cường độ và trường độ để truyền tải cảm xúc, nhấn mạnh, và thông tin ngôn ngữ như nghĩa, kiểu câu, ranh giới giữa các thành phần cú pháp. Sự tự nhiên của lời nói phản ánh ngôn điệu phù hợp. Những bất thường có thể gặp là không nhấn trọng âm trong câu, tốc độ chậm hoặc nhanh, giảm hoặc tăng cao độ, không thay đổi cao độ (giọng đều đều) (monopitch), giảm hoặc tăng cường độ, không thay đổi cường độ (monoloudness)

Mẫu ngôn được lấy ở nhiều bối cảnh: (1) đọc thành tiếng, (2) trong lời lói tự nhiên, và (3) Lời nói tự động. Gợi ý một số cách lấy mẫu như sau:

(1) Thu mẫu qua hoạt động đọc thành tiếng: yêu cầu bệnh nhân đọc một đoạn văn trong sách, tin trên một bài báo hoặc một tạp chí.

(2) Thu mẫu lời nói tự nhiên: yêu cầu bệnh nhân mô tả tranh, mô tả nội chính của một bộ phim, nói về sở thích hoặc những mối quan tâm khác

(3) Thu mẫu lời nói tự động: yêu cầu bệnh nhân đếm đến 50, gọi tên các ngày trong tuần, gọi tên các tháng trong năm, hoặc thực hiện một tác vụ đơn giản khác như đọc năm điều Bác Hồ dạy

* Đánh giá lập kế hoạch và lên chương trình vận động lời nói

Bao gồm đánh giá việc tạo ra các kích thích ở các mức độ phức tạp vận động khác nhau từ mức độ âm vị, âm tiết, đến từ, cụm từ và câu. Qua đó đặt ra các yêu cầu khác nhau cho hệ thống vận động lời nói

Lượng giá lập kế hoạch và lên chương trình vận động: kiểm tra sự đối lập, bao gồm:

  • Âm mũi/âm môi
  • Lặp lại/bắt chước từ hoặc câu đơn giản và phức tạp với lời nói phản hồi
  • Lời nói tự phát/tự động – lời nói chủ động
  • Lời nói có trọng âm và không có trọng âm

Lượng giá lập kế hoạch và lên chương trình vận động cũng bao gồm các lượng giá sau:

  • Lời nói theo ngữ cảnh – để đánh giá hoạt động tích hợp của tất cả các hệ thống lời nó
  • Đánh giá khả năng phát âm kéo dài nguyên âm để thăm khám sự phối hợp hô hấp-tạo âm và chất lượng giọng. Người khám hướng dẫn và làm mẫu trước cho bệnh nhân thực hiện hoạt động “lấy một hơi sâu và nói “a” dài và ổn định nhất có thể đến khi hết hơi (trên 9 giây được coi là bình thường). (Duffy, 2012).
  • Đánh giá tốc độ liên động (Diadochokinetic rates, DDK): để đo lượng sự lặp lại các âm cụ thể trong một khoản thời gian nhất định. Bao gồm tốc độ cử động luân phiên (alternating motion rates, AMRs) để đánh giá tốc độ và mức độ đều đặn của cử động của các bộ phận cấu âm và tốc độ cử động theo chuỗi (sequential motion rates, SMRs) để đánh giá khả năng di chuyển nhanh và tuần tự từ tư thế cấu âm này sang tư thế khác Để đánh giá tốc độ cử động luân phiên, người khám hướng dẫn và làm mẫu cho bệnh nhân lặp lại lần lượt các âm /p/, /t/, /k/ như sau “lấy hơi và nói lặp lại liên tục “pờ pờ pờ…” nhanh nhất có thể cho đến khi tôi yêu cầu ngưng lại”. Làm tương tự với hai âm /t/ và /k/.
  • Để đánh giá tốc độ cử động theo chuỗi, người khám hướng dẫn và làm mẫu trước cho bệnh nhân thực hiện hoạt động lặp lại chuỗi âm /p, t, k/ như sau “lấy một hơi thật sâu và nói lặp lại liên tục “pờ tờ cờ, pờ tờ cờ, pờ tờ cờ,…” nhanh nhất có thể cho đến khi tôi yêu cầu ngưng lạ

Đánh giá âm lời nói:

Sử dụng danh sách các từ, câu có đầy đủ các âm vị trong tiếng Việt. Sử dụng tranh kèm theo nếu bệnh nhân có vấn đề về đọc chữ viết.

Lượng giá tính dễ hiểu

Đánh giá tổng quát tính dễ hiểu của lời nói trong hội thoại

Sử dụng công cụ Thang đo tính dễ hiểu theo ngữ cảnh phiên bản người lớn (McLeod, Harrison, & McCormack, 2012). Đây là một công cụ lượng giá tính dễ hiểu lời nói dành cho đối tác giao tiếp.

Rối loạn chức năng tạo lời nói do rối loạn vận ngôn có thể lượng giá tính dễ hiểu của lời nói qua một số công cụ lượng giá: lượng giá Rối loạn vận ngôn Frenchay (Frenchay Dysarthria Assessment 2 Edition, FDA-2), lượng giá tính dễ hiểu của lời nói rối loạn vận ngôn (Assessment of Intelligibility of Dysarthric Speech, AIDS).

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Chức năng tạo lời nói ở cần được tái lượng giá trong quá trình can thiệp để đánh giá mức độ tiến triển của trị liệu và điều chỉnh phương pháp can thiệp nếu cần thiết.
  • Một số kỹ thuật lượng giá cũng có thể hướng dẫn cho bệnh nhân hoặc người nhà để có thể theo dõi mức độ tiến triển tại nhà

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này