1. ĐẠI CƯƠNG
Dòng điện cao tần có tần số cao khoảng mức 1 MHz sẽ tạo ra nhiệt năng sâu khi đi qua cơ thể. Một số thiết bị tạo ra các loại dòng điện cao tần có quy trình sử dụng tương tự nhau, hoạt động ở chế độ điện dung và điện trở, bao gồm dòng điện dung điện trở tần số 448 kHz, dòng tần số radio nhắm đích tần số 500 kHz, dòng tần số 4,4 MHz … Chế độ điện dung tạo nhiệt ở mô giàu chất điện giải như cơ và mô mềm. Chế độ điện trở tạo nhiệt ở mô có điện trở cao như gân, xương, khớp. Cơ chế tác dụng chính là nhiệt sâu, từ đó làm giãn mô liên kết, giảm đau, giảm phù, tái tạo mô và lành thương.
2. CHỈ ĐỊNH
– Đau cơ xương khớp: Đau cổ vai, đau lưng, đau vai, thoái hóa khớp gối, viêm gân…
– Đau thần kinh: Hội chứng ống cổ tay, đau thần kinh tọa…
– Phù nề sau chấn thương.
– Co rút dây chằng, gân, bao khớp.
– Co thắt cơ.
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
– Phụ nữ có thai
– Rối loạn cảm giác trên vùng điều trị.
– Tình trạng viêm da.
– Người nhiễm lao chưa ổn định.
– Suy tim hoặc suy hô hấp nghiêm trọng.
– Trẻ sơ sinh.
– Người bệnh có kim loại
– Vùng đang chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu
4. THẬN TRỌNG:
– Không có
5. CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện:
a) Nhân lực trực tiếp :
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ: không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư:
– Găng tay
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
5.4. Trang thiết bị
Máy phát dòng điện cao tần, điện cực điện dung, điện cực điện trở, gel dẫn điện.
5.5. Người bệnh
– Giải thích nói rõ cảm giác vùng điều trị khi di chuyển điện cực dung, điện cực trở.
– Đặt tư thế người bệnh thoải mái
– Bộc lộ vùng điều trị.
– Đảm bảo sự kín đáo riêng tư cho người bệnh.
5.6. Hồ sơ bệnh án:
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật:
0,3 đến 0,5 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện:
Phòng vật lý trị liệu
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
– Khởi động máy. Chọn kênh điều trị. Chọn điện cực hoạt động theo chế độ điện dung hoặc điện trở. Điều chỉnh thông số theo chỉ định.
– Thời gian điều trị: 15 – 20 phút.
– Xác định vị trí điều trị. Bôi gel vào điện cực trung tính, sau đó đặt điện cực trung tính dưới cơ thể bệnh nhân gần khu vực được chọn để điều trị, và sử dụng điện cực hoạt động để điều trị vùng đó.
– Bôi gel lên vùng điều trị.
– Di chuyển điện cực hoạt động để điều trị. Chú ý luôn luôn hỏi người bệnh về cảm giác nóng ấm tại vị trí điều trị trong suốt quá trình điều trị.
– Kết thúc điều trị, lau khô, kiểm tra vùng da, thăm hỏi người bệnh, ghi hồ sơ bệnh án.
7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
– Tình trạng nóng quá mức, bỏng tại vùng điều trị.
– Dị ứng da do tiếp xúc gel.
– Dị ứng da do tiếp xúc gel đa số chỉ ở mức độ nổi mẩn đỏ và ngứa, có thể chỉ cần điều trị triệu chứng.
– Bỏng: Xử trí tùy theo mức độ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Y tế (2014). Điều trị bằng sóng ngắn và sóng cực ngắn. Quy trình kỹ thuật Phục hồi chức năng đợt 1
2.Hawamdeh, M. (2014). The effectiveness of Capacitive Resistive Diathermy (Tecartherapy®) in acute and chronic musculoskeletal lesions and pathologies. Eur J Sci Res, 118(3), 3 -40.
Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )