I. ĐẠI CƯƠNG
- Thang cho điểm tự kỷ ở trẻ em (The Childhood Autism Rating Scale-CARS) là một công cụ chuẩn mực, được thiết kế đặc biệt và sử dụng rộng rãi nhất cho trẻ em dưới ba tuổi do Schopler và cộng sự thiết kế năm 1980.
- CARS có thể sử dụng đánh giá trẻ tự kỷ với nhiều mục đích khác nhau trong chương trình can thiệp sớm, chương trình phát triển trí tuệ ở lứa tuổi tiền học đường và ở các trung tâm chẩn đoán phát triển trí tuệ để theo dõi định kỳ trẻ tự kỷ. CARS cũng có thể được áp dụng để đánh giá hiệu quả điều trị và thu thập các thông tin nhằm hỗ trợ ước tính tỷ lệ hiện mắc của tự kỷ và đánh giá kết quả chức năng đạt được sau can thiệp.
- CARS là một công cụ kết hợp báo cáo của cha mẹ và quan sát trực tiếp của các chuyên gia trong khoảng 30 – 45 phút.
- Thang cho điểm tự kỷ ở trẻ em gồm mười lăm lĩnh vực: quan hệ với mọi người; bắt chước; đáp ứng tình cảm; động tác cơ thể; sử dụng đồ vật; thích nghi với sự thay đổi; phản ứng thị giác; phản ứng thính giác; phản ứng qua vị giác và khứu giác; sự sợ hãi hoặc hồi hộp; giao tiếp bằng lời; giao tiếp không lời; mức độ hoạt động; chức năng trí tuệ; và ấn tượng chung của người đánh giá.
II. CHỈ ĐỊNH
- Trẻ chậm phát triển tinh thần, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Trẻ tự kỷ.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- Bác sĩ phục hồi chức năng; bác sĩ tâm thần; kỹ thuật viên ngôn ngữ; cử nhân tâm lý.
2. Phương tiện
- Dụng cụ học tập: sách, tranh, đồ chơi, đồ dùng học tập….
3. Người bệnh
- Trẻ không đang giai đoạn ốm sốt.
4. Hồ sơ bệnh án
- Điền đầy đủ thông tin theo quy định của Bộ Y tế.
- Ghi nhận xét trước lượng giá
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Bước 1: đối chiếu chỉ định lượng giá và tên trẻ.
Bước 2: tiến hành lượng giá.
Thời gian lượng giá từ 20 – 30 phút.
1. Nội dung thang CARS
Chỉ dẫn: đối với mỗi loại, sử dụng khoảng trống ở dưới mỗi mức độ để ghi chép các hành vi tương ứng với mỗi mức độ. Sau khi kết thúc quan sát trẻ, đánh giá các hành vi tương ứng với mỗi mục của mức độ đó. Với mỗi mục, khoanh tròn vào số ứng với tình trạng mô tả đúng nhất của trẻ. Bạn có thể chỉ ra trẻ với tình trạng nằm giữa 2 mức độ bằng việc cho điểm 1,5; 2,5 hoặc 3,5. Các tiêu chí đánh giá ngắn gọn được thể hiện cho mỗi mức độ. Xem chương 2 của sách hướng dẫn về các tiêu chí đánh giá chi tiết.
2. Cách đánh giá
- Bước 1: điền đầy đủ các thông tin hành chính.
- Bước 2: đọc từng câu trong mỗi lĩnh vực. Hỏi cha mẹ kết hợp với quan sát trẻ. Điểm được cho từ 1 điểm đến 4 điểm theo mức độ đánh giá từ nhẹ đến nặng. Nếu các vấn đề của trẻ nằm giữa mục 1 điểm và 2 điểm thì cho điểm 1.5. Tương tự với điểm 2.5 và 3.5.
3. Kết luận sau làm test
Mức độ tự kỷ được tính theo tổng số điểm của mười lăm lĩnh vực nói trên:
- Từ 15 đến 30 điểm: không tự kỷ.
- Từ 31 đến 36 điểm: tự kỷ nhẹ và vừa.
- Từ 37 đến 60 điểm: tự kỷ nặng.
VI. THEO DÕI
- Sự hợp tác của gia đình và trẻ trong quá trình đánh giá.
VII. TAI BIẾN
- Không có.
Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)