Kỹ Thuật Tập Luyện Khả Năng Tự Mặc Quần Áo

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU / Kỹ Thuật Tập Luyện Khả Năng Tự Mặc Quần Áo

1. ĐẠI CƯƠNG

Tự mặc quần áo là một trong những hoạt động cơ bản trong cuộc sống hàng ngày của con người. Mặc quần áo bao gồm: Lựa chọn quần áo và phụ kiện phù hợp với từng thời gian, thời tiết và địa điểm; Lấy quần áo từ nơi cất giữ; Mặc và cởi quần áo, giày dép một cách tuần tự; Quản lý và điều chỉnh khi đang mặc; Sử dụng và tháo gỡ thiết bị cá nhân như nẹp, răng giả, chi giả, máy trợ thính,… 

Kỹ thuật tập luyện khả năng tự mặc quần áo giúp người bệnh trở nên độc lập, tự tin và thoải mái hơn. Từ đó, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm gánh nặng cho bản thân người bệnh và người chăm sóc.

2. CHỈ ĐỊNH

– Bất kỳ người bệnh nào có nhu cầu tập luyện khả năng tự mặc quần áo (mất hoặc thiếu hụt kỹ năng tự mặc quần áo: Kỹ năng bàn tay, tầm vận động khớp, sức mạnh cơ, thăng bằng, điều hợp, suy giảm cảm giác, nhận thức và tri giác, …).

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Người bệnh đang hôn mê.

– Người bệnh không kiểm soát được hành vi, có những hành vi kích động:

Người bệnh chấn thương sọ não có điểm Ranchos 1, 2, 3, 4; người bệnh có các dạng bệnh tâm thần chưa được kiểm soát bằng thuốc, …

4. THẬN TRỌNG

– Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: 

không có

5.3. Vật tư:

  • Găng tay
  • Mũ giấy
  • Khẩu trang y tế
  • Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
  • Khăn lau tay
  • Quần: thun, jean, đùi, dài, v.v…
  • Áo: phông, sơ mi, ngắn tay, dài tay, có nút, không nút, áo khoác, v.v….
  • Giày dép: giày lười hay thể thao, có dây, không dây, v.v…
  • Phụ kiện: khăn choàng, cà vạt, nơ, v.v…
  • Các dụng cụ tập hỗ trợ tập cho chi trên, chi dưới: dụng cụ tập chức năng bàn tay, v.v…
  • Dụng cụ tập thăng bằng, điều hợp: ghế, giường, gương, v.v…
  • Dụng cụ hỗ trợ như: gậy hỗ trợ với khi mặc quần áo (reacher stick), dụng cụ hỗ trợ mang tất, dụng cụ đi giày (bót đi giày), v.v…
  • Dụng cụ thích nghi như: áo sơ mi không nút (sử dụng velcro /băng dính gai), giày không dây, quần chất liệu co dãn, v.v…

5.4. Trang thiết bị : 

Không có

5.5. Người bệnh

– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra 

– Giải thích các hoạt động sẽ thực hiện trong buổi can thiệp và kết quả mong muốn sau can thiệp dựa trên sự thống nhất trước đó.

5.6. Hồ sơ bệnh án

– Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 

1 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: 

phòng tập Phục hồi chức năng

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1:

– Thực hiện phương pháp chuẩn bị phù hợp với người bệnh và dạng bệnh để giảm đau, tăng tầm vận động khớp, giảm phù nề, tránh dính sẹo, giảm căng thẳng, tăng sự tập trung chú ý hoặc các vấn đề khác.

– Các kỹ thuật có thể được sử dụng: Trượt khớp, di động sẹo, di động mô mềm, thiền, nghe nhạc hoặc các hoạt động nhỏ khởi động.

Bước 2:

– Thực hiện hoạt động chuẩn bị để tăng sức mạnh cơ chi trên và chi dưới, tăng tầm vận động khớp, thăng bằng và điều hợp tốt hơn hoặc các hoạt động ghi nhớ chuỗi thực hiện khi mặc một món đồ.

– Dụng cụ được sử dụng: Bộ xếp gỗ, khăn, đất sét trị liệu (Therapy Putty), mô hình quần áo hay phụ kiện, tranh ảnh hoặc kể chuyện.

Bước 3:

– Thực hiện các bước nhỏ trong một chuỗi các bước khi mặc đồ theo thói quen của người bệnh.

– Gợi ý sử dụng một số dụng cụ trợ giúp khi cần thiết: Dụng cụ cài nút áo; Dụng cụ mang giày, mang vớ; Máy nhắc nhở mặc áo khoác khi nhiệt độ xuống thấp…

Ví dụ:

  • Chọn áo và quần để đi học.
  • Lấy áo từ trên giá treo và quần trong hộc tủ.
  • Cởi quần áo đang mặc.
  • Mặc áo sơ mi và quần tây theo đúng bước.
  • Mang giày.
  • Đội mũ.

Bước 4:

– Thực hiện hoàn chỉnh mặc một bộ đồ với môi trường giống nhất có thể với môi trường thực tế với người bệnh. Bao gồm: Chất liệu vải, kiểu dáng quần áo và phụ kiện, diện tích phòng, âm thanh, ánh sáng.

– Gợi ý thay đổi môi trường khi cần thiết: Giảm ánh sáng tại phòng thay đồ, thêm ghế ngồi, thêm thanh vịn hoặc thanh treo đồ, thay đổi kiểu dáng hoăc chất liệu quần áo phù hợp hơn, …

Bước 5:

Đánh giá kết quả tập luyện sau buổi tập thông qua khả năng thực hiện, thái độ người bệnh và người nhà.

Bước 6:

– Ghi chép các thông tin vào hồ sơ bệnh án/ ứng dụng trên máy tính theo quy định.

– Lên kế hoạch và những thay đổi cho buổi tập luyện tiếp theo.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Theo dõi tình trạng tri giác, nhận thức và dấu hiệu sinh tồn của người bệnh trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật.

– Khi muốn đánh giá tiến bộ của người bệnh hoặc điều chỉnh chương trình điều trị, KTV có thể đánh giá lại và cùng người bệnh xây dựng lại mục tiêu cho phù hợp.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Bạn không thể copy nội dung ở trang này