Điều Trị Bằng Laser Công Suất Cao

1. ĐẠI CƯƠNG

  • Laser công suất cao là laser lớp 4, có công suất trên 500 mW. Laser công suất cao có đủ các tác dụng của laser công suất thấp, ngoài ra có thêm tác dụng nhiệt, độ xuyên thấu sâu hơn và thời gian điều trị ngắn hơn.
  • Tác dụng của laser công suất cao: giảm đau, kháng viêm, giảm phù nề, tăng hoạt động thần kinh, tăng tạo xương, lành thương và tác dụng nhiệt.

2. CHỈ ĐỊNH

  • Đau cơ xương khớp: đau cổ vai, đau lưng, đau vai, thoái hóa khớp gối, viêm gân…
  • Đau thần kinh: hội chứng ống cổ tay, đau thần kinh tọa…
  • Kích thích tái tạo mô, làm liền vết thương, vết loét
  • Liệt dây thần kinh mặt
  • Phù nề sau chấn thương
  • Co rút sẹo, dây chằng, gân, bao khớp
  • Co thắt cơ

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Vùng mắt
  • Vùng cơ thể có bệnh lý ác tính
  • Vùng tuyến nội tiết như tuyến giáp, tinh hoàn
  • Có thai
  • Rối loạn đông cầm máu
  • Hình xăm

4. THẬN TRỌNG

Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

01 Bác sĩ phục hồi chức năng

01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

b) Nhân lực hỗ trợ

01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng hoặc 01 Điều dưỡng đã được đào tạo

5.2. Thuốc: 

  • không có

5.3. Vật tư:

  • Găng tay
  • Mũ giấy
  • Khẩu trang y tế
  • Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
  • Kính bảo hộ đạt chuẩn cho người thực hiện và người bệnh.

5.4. Trang thiết bị

  • Máy laser công suất cao.
  • Đầu phát tia laser, bộ phận mở rộng đầu phát.

5.5. Người bệnh

  • Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …
  • Nằm hoặc ngồi tư thế thoải mái trong khi điều trị.
  • Bộc lộ da vùng điều trị. Với các vết thương vết loét nên được thay băng làm sạch dịch mủ và các mô hoại tử bề mặt.

5.6. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7.Thời gian thực hiện kỹ thuật: 

0,3 – 0,5 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: 

Phòng vật lý trị liệu

5.9. Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

  • Chọn các tham số kỹ thuật theo chỉ định: cường độ, thời gian chiếu, chế độ chiếu liên tục hay ngắt quãng.
  • Gắn bộ phận mở rộng đầu phát nếu cần chiếu rộng và nông.
  • Di chuyển đầu phát liên tục trên vùng điều trị để tránh gây nóng quá mức.
  • Nếu vùng điều trị rộng thì có thể di chuyển theo hình dích dắc. Nếu điều trị điểm thì di chuyển theo hình xoắn ốc hướng tâm.
  • Lưu ý: không để chùm tia laser chiếu trực tiếp vào mắt.
  • Kết thúc điều trị, lau khô, kiểm tra vùng da, thăm hỏi người bệnh.
  • Ghi phiếu thực hiện kỹ thuật PHCN.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Tình trạng nóng quá mức, đỏ da, bỏng tại vùng điều trị, thường là do di chuyển đầu phát chậm, cường độ quá cao hay vùng da sẫm màu.
  • Có thể gây bỏng, xử trí theo mức độ bỏng.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Bạn không thể copy nội dung ở trang này