Lượng Giá Chức Năng Bàn Tay Theo Jebsen

1. ĐẠI CƯƠNG

  • Lượng giá chức năng bàn tay theo Jebsen (The Jebsen-Taylor Hand Function Test) là công cụ lượng giá tiêu chuẩn và khách quan chức năng vận động thô và vận động khéo léo của bàn tay thông qua mô phỏng các hoạt động sống hàng ngày (Activities of Daily Living-ADL).
  • Lượng giá chức năng bàn tay theo Jebsen được thực hiện trên cả tay thuận và tay không thuận, tập trung đánh giá tốc độ cử động chứ không đánh giá chất lượng cử động. Lượng giá này bao gồm 7 bài kiểm tra kỹ năng như: Viết chữ, lật thẻ hình, nhặt các vật kích thước nhỏ thông thường, mô phỏng cử động đút ăn, xếp chồng các đồng xu, nhặt vật có kích thước lớn, và nhặt vật kích thước lớn và nặng.

2. CHỈ ĐỊNH

Các trường hợp khuyết tật gây hạn chế chức năng vận động thô và vận động tinh của bàn tay.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không áp dụng cho các trường hợp: Người bệnh trong giai đoạn cấp tính (gãy xương chi trên chưa được cố định, người bệnh hôn mê, người bệnh loạn thần, người bệnh tổn thương tuỷ cổ C5 hoàn toàn trở lên, người bệnh không hợp tác).

4. THẬN TRỌNG

Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện:

a) Nhân lực trực tiếp:

  • 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
  • 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư:

  • Găng tay
  • Mũ giấy
  • Khẩu trang y tế
  • Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn Khăn lau tay
  • Đồng hồ bấm giờ
  • 4 tờ giấy không kẻ
  • 5×8” thẻ có viết câu chữ in hoa
  • 5 thẻ có đường kẻ trên 1 mặt 5 lon rỗng
  • 2 kẹp giấy
  • 2 nắp chai tiêu chuẩn
  • 2 đồng xu Mỹ
  • 5 hạt đậu
  • 1 muỗng cà phê
  • 4 miếng gỗ nhỏ hình tròn
  • 5 lon nặng 450gram
  • Bảng gỗ kích cỡ 41.5” x 11.25” x 0.75”
  • Kẹp ván ép chữ C.
  • Phiếu ghi nhận kết quả.
  • Bàn, ghế có chiều cao phù hợp.

5.4. Trang thiết bị: không có

5.5. Người bệnh:

Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …

Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi. Kiểm tra và bộc lộ vùng da điều trị.

5.6. Hồ sơ bệnh án:

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ 

5.8. Địa điểm thực hiện:

Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

  • Lượng giá chức năng tay bao gồm 7 bài kiểm tra được thực hiện lần lượt với tay không thuận trước, sau đó là tay thuận. 
  • Thời gian thực hiện 20-30 phút.

Bài kiểm tra 1: Viết chữ.

+ KTV giữ thẻ có 1 câu bao gồm 24 chữ cái in trên một mặt. Mặt còn lại để trống

hướng về phía người bệnh.

+ KTV lật thẻ và nói “bắt đầu” và bắt đầu bấm giờ.

+ Người bệnh sao chép câu trên giấy nhanh nhất có thể.

+ KTV ngừng đồng hồ khi người bệnh nhấc bút khỏi giấy.

+ KTV ghi nhận thời gian thực hiện và lặp lại với tay thuận.

Bài kiểm tra 2: Lật thẻ hình.

+ Đặt 5 thẻ thành một hàng ngang ngay ngắn cách nhau 2 inch ở giữa lên mặt bàn trước mặt người bệnh.

+ Nói “bắt đầu” và bắt đầu tính giờ.

+ Người bệnh phải lật tất cả các thẻ (thẻ không cần phải đặt lại đúng chính xác vị trí trước đó).

+ KTV ngừng đồng hồ khi thẻ cuối cùng đặt lại trên bàn.

+ KTV ghi nhận thời gian thực hiện và lặp lại với tay thuận. 

Bài kiểm tra 3: Nhặt vật nhỏ thường gặp

+ Đặt lon rỗng trước mặt người bệnh, cách 5 inches từ cạnh bàn đến người bệnh. Đặt 2 đồng xu (pennies), 2 nắp chai đặt ngửa và 2 kẹp giấy bên trái lon rỗng theo thứ tự đồng xu gần lon cà phê nhất và kẹp giấy xa lon cà phê nhất, mỗi vật cách nhau 2 inches.

+ Nói “bắt đầu” và bấm đồng hồ.

+ Người bệnh phải nhặt từng vật và bỏ vào lon cà phê, bắt đầu từ tận cùng bên trái (kẹp giấy).

+ KTV ghi nhận thời gian thực hiện và lặp lại với tay thuận.

Bài kiểm tra 4: Mô phỏng hoạt động đút/múc thức ăn.

+ Bảng gỗ được đặt cố định trước mặt người bệnh, cách người bệnh 5 inches, đặt lon rỗng trước mặt người bệnh và 5 hạt đậu về phía bên trái của lon, mỗi hạt cách nhau 2 inches.

+ Người bệnh sử dụng muỗng.

+ KTV nói “bắt đầu” và bấm giờ.

+ Người bệnh dùng muỗng múc từng hạt đầu bỏ vào lon rỗng, từ phải sang trái. Đồng hồ ngừng lại khi hạt đậu cuối cùng chạm đáy lon.

+ KTV ghi nhận thời gian thực hiện và lặp lại với tay thuận.

Bài kiểm tra 5: Xếp chồng các miếng gỗ (checkers).

+ Tiếp tục sử dụng bảng gỗ được đặt trước mặt người bệnh (cách người bệnh 5 inches), đặt 4 miếng gỗ kích cỡ tiêu chuẩn trước mặt người bệnh thành một hang ngang, dùng đường giữa trước mặt người bệnh làm tâm, đặt 2 miếng gỗ phía bên trái và 2 miếng gỗ phía bên phải, mỗi miếng gỗ cách nhau 2 inches.

+ Người bệnh được hướng dẫn chồng các miếng gỗ lên nhau thành một chồng bắt đầu từ trái sang khi KTV nói “bắt đầu”.

+ KTV nói “bắt đầu” và bấm giờ.

+ KTV ghi nhận thời gian thực hiện và lặp lại với tay thuận. 

Bài kiểm tra 6: Nhặt vật to nhẹ.

+ Tiếp tục sử dụng bảng gỗ được đặt trước mặt người bệnh (cách người bệnh 5 inches), đặt 5 lon rỗng trước mặt người bệnh, đặt ở phần bàn cách giữa người bệnh và bảng gỗ, 1 lon ở đường giữa và 2 lon mỗi bên, mỗi lon cách nhau 2 inches. Đầu lon rỗng được úp xuống.

+ Người bệnh cần nhấc các lon từ dưới mặt bàn đặt lên bảng gỗ, từ trái sang hoặc từ phải sang khi KTV nói “bắt đầu”.

+ KTV nói “bắt đầu” và bấm giờ.

+ KTV ghi nhận thời gian thực hiện và lặp lại với tay thuận.

Bài kiểm tra 7: Nhặt vật to và nặng.

Quy trình tương tự kiểm tra 6, tuy nhiên thay các lon rỗng bằng các lon và nặng 450 gram.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Theo dõi tình trạng tri giác, nhận thức và dấu hiệu sinh tồn của người bệnh trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật.
  • Lượng giá chức năng bàn tay theo Jebsen được dùng đo lường trước khi can thiệp và tái lượng giá để điều chỉnh chương trình can thiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Jebsen R, Taylor N, Trieschmann R, Trotter M, Howard L. An objective and standardized test of hand function. Arch Phys Med Rehabil 1969; 50:311–319.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này