I. ĐẠI CƯƠNG
- Bồn xoa bóp (massage) thủy lực là một hình thức điều trị bằng nước (thủy trị liệu). Người bệnh nằm trên một tấm đệm nước và xoa bóp bằng áp lực nước mà không bị ướt nhờ hệ thống máy bơm thủy lực đặt ở phía dưới phun tia nước áp lực cao (0,5 – 4 bar) tác động lên bề mặt cơ thể nằm trên tấm đệm. Vì vậy, còn gọi là phương pháp xoa bóp thủy lực khô. Đây là một phương pháp điều trị hiện đại với thiết bị tạo xoa bóp điều khiển bằng vi mạch điện tử, bơm nước tuần hoàn theo vòng tròn, động cơ xung có van điều chỉnh áp lực, chương trình điều trị được lập trình tùy theo yêu cầu riêng (áp lực tia nước, nhiệt độ nước, vùng cơ thể được xoa bóp, thời gian điều trị…).
- Tác dụng của bồn xoa bóp thủy lực tạo ra sự kích thích cơ học, cảm giác thư giãn thoải mái chống căng cơ vùng bả vai, thắt lưng, cổ gáy, bụng và hai chân.
II. CHỈ ĐỊNH
Bồn xoa bóp thủy lực có tác dụng thư giãn rất hiệu quả mà người bệnh có thể cảm nhận được ngay từ khi bắt đầu. Tác dụng điều trị làm cải thiện tình trạng chung, đồng thời tạo ra hiệu quả dương tính đối với các chức năng thực vật.
Bồn xoa bóp thủy lực hỗ trợ tái tạo lại sức căng và dẫn tới sự thư giãn rất hiệu quả:
- Làm dịu đau, hồi phục cơ bị mệt, hồi phục sức khoẻ và giúp tạo ra cảm giác thư thái, thanh bình.
- Do tác động mát xa được tạo ra bằng tia nước ấm với nhiệt độ dễ chịu khoảng 35oC nên tuần hoàn máu trong da sẽ được cải thiện tốt, đồng thời kích thích hệ tiêu hoá. Sợi cơ căng lại và dòng bạch huyết được kích thích. Tình trạng viêm mô liên kết, viêm khớp, thấp khớp được cải thiện.
- Việc sử dụng có hệ thống sẽ giúp cho những người chơi thể thao có được tình trạng thể lực tốt. Ngoài ra, còn có thể chỉ định trong các trường hợp sau:
- Viêm đa khớp mạn tính (chronic polyarthritis).
- Đau cân cơ (fibromyalgie).
- Rối loạn chức năng cột sống.
- Mệt cơ (muscular fatigue).
- Rối loạn trương lực thần kinh thực vật (psycho vegetative dystonie).
- Đau thắt lưng bán cấp tính.
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Tình trạng viêm nhiễm cấp tính.
- Đau thắt lưng hông cấp.
- Chấn thương cấp.
- Viêm khớp cấp gây đau mạnh.
- Suy tim mất bù .
- Sốt.
- U ác tính.
- Loãng xương.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, cán bộ y tế hành nghề được đào tạo.
2. Phương tiện
- Bồn xoa bóp thủy lực.
- Máy bơm nước.
- Hệ thống âm thanh: máy nghe nhạc, loa (có thể có hoặc không).
- Hệ thống điều khiển chế độ xoa bóp và âm nhạc.
- Chăn ủ ấm.
- Bậc thang lên xuống (nếu bồn cao).
3. Người bệnh
Giải thích để người bệnh hiểu, hợp tác trong điều trị.
4. Hồ sơ bệnh án
Ghi chép đầy đủ các thông tin về người bệnh, chỉ định điều trị rõ ràng.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
- Người bệnh nằm thoải mái, thư giãn trên tấm đệm nước mặt bồn. Có thể đắp chăn nếu lạnh.
- Bật máy và chọn các chế độ điều trị thích hợp: chế độ xoa bóp mạnh/nhẹ (cường độ từ 0,5 – 4 bar), xoa bóp toàn thân hay cục bộ (chỉ tập trung vào một vùng), xoa bóp liên tục hay ngắt quãng theo nhịp, nhiệt độ tia nước xoa bóp từ 35 – 420C.
- Đặt thời gian điều trị: từ 10 – 30 phút tùy tình trạng sức khỏe của người bệnh.
- Kết thúc điều trị:
- Tắt máy (hoặc máy tự động tắt khi hết thời gian điều trị đã đặt).
- Hỏi cảm giác người bệnh về quá trình điều trị. Nếu không có gì đặc biệt, cho người bệnh về.
- Bảo quản máy theo quy định.
VI. THEO DÕI
- Trong và sau quá trình điều trị: hỏi cảm giác và phản ứng của người bệnh có gì bất thường không (cảm giác đau, nóng, mệt mỏi).
- Ghi chép diễn biến vào phiếu điều trị chuyên khoa.
VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN
- Đau: do áp lực xoa bóp quá mạnh. Xử trí: điều chỉnh áp lực phù hợp.
- Mệt mỏi do quá nóng hay quá lạnh. Xử trí: điều chỉnh mức nhiệt độ phù hợp. Thông thường nhiệt độ dễ chịu khoảng 350C. Phương pháp này ít khi gây bỏng nhiệt do cơ thể không tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước nóng.
Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)