Kỹ Thuật Di Động Khớp

I. ĐẠI CƯƠNG 

1. Định nghĩa

  • Di động khớp là các vận động cần thiết cho các chức năng thông thường của khớp qua tầm vận động mà người bệnh không thể tự thực hiện được như kéo, tách, trượt, ép, lăn và xoay tròn của các mặt khớp. Đây là loại vận động phụ trợ của khớp.

2. Các loại kỹ thuật

  • Có 7 loại kỹ thuật di động khớp gồm trượt khớp, kéo nắn khớp, lăn khớp, xoay tròn khớp, kéo dãn khớp khi trượt, kéo tách khớp, ép khớp

II. CHỈ ĐỊNH

1. Giảm đau, giảm co cứng cơ và co thắt cơ

  • Các vận động lúc lắc biên độ nhỏ của khớp kích thích bộ phận nhận cảm cơ, do đó ức chế dẫn truyền kích thích nhận cảm đau ở tuỷ sống hoặc thân não làm giảm đau, từ đó giảm phản xạ co cứng, co thắt cơ và các tổ chức phần mềm quanh khớp, tạo nên sự chuyển dịch của dịch trong bao hoạt dịch, đưa các chất dinh dưỡng đến phần vô mạch của sụn khớp, phòng ngừa các tác động của sự thoái hoá khi khớp sưng đau làm vận động không hết tầm độ bình thường hay do bất động khớp.

2. Điều trị sự giảm vận động khớp hai chiều

  • Sử dụng kỹ thuật kéo dãn có trượt khớp tăng tiến để làm dài các cấu trúc bị giảm vận động, lực kéo dãn hoặc rung lắc ở mức độ vừa phải và chịu được để làm dãn dài các mô đã bị co ngắn, từ đó có thể điều trị sự giảm vận động khớp hai chiều

3. Điều trị các giới hạn tầm vận động khớp tiến triển

  • Duy trì được khả năng vận động, làm chậm sự tiến triển hạn chế vận động khớp do vậy điều trị được sự hạn chế vận động khớp tiến triển

4. Điều trị khi người bệnh phải bất động chức năng

  • Duy trì khả năng trượt khớp, vận động khớp, phòng ngừa thoái khớp và co rút mô mềm, bao khớp.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

1. Chống chỉ định tuyệt đối

  • Khớp vận động lỏng lẻo do bị hoại tử, rách, đứt các dây chằng và bao khớp.
  • Tràn dịch khớp do chấn thương, do bệnh gây ra. Hạn chế vận động khớp do dịch tăng lên và phản ứng cơ gây đau chứ không phải do co ngắn các tổ chức quanh khớp.
  • Nhiễm trùng khớp: khi khớp bị viêm nhiễm, di động khớp sẽ làm tăng đau, co cơ phản xạ bảo vệ làm các mô bị tổn thương nặng thêm.

2. Chống chỉ định tương đối

  • Người bệnh có các khối u ác tính
  • Người bệnh có bệnh lý về xương có thể phát hiện bằng XQuang.
  • Người bệnh bị gãy xương chưa lành (tuỳ thuộc vào vị trí gãy và kỹ thuật cố định)
  • Người bệnh đau quá mức (xác định nguyên nhân gây đau)
  • Khớp tăng động trong phản ứng liên hợp của các khớp. Các khớp khác phải được cố định đúng để lực vận động của khớp đang điều trị không truyền đến chúng.
  • Người bệnh đã được phẫu thuật thay khớp toàn bộ.

IV. CHUẨN BỊ THỰC HIỆN 

1. Người thực hiện

  • Kỹ thuật di động khớp nói chung có thể được thực hiện bởi các kỹ thuật viên đã được huấn luyện cẩn thận về thực hành kỹ thuật. Riêng kỹ thuật kéo nắn cần được thực hiện bởi bác sỹ chuyên khoa phục hồi chức năng đã được huấn luyện thực hành kỹ thuật này.

2. Phương tiện: 

  • Bàn tập, phấn rôm.

3. Người bệnh: 

  • Người bệnh được giải thích rõ mục đích của kỹ thuật. 

4. Hồ sơ bệnh án:

  • Người thực hiện kỹ thuật ghi rõ trong hồ sơ bệnh án thời gian thực hiện, loại kỹ thuật di động khớp sẽ thực hiện trên người bệnh.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ và lựa chọn kỹ thuật

  • Để điều trị tình trạng đau kéo dài: nên sử dụng các kỹ thuật lắc khớp
  • Để điều trị tình trạng mất vận động trượt khớp làm hạn chế vận động: nên sử dụng các kỹ trượt khớp
  • Để duy trì tầm vận động khớp: nên sử dụng các kỹ thuật lắc khớp hoặc trượt khớp ở mức độ 2.
  • Để duy trì sự trượt khớp: khi không thể sử dụng các kỹ thuật tập theo tầm vận động hoặc khớp không được cử động trong một khoảng thời gian thì sử dụng kỹ thuật lắc khớp ở mức độ 2 hay kéo dãn khớp ở mức độ 2
  • Nên sử dụng kỹ thuật trượt khớp cùng với các kỹ thuật kéo dãn khớp mức độ 1. Tránh sử dụng kỹ thuật kéo dãn khớp mức độ 2 hoặc 3 cùng lúc với kỹ thuật trượt khớp mức độ 3 vì sẽ gây tổn thương thêm cho khớp.
  • Khi sử dụng các kỹ thuật kéo dãn khớp: đầu tiên cử động phần xương chung qua tầm trượt khớp cho phép để làm mềm khớp, khi cảm thấy kháng trở thì áp dụng kỹ thuật kéo dãn hoặc tách khớp để vượt qua sự kháng trở đó.

2. Kiểm tra người bệnh

  • Người bệnh và các chi được điều trị ở trong tư thế thư giãn, chắc chắn. Các bài tập thư giãn có thể sử dụng trước và trong khi áp dụng các kỹ thuật di động khớp.

3. Vị trí của khớp

  • Khớp được đặt trong vị trí được nghỉ ngơi, bao khớp được thư giãn tối đa để ít gây đau nhất.

4. Thực hiện cố định tốt: 

  • Có thể cố định bằng băng, đai, bằng tay của người điều trị. Phương pháp cố định phải chắc chắn nhưng thoải mái đối với các khớp có liên quan, thường là cố định ở phần gần trung tâm xương.

5. Cung cấp lực điều trị

  • Lực điều trị dù mạnh hay nhẹ nhưng cần phải được tác động ở càng gần mặt khớp càng tốt. Bề mặt tiếp xúc càng lớn thì các thao tác càng dễ dàng và thoải mái.
  • Thay bằng sử dụng lực tác động của các đầu ngón tay, người điều trị sử dụng phần mặt phẳng của bàn tay để cung cấp lực tác động.

6. Xác định hướng của vận động

  • Người điều trị phải xác định được hướng của vận động là vuông góc trong kỹ thuật kéo dãn khớp và tách khớp hay là song song với mặt phẳng điều trị trong kỹ thuật trượt khớp.
  • Mặt phẳng điều trị là mặt phẳng vuông góc với đường thẳng từ trục của xương xoay vòng đến điểm giữa mặt lõm của bề mặt khớp. Mặt phẳng điều trị là phần mặt lõm do đó vị trí của nó được xác định bởi vị trí của xương lõm.

7. Tốc độ, nhịp điệu và thời gian thực hiện kỹ thuật di động khớp

7.1. Đối với kỹ thuật lắc khớp

Áp dụng nhịp nhàng, lắc đều từ 2-3 lần trong một giây trong thời gian 1-2 phút. Có thể thực hiện với biên độ thấp và tốc độ cao để ức chế đau hay biên độ thấp và tốc độ chậm để thư giãn cơ bảo vệ.

7.2. Đối với kỹ thuật kéo dãn khớp

Nếu các khớp đau nhiều, áp dụng kỹ thuật kéo ngắt quãng trong 10 giây, nghỉ vài giây giữa các lần kéo dãn. Nếu các khớp có hạn chế vận động, sử dụng kỹ thuật kéo dãn khớp với lực nhỏ trong 6 giây, sau đó giảm lực một phần đến mức độ 1 hoặc 2 rồi lặp lại trong khoảng 3-4 giây.

VI. THEO DÕI

1. Ngày đầu tiên điều trị

  • Để khớp nghỉ ngơi hoặc thư giãn tối đa để giảm đau và làm mềm khớp.

2. Ngày thứ hai

  • Nếu đau tăng lên, tăng nhạy cảm khớp, giảm xuống vận động lắc mức độ 1.
  • Nếu không đau hay khớp dễ chịu hơn, làm lại kỹ thuật kéo dãn khớp mức độ 2 nếu mục đích điều trị để duy trì trượt khớp hoặc sử dụng bài tập kéo dãn mức độ 3, trượt khớp mức độ 3 nếu mục đích điều trị là tăng cường trượt khớp.

3. Những ngày tiếp theo

  • Khi tầm vận động khớp đã khá lên hoặc vận động khớp hết tầm vận động, sử dụng các kỹ thuật kéo dãn mức độ 3, trượt khớp mức độ 3.
  • Tăng tiến điều trị bằng sử dụng kỹ thuật xoay một phần ở cuối tầm vận động trước khi trượt hay kéo dãn khớp mức độ 3.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Rách mô cơ, dây chằng, bao khớp hay trật khớp có thể xảy ra nếu thực hiện kỹ thuật di động khớp quá mức hay không đúng, giật cục. Khớp sưng to hơn, đau kéo dài hơn có thể là những dấu hiệu chỉ điểm. Cần sử dụng những biện pháp điện trị liệu như sóng ngắn, hồng ngoại, chườm lạnh… để giảm sưng đau và tạm nghỉ kéo dãn, cố định khớp ít nhất 21 ngày nếu xác định có tổn thương phần mềm quanh khớp.

Theo "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật về Phục hồi chức năng " (Đợt 1) 
Ban hành kèm theo Quyết định số 54 QĐ -BYT ngày 16/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế 

Bạn không thể copy nội dung ở trang này