Điều Trị Laser Công Suất Thấp Nội Mạch

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Laser công suất thấp nội mạch là hình thức điều trị bằng cách đưa nguồn laser vào bên trong lòng mạch máu thông qua một kim dẫn quang (kim laser) để chiếu tia laser trực tiếp lên các tế bào máu và các thành phần khác của máu có tác dụng cải thiện dòng máu và điều hòa hoạt động chức năng cơ thể.
  • Các laser phát bức xạ trong vùng ánh sáng đỏ là laser He-Ne (bước sóng 632,8nm) và laser bán dẫn (bước sóng 630, 650, 670nm) được sử dụng phổ biến nhất.
  • Ngoài ra, còn có thể chiếu tia laser trực tiếp trên một số tĩnh mạch nông ở dưới da (tĩnh mạch cẳng tay, tĩnh mạch khoeo chân) hoặc ở dưới lưỡi, mà không cần phải đưa nguồn laser trực tiếp vào trong lòng mạch máu mà vẫn đạt được hiệu quả giống như chiếu laser trong lòng mạch máu, gọi là phương pháp “chiếu laser tĩnh mạch không xâm lấn” và được xếp vào nhóm “laser nội mạch”. Phương pháp này có ưu điểm là kỹ thuật rất đơn giản, tuyệt đối an toàn, không lây nhiễm chéo qua kim và hầu như không có tác dụng phụ trong quá trình điều trị.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Bệnh tim: nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, cơn đau thắt ngực, loạn nhịp tim.  
  • Bệnh não: bệnh tuần hoàn não, thiểu năng tuần hoàn não, đau đầu có nguyên nhân mạch máu, chấn thương sọ não, di chứng đột quỵ não, sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi.
  • Bệnh mạch máu: suy giảm tĩnh mạch chi dưới.
  • Suy thận.
  • Gout.
  • Một số bệnh khác: đau thắt lưng, đau sống cổ, đau thần kinh tọa, viêm khớp, đau khớp, liệt thần kinh VII trung ương.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Bệnh ưa chảy máu.
  • Nhồi máu cơ tim cấp.
  • Đột qụy não cấp (trong vòng 72 giờ đầu).
  • Có các bệnh truyền nhiễm kèm theo.
  • Người bệnh không đồng ý điều trị. 

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

  • Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng.
  • Kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

2. Phương tiện

  • Máy laser công suất thấp: laser He-Ne hoặc laser bán dẫn.
  • Dụng cụ dẫn tia laser: dây quang sợi.
  • Đầu chiếu tia laser: dạng kim laser (kim quang) hoặc dạng đầu phát tia laser.
  • Băng dính cố định đầu chiếu tia laser.
  • Bông cồn sát trùng da và dụng cụ chiếu laser.
  • Bông, cồn sát trùng, dây ga-rô, kim tiêm nhựa, găng tay cao su vô khuẩn…

3. Người bệnh

  • Tốt nhất ở tư thế nằm thoải mái trong khi điều trị. Bộc lộ da vùng tĩnh mạch (ven) để đưa kim laser/đầu phát tia laser vào điều trị.
  • Giải thích để người bệnh hiểu, hợp tác trong điều trị. 

4. Hồ sơ bệnh án

  • Ghi chép đầy đủ các thông tin về người bệnh, chỉ định điều trị rõ ràng.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1: Chọn các tham số kỹ thuật cần thiết tùy theo loại laser đã chọn, bao gồm:

  • Bước sóng laser.
  • Công suất đầu phát laser.
  • Chế độ phát xung hay liên tục, tần số lặp lại xung.
  • Cường độ chùm tia laser: tính bằng mật độ công suất (với laser liên tục) hay mật độ năng lượng (với laser xung).
  • Đặt thời gian điều trị (tự động trên máy hay bằng đồng hồ hẹn giờ bên ngoài).

  Bước 2: Chiếu chùm tia laser vào vùng điều trị (qua dây quang sợi hoặc đầu  phát tia). Áp dụng các kỹ thuật chiếu laser:

  • Chiếu nội mạch: dùng kim truyền tĩnh mạch thông thường (loại có nòng) đâm qua da vào trong lòng tĩnh mạch (kỹ thuật như truyền tĩnh mạch), rút nòng kim ra rồi nhanh chóng luồn kim laser vào trong lòng kim truyền sao cho đầu kim laser nằm hẳn vào trong lòng tĩnh mạch. Nối kim dẫn quang với nguồn phát tia laser (máy laser). Băng cố định kim vào da không để xê dịch trong quá trình điều trị. Bật máy phát tia laser, đặt thời gian và bắt đầu tiến hành điều trị.
  • Chiếu trên tĩnh mạch nông (cẳng tay hoặc khoeo chân) hoặc tĩnh mạch dưới lưỡi: dùng đầu phát tia laser chiếu trên da vùng tĩnh mạch nông hoặc đặt dưới lưỡi để chiếu vào hệ thống tĩnh mạch dưới lưỡi.
  • Lưu ý: Đảm bảo vô trùng trong quá trình làm thủ thuật và điều trị laser nội mạch. Đối với kỹ thuật chiếu laser ngoài tĩnh mạch cần chú ý đặt chùm tia laser sát trên bề mặt da/niêm mạc vùng tĩnh mạch, có thể băng cố định lại. Tránh để chùm tia laser chiếu trực tiếp vào mắt có thể làm tổn thương võng mạc đáy mắt.
  • Điều trị hàng ngày, thời gian từ 30-60 phút/lần.

Bước 3: Kết thúc điều trị

  • Khi hết thời gian điều trị, tắt máy, rút kim hoặc tháo đầu phát tia laser ra khỏi vị trí tĩnh mạch vừa chiếu. Khử trùng dụng cụ và bảo quản theo quy định.
  • Kiểm tra vị trí chiếu tia xem có biểu hiện gì bất thường hay không.
  • Dặn dò người bệnh những điều cần thiết trước khi về.

VI. THEO DÕI

1. Trong khi điều trị

  • Theo dõi hoạt động của máy, các thông số, chùm tia.
  • Phản ứng của người bệnh, đặc biệt khi chiếu nội mạch.

2. Sau khi điều trị

  • Ghi chép diễn biến sau điều trị: tình trạng toàn thân, tình trạng tại chỗ của người bệnh.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Vượng châm: ít khi xảy ra. Nếu có, dừng điều trị, xử trí theo quy định.
  • Chảy máu: do vỡ, thủng tĩnh mạch trong quá trình thao tác điều trị bằng laser nội mạch. Xử trí: tháo kim, băng ép lại.
  • Nhiễm trùng, lây nhiễm chéo: ít xảy ra nếu tuân thủ đúng chế độ vô trùng. Nếu có, xử trí theo phác đồ chống nhiễm trùng quy định.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Bạn không thể copy nội dung ở trang này