I. ĐẠI CƯƠNG
Tập luyện bàng quang là phương pháp tập cho người bệnh kiểm soát bàng quang thông quan thay đổi hành vi. Tập luyện bàng quang có thể đơn thuần hoặc phối hợp với các biện pháp điều trị khác như thuốc, tập luyện cơ đáy chậu. Mục tiêu của tập luyện bàng quang là hoàn thành hoặc đưa về mức bình thường hoặc gần như bình thường trong khả năng đi tiểu của người bệnh.
II. CHỈ ĐỊNH
- Rối loạn tăng cảm giác bàng quang hoặc bàng quang tăng hoạt.
- Những triệu chứng được gây ra bởi một vấn đề tâm lý.
- Rối loạn tiểu tiện không đáp ứng điều trị.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Nhiễm khuẩn tiết niệu.
- Rối loạn nhận thức.
- Không hợp tác được với nhân viên y tế.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ phục hồi chức năng.
Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng được đào tạo kỹ thuật.
2. Phương tiện
Bàn tập, phòng tập.
3. Người bệnh
Giải thích cho người bệnh hiểu và tích cực tham gia tập luyện kiên trì theo chương trình tập.
4. Hồ sơ bệnh án
Bệnh án chẩn đoán, các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán và phiếu chỉ định của bác sĩ.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và các phiếu chỉ định.
2. Kiểm tra người bệnh
Kiểm tra người bệnh xem đúng chỉ định không.
3. Thực hiện kỹ thuật
- Khi cân nhắc sử dụng biện pháp thay đổi hành vi, cần nghiên cứu kỹ, toàn diện những tương tác có thể có giữa triệu chứng của người bệnh, tình trạng chung và môi trường sống. Cần cụ thể hóa những mục sau:
Bước 1. Yêu cầu người bệnh đặt thời gian đi tiểu theo lịch thời gian biểu.
Bước 2. Yêu cầu người bệnh nhịn tiểu và giữ khoảng cách giữa hai lần đi tiểu tăng dần để đạt tới giới hạn đổ đầy bàng quang sinh lý.
- Yêu cầu người bệnh đi tiểu theo thời gian biểu được lập sẵn dựa vào nhật ký nước tiểu được theo dõi trước.
- Khoảng cách giữa hai lần đi tiểu thường cố định theo khoảng thời gian đổ đầy bàng quang (2 – 4 giờ).
- Phương pháp này thường áp dụng cho những người bệnh bị bàng quang thần kinh mà phải sử dụng thông tiểu ngắt quãng sạch để thoát nước tiểu.
Bước 3. Đánh giá quá trình tập luyện.
- Đánh giá kết quả tập bàng quang bằng nhật ký đi tiểu (thường áp dụng 3 ngày) sau mỗi liệu trình điều trị.
Những điểm lưu ý:
- Kết quả điều trị nên được ghi vào hồ sơ bệnh án và sử dụng cùng phương pháp khi đánh giá tình trạng tiểu tiện ban đầu.
- Thời gian tập từ 15 – 45 phút.
VI. THEO DÕI
Theo dõi và hướng dẫn người bệnh làm đúng động tác, kiểm tra từng giai đoạn để sửa những sai sót của người bệnh tránh thành thói quen xấu, không có hiệu quả.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
Đau bàng quang và vùng đáy chậu: hướng dẫn tập đúng, thư giãn tránh các động tác thay thế. Nếu không đỡ cần tìm nguyên nhân khác có thể gây đau bàng quang, đáy chậu như viêm bàng quang…
Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)