Thử Cơ Bằng Tay

XEM THÊM: THỬ CƠ BẰNG TAY PHCN ONLINE

I. ĐẠI CƯƠNG

1. Định nghĩa

Thử cơ bằng tay (Manual Muscle Testing) là phương pháp dùng tay người khám để đánh giá khả năng co cơ chủ động hay cơ lực của một cơ hoặc một nhóm cơ cụ thể của người bệnh.

2. Bảng phân độ cơ lực bằng phương pháp thử cơ bằng tay

Bậc cơ Tiêu chí đánh giá

5Người bệnh co cơ thực hiện hết tầm vận động khớp ở tư thế kháng trọng lực, thắng được lực đề kháng tối đa từ phía người khám
4Người bệnh co cơ thực hiện hết tầm vận động khớp ở tư thế kháng trọng lực, thắng được lực đề kháng tương đối mạnh từ phía người khám
3Người bệnh co cơ thực hiện hết tầm vận động khớp ở tư thế kháng trọng lực, không có lực đề kháng từ phía người khám
2Người bệnh co cơ thực hiện hết tầm vận động khớp ở tư thế loại bỏ trọng lực tác động lên chi thể
1Người khám có thể nhìn hoặc sờ thấy sự co cơ nhưng không có sự vận động nào của khớp
0Không sờ/nhìn thấy sự co cơ nào

II. CHỈ ĐỊNH

  • Liệt do tổn thương thần kinh trung ương
  • Liệt do tổn thương thần kinh ngoại biên
  • Liệt do bệnh cơ
  • Một số bệnh lý cơ xương khớp khác có ảnh hưởng đến chức năng vận động

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Gãy xương chưa liền
  • Ngay sau phẫu thuật, giai đoạn liền tổn thương
  • Tăng trương lực cơ quá nhiều
  • Người bệnh tổn thương khả năng nhận thức hoặc kiểm soát hành vi, không có khả năng phối hợp với người đánh giá

IV. CHUẨN BỊ

1. Người lượng giá: 

Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu

2. Phương tiện

  • Phiếu thử cơ
  • Bàn khám
  • Mặt phẳng ít ma sát để thử cơ

3. Người bệnh

4. Hồ sơ bệnh án

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ

2. Kiểm tra người bệnh

3. Thực hiện kỹ thuật

  • Thời gian để lượng giá một nhóm cơ thường dưới 5 phút. Tổng thời gian thực hiện Thử cơ bằng tay phụ thuộc vào số cơ được thử.
  • Hướng dẫn người bệnh về những thao tác sẽ thực hiện để người bệnh phối hợp tốt với người đánh giá.
  • Đặt tư thế người bệnh sao cho phù hợp với từng nhóm cơ và bậc thử cơ.
  • Cố định tốt để tránh vận động thay thế của các nhóm cơ khác.
  • Đánh giá sơ bộ tầm vận động thụ động của khớp liên quan
  • Yêu cầu người bệnh thực hiện hết tầm vận động khớp theo các tư thế và lực đề kháng khác nhau tùy thuộc vào bậc thử cơ
  • Kết hợp nhìn, sờ, tạo lực đề kháng tùy thuộc vào bậc thử cơ
  • Thử các cơ ở gốc chi trước, ngọn chi sau
  • Thực hiện thử cơ ở cả 2 bên cơ thể để đối chiếu
  • Quan sát, cho điểm từng nhóm cơ theo thang điểm từ 0 đến 5
  • Điền vào phiếu thử cơ
  • Ghi lại ngày giờ đánh giá. Ký, ghi rõ họ tên người đánh giá.

VI. THEO DÕI

Tiến hành thử cơ định kỳ trong suốt thời gian nằm viện và khi người bệnh xuất viện. Theo dõi sự tiến triển về cơ lực của người bệnh.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Đây là một phương pháp lượng giá đơn giản, không can thiệp; chưa ghi nhận tai biến nào trong quá trình đánh giá.

Theo "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật về Phục hồi chức năng " (Đợt 1) 
Ban hành kèm theo Quyết định số 54 QĐ -BYT ngày 16/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế 

Bạn không thể copy nội dung ở trang này