Lượng Giá Kỹ Năng Vận Động Thô Theo Thang Điểm GMFM

XEM THÊM VÀ SỬ DỤNG PHIẾU ĐO LƯỜNG TẠI: ĐO LƯỜNG CHỨC NĂNG VẬN ĐỘNG THÔ (GMFM-88)

I. ĐẠI CƯƠNG 

1. Định nghĩa

  • GMFM (Gross Motor Function Measure) là thang công cụ đánh giá chức năng vận động thô ở trẻ em.

2. Đối tượng đánh giá GMFM

  • Tất cả những trẻ em và trẻ bại não từ 5 tháng tuổi đến 16 tuổi.

3. Mục đích sử dụng GMFM

  • Dùng để đánh giá trên lâm sàng sự phát triển vận động thô của trẻ,cũng như sự tiến triển của trẻ trước và sau quá trình điều trị.
  • Qua phần đánh giá, các bác sĩ và kỹ thuật viên có thể xác định cụ thể được mục tiêu tập luyện.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Trẻ chậm phát triển vận động.
  • Trẻ chậm phát triển tâm thần vận động.
  • Trẻ bại não.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Không có

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

  • Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

2. Phương tiện

  • Dụng cụ hỗ trợ đánh giá.

3. Người bệnh

  • Không đang giai đoạn ốm sốt.
  • Cha mẹ người bệnh có khả năng hiểu ngôn ngữ lời nói.
  • Phiếu đánh giá GMFM.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Điền phiếu GMFM

Kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bác sĩ phục hồi chức năng trực tiếp tiến hành đánh giá, cho điểm các mục của từng mốc phát triển trong phiếu và điền phiếu.

Cấu trúc của GMFM: gồm có 88 đề mục được phân chia làm 5 mốc:

  • Mốc nằm và lẫy: có 17 đề mục từ 1 – 17.
  • Mốc ngồi: có 20 đền mục từ 18 – 37.
  • Mốc bò và quỳ: có 14 đề mục từ 38 – 51.
  • Mốc đứng: có 13 đề mục từ 52 – 64.
  • Mốc đi, chạy, nhảy: có 24 đề mục từ 65 – 88.

Cách cho điểm: gồm 4 mức

  • Mức 0 = Không khởi đầu một hoạt động.
  • Mức 1 = Khởi đầu một hoạt động nhưng thực hiện < 10%.
  • Mức 2= Thực hiện được 1 phần hoạt động (thực hiện được từ 10%-dưới 100%).
  • Mức 3 = Thực hiện được hoàn toàn một hoạt động.

2. Tính điểm

  • Tính điểm từng lĩnh vực: sau khi cho điểm các đề mục ở các mốc đánh giá, ta cộng tổng điểm ở mốc đó rồi chia tổng điểm đó cho số điểm tối đa ở mốc đó và nhân với 100%. Ví dụ: ở mốc nằm và lẫy, ta đánh giá trẻ được 40 điểm, mà tổng điểm mốc đó là 51 điểm, thì sẽ tính là (40 : 51) × 100% = 78,4% (Kết luận trẻ đạt 78,4% ở mốc nằm và lẫy). Cách làm tương tự với các mốc khác.
  • Tính điểm chung: tỷ lệ % của lĩnh vực = ∑ điểm của trẻ trong lĩnh vực/ tổng điểm của lĩnh vực x 100%

Lưu ý trong quá trình đánh giá

  • Môi trường đánh giá: phòng đánh giá cần phải đủ rộng để trẻ tự di chuyển, bề mặt phòng cần nhẵn, phẳng, có ma sát, tạo môi trường thoải mái cho trẻ, có đầy đủ các trang thiết bị cần thiết.
  • Tình trạng của trẻ: tạo cho trẻ hợp tác một cách tối đa, tránh tình trạng trẻ quấy khóc không hợp tác làm kết quả đánh giá không chính xác.
  • Tùy thuộc vào khả năng vận động thô của trẻ mà ta có thể đánh giá 1 hay nhiều mốc. 

Thời gian lượng giá 30 – 45 phút.

VI. THEO DÕI

  • Sự hợp tác của cha mẹ và trẻ trong quá trình đánh giá.

VII. TAI BIẾN

  • Không có

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Bạn không thể copy nội dung ở trang này