Quy Trình Kỹ Thuật Tạo Thuận Ngồi

Nằm trong “Kỹ Thuật Tạo Thuận Vận Động Cho Trẻ (Lẫy, Ngồi, Bò, Đứng, Đi)”

I. ĐẠI CƯƠNG

Kiểm soát tư thế là một kỹ thuật tập luyện phục hồi chức năng giúp trẻ có khả năng thăng bằng tốt ở các mốc phát triển vận động của trẻ. Kỹ thuật kiểm soát tư thế nằm trong nội dung các bài tập vận động trị liệu.

Nguyên tắc: 

Vận động trị liệu theo các mốc phát triển về vận động thô của trẻ từ:

Kiểm soát đầu cổ → Lẫy → Ngồi → Quỳ → Bò → Đứng → Đi → Chạy.

Phải hoàn thành mốc vận động trước rồi chuyển sang mốc vận động sau.

Chỉ tạo thuận vận động cho trẻ chứ không làm hộ trẻ. Khi trẻ làm tốt hơn thì phải giảm dần sự hỗ trợ.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Trẻ chậm phát triển vận động.
  • Trẻ chậm phát triển tâm thần vận động.
  • Trẻ bại não.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không có.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Kỹ thuật viên vật lý trị liệu, bác sĩ phục hồi chức năng.

2. Phương tiện

Đệm, gối tròn, bóng, ghế, đồ chơi.

3. Bệnh nhi

  • Giải thích cho trẻ (trẻ có khả năng hiểu) và gia đình trẻ biết việc mình sắp làm.
  • Hướng dẫn trẻ (trẻ có khả năng hiểu) những điều cần thiết.
  • Trẻ không trong giai đoạn ốm sốt.
  • Kiểm tra tên trẻ và chỉ định điều trị trong phiếu điều trị.

4. Phiếu điều trị

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Thời gian tập 20 – 30 phút.

1. Tạo thuận kéo ngồi dậy ở tư thế nằm ngửa

  • .Kỹ thuật: đặt trẻ nằm ngửa. Ta dùng hai tay đưa vai trẻ ra phía trước trong khi khuỷu tay duỗi và từ từ kéo trẻ ngồi dậy.
  • Kết quả mong muốn: trẻ nâng đầu lên khi được kéo ngồi dậy.

2. Tạo thuận ngồi dậy ở tư thế nằm sấp trên sàn

  • Kỹ thuật: đặt trẻ nằm sấp trên sàn. Một tay ta cố định trên mông trẻ, tay kia cố định vào dưới nách trẻ. Từ từ kéo háng trẻ lên đưa ra sau và ấn xuống. Hỗ trợ tại nách trẻ bằng cách kéo ra trước và lên trên.
  • Kết quả mong muốn: trẻ có thể ngồi dậy bằng cách sử dụng cơ nâng đầu cổ thân mình và tay để ngồi dậy.

3. Tập ngồi trên sàn

Đặt trẻ ở tư thế ngồi duỗi thẳng chân: đặt trẻ ngồi 2 chân dạng háng, duỗi gối. Kỹ thuật viên dùng 2 tay đè lên đùi trẻ hoặc ngồi ở phía sau cố định đùi trẻ.

4. Thăng bằng ở tư thế ngồi trên sàn hoặc trên ghế

Đặt trẻ ngồi trên sàn, kỹ thuật viên dùng 2 tay cố định hai đùi trẻ, đẩy nhẹ người trẻ sang từng bên, ra trước, sau, có thể dùng đồ chơi đưa sang từng bên để trẻ với cầm và đợi trẻ điều chỉnh thân mình để giữ thăng bằng ngồi.

5. Thăng bằng ở tư thế ngồi trên bóng tập

Đặt trẻ ngồi trên bóng tập, kỹ thuật viên dùng 2 tay cố định 2 bên đùi trẻ, đẩy nhẹ người sang từng bên, ra trước sau bằng cách lăn bóng, có thể dùng đồ chơi đưa sang từng bên để trẻ với cầm và đợi trẻ điều chỉnh thân mình.

6. Hướng dẫn gia đình cách làm 

7. Ghi phiếu điều trị

Ghi ngày giờ tập.

Ghi số lần tập.

8. Thu dọn dụng cụ để vào nơi quy định 

VI. THEO DÕI

Sự hợp tác và sự tiến bộ của trẻ sau mỗi đợt can thiệp.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Chưa có tai biến nào được ghi nhận.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Bạn không thể copy nội dung ở trang này