Lượng Giá Chức Năng Nhận Thức MOCA

1. ĐẠI CƯƠNG

MoCA (Montreal Cognitive Assessment) là thang điểm được sử dụng rất phổ biến để lượng giá chức năng nhận thức. Thang điểm này được xây dựng vào năm 1996 bởi tác giả Ziad Nasreddine, tại Montreal, Quebec, Canada. MoCA đã được chuẩn hóa để sử dụng đối với các trường hợp có khiếm khuyết chức năng nhận thức mức độ nhẹ.

MoCA được sử dụng để lượng giá các lĩnh vực chính của chức năng nhận thức, bao gồm: chú ý và tập trung, chức năng điều hành, trí nhớ, ngôn ngữ, kỹ năng thị giác-vận động, tư duy trừu tượng, tính toán và định hướng.

Thời gian để thực hiện MoCA khoảng 20-30 phút. Điểm tối đa có thể đạt được là 30 điểm, từ 26 điểm trở lên được xem là bình thường.

2. CHỈ ĐỊNH

Người bệnh nghi ngờ có suy giảm chức năng nhận thức

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

MoCA không phù hợp để đánh giá những trường hợp có rối loạn hành vi, không hợp tác với người lượng giá.

4. THẬN TRỌNG

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện:

a) Nhân lực trực tiếp:

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng 

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: 

không có 

5.3. Vật tư:

– Găng tay

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn 

– Khăn lau tay

5.4. Trang thiết bị: 

không có

5.5. Người bệnh:

– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …

– Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi. (?)

– Kiểm tra và bộc lộ vùng da điều trị. (?)

5.6. Hồ sơ bệnh án:

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 

01 giờ 

5.8. Địa điểm thực hiện:

– Phòng tập ngôn ngữ trị liệu. (?)

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Bước 1: Kiểm tra hồ sơ bệnh án

Bước 2: Kiểm tra đánh giá người bệnh và giải thích các bước của kỹ thuật 

Bước 3: Thực hiện kỹ thuật theo thứ tự sau

Nối từ và số

– Cách thực hiện: Người lượng giá yêu cầu: “Hãy vẽ đường thẳng nối một số với một chữ cái theo thứ tự tăng dần. Bắt đầu từ đây (chỉ vào số 1), sau đó vẽ từ số 1 đến chữ A, và sau đó tiếp tục tương tự cho đến khi kết thúc ở đây (chỉ vào chữ E).”

– Cho điểm: cho 1 điểm nếu NGƯỜI BỆNH nối đúng các cặp 1-A, 2-B, 3-C, 4-D, 5-E. Nếu có lỗi nào không được NGƯỜI BỆNH tự sửa lại ngay lập tức thì cho 0 điểm.

Kỹ năng thị giác-vận động

– Cách thực hiện: người lượng giá yêu cầu: “Hãy vẽ lại hình lập phương này càng chính xác càng tốt vào khoảng trống dưới đây”

– Cho điểm: cho 1 điểm nếu vẽ chính xác: + Hình vẽ thể hiện được 3 chiều

+ Vẽ được tất cả các nét

+ Không thêm nét

+ Các nét song song và chiều dài tương đồng nhau

Không cho điểm nếu một trong các tiêu chuẩn trên không đạt được.

Kỹ năng thị giác-vận động

– Cách thực hiện: người lượng giá yêu cầu: “Hãy vẽ cái đồng hồ. Thêm số và kim vào để chỉ mốc thời gian 11 giờ 10 phút”

– Cho điểm: 1 điểm sẽ được cho đối với mỗi tiêu chuẩn đạt được sau: + Mặt đồng hồ (1 điểm): mặt đồng hồ phải có hình tròn

+ Số (1 điểm): tất cả các số trên mặt đồng hồ phải được thể hiện. Không thêm số khác. Số phải theo thứ tự và bố trí cân đối.

+ Kim (1 điểm): phải có đủ 2 kim ở vị trí đúng giờ yêu cầu. Kim giờ phải ngắn hơn kim phút. Hai kim phải cùng xuất phát tại tâm của đồng hồ.

Không cho điểm đối với từng tiêu chuẩn nếu tiêu chuẩn đó không đạt.

Gọi tên

– Cách thực hiện: Người lượng giá bắt đầu chỉ từ hình bên trái và nói: “Hãy nói cho tôi tên của con vật này”

– Cho điểm: Mỗi con vật được gọi tên đúng sẽ được cho 1 điểm: Gà, Chó, Trâu

Trí nhớ

– Cách thực hiện: Người lượng giá đọc danh sách 5 từ với tốc độ 1 giây/1 từ, hướng dẫn: “Đây là thử nghiệm đánh giá trí nhớ. Tôi sẽ đọc danh sách các từ và ông/bà cần ghi nhớ ngay bây giờ và cả sau đó nữa. Hãy lắng nghe cẩn thận. Khi tôi đọc xong, hãy nhắc lại càng nhiều từ càng tốt. Không nhất thiết phải theo đúng thứ tự các từ.”

– Đánh dấu vào các từ người bệnh đã nhắc lại trong lần đầu tiên. Khi người bệnh nói họ đã đọc xong hoặc không thể nhớ thêm từ nào nữa, người lượng giá đọc lại danh sách các từ lần thứ 2, hướng dẫn như sau: “Tôi sẽ đọc lại danh sách này lần thứ hai. Hãy cố gắng nhớ và nhắc lại càng nhiều từ càng tốt, kể cả những từ ông/bà đã nhớ ở lần trước”. Đánh dấu vào các từ người bệnh nhớ được sau lần thử nghiệm thứ hai. Khi kết thúc lần thứ hai, báo cho người bệnh biết họ sẽ được yêu cầu nhớ lạo các từ này thêm một lần nữa vào cuối buổi lượng giá này.

– Cho điểm: Không đánh giá điểm ở lần thử nghiệm thứ nhất và thứ hai này.

Chú ý

– Nhớ các số theo chiều xuôi: Người lượng giá hướng dẫn: “Tôi sẽ đọc các số. Khi tôi đọc xong, ông/bà hãy nhắc lại chính xác các số theo thứ tự tôi đã đọc”. Sau đó đọc 5 số theo đúng thứ tự với tốc độ 1 số/1 giây.

– Nhớ các số theo chiều ngược: Người lượng giá hướng dẫn: “Tôi sẽ đọc thêm vài số. Khi tôi đọc xong, ông/bà hãy nhắc lại các số đó theo thứ tự ngược lại thứ tự tôi đã đọc”. Sau đó đọc 5 số theo đúng thứ tự với tốc độ 1 số/1 giây.

– Cho điểm: Cho 1 điểm cho mỗi chuỗi số được đọc đúng.

– Đọc danh sách chữ cái: Người lượng giá đọc các chữ cái với tốc độ 1 từ/1 giây sau khi đưa ra hướng dẫn: “Tôi sẽ đọc một chuỗi các chữ cái. Mỗi lần tôi đọc đến chữ A, ông/bà hãy gõ tay xuống bàn một cái. Nếu tôi đọc chữ cái khác thì đừng gõ tay.”

– Cho điểm: Cho 1 điểm nếu không bị lỗi hoặc chỉ bị 1 lỗi. (Lỗi là khi gõ tay xuống bàn không đúng theo hướng dẫn).

– 100 trừ 7 liên tiếp: Người lượng giá hướng dẫn: “Bây giờ ông bà hãy đọc kết quả của phép toán 100 trừ 7, sau đó lấy kết quả đó trừ tiếp cho 7, cứ làm như vậy cho đến khi tôi yêu cầu dừng lại”. Có thể hướng dẫn 2 lần nếu cần thiết.

– Cho điểm: Mục này được cho 3 điểm. Cho 0 điểm nếu không có kết quả phép trừ nào đúng. Cho 1 điểm cho mỗi phép trừ đúng, 2 điểm nếu có 2 đến 3 kết quả đúng, và cho 3 điểm nếu người bệnh thực hiện được 4 đến 5 kết quả đúng.

Lặp lại câu

– Người lượng giá hướng dẫn: “Tôi sẽ đọc 1 câu. Hãy lặp lại theo tôi chính xác: “Tôi chỉ biết rằng Nam là người cần được giúp đỡ hôm nay”. Sau khi người bệnh lặp lại, hãy nói tiếp: “Bây giờ tôi sẽ đọc một câu khác. Hãy lặp lại chính xác: Con mèo hay trốn dưới bàn khi con chó ở trong phòng.”

– Cho điểm: cho 1 điểm đối với mỗi câu lặp lại đúng. Câu bệnh nhân lặp lại phải chính xác với câu mẫu.

Lời nói lưu loát

– Người lượng giá đưa ra hướng dẫn: “Hãy kể các từ bất kỳ bắt đầu bằng chữ cái mà tôi đưa ra. Ông/bà có thể nói bất cứ từ nào, ngoại trừ danh từ riêng chỉ tên hoặc số. Tôi sẽ yêu cầu ông/bà dừng lại sau 1 phút. Sẵn sàng chưa? Nào, hãy kể càng nhiều từ càng tốt bắt đầu bằng chữ cái “L”. Sau 60 giây, yêu cầu người bệnh dừng lại.

– Cho điểm: cho 1 điểm nếu người bệnh kể được ít nhất 11 từ đúng trong vòng 60 giây. Ghi lại các từ người bệnh kể ở phần lề biểu mẫu đánh giá.

Tư duy trừu tượng

– Người lượng giá yêu cầu người bệnh giải thích điểm chung giữa 2 từ, bắt đầu bằng ví dụ: “Hãy nói cho tôi biết điểm chung của quả cam và quả chuối”. Nếu người bệnh trả lời hợp lý, chỉ cần yêu cầu thêm 1 lần nữa: “Hãy nói thêm một điểm chung giữa 2 vật đó nữa”. Nếu NGƯỜI BỆNH không trả lời được điểm chung là “trái cây” thì nói:“ Vâng, cả hai đều là trái cây”. Đừng hướng dẫn hay giải thích gì thêm. Sau đó nói: “Bây giờ hãy cho tôi biết điểm chung của tàu hỏa và xe đạp”. Sau khi NGƯỜI BỆNH trả lời, yêu cầu tiếp: “Bây giờ hãy nói cho tôi biết điểm chung giữa thước kẻ và đồng hồ”. Không đưa ra hướng dẫn hay gợi ý gì.

– Cho điểm: Chỉ cho điểm 2 cặp từ sau cùng. Cho 1 điểm đối với phần trả lời đúng cho mỗi cặp từ. Các trả lời sau được cho là đúng:

+ Tàu hỏa-Xe đạp: phương tiện giao thông, phương tiện đi lại, dùng để đi lại + Thước kẻ-đồng hồ: công cụ đo lường, dùng để đo lường

+ Các trả lời sau không được chấp nhận:

+ Tàu hỏa-Xe đạp: chúng đều có bánh xe

+ Thước kẻ-đồng hồ: chúng đều có số trên đó

Nhớ lại có trì hoãn

– Người lượng giá đưa ra hướng dẫn: “Tôi đã đọc cho ông/bà nghe một số từ ở phần trước, sau đó tôi có yêu cầu ông /bà cần nhớ những từ đó. Bây giờ hãy nói lại cho tôi càng nhiều từ ông/bà nhớ được thì càng tốt”. Đánh dấu vào từng từ được kể ra đúng.

– Cho điểm: cho 1 điểm đối với mỗi từ được nhắc lại đúng mà không cần gợi ý gì.

Định hướng

– Người lượng giá đưa ra hướng dẫn: “hãy nói cho tôi biết hôm nay là ngày nào”. Nếu người bệnh không đưa ra được câu trả lời hoàn chỉnh, hãy gợi ý bằng cách hỏi về năm, tháng, ngày, hoặc thứ trong tuần. Sau đó hỏi tiếp: “Ông bà đang ở đâu, và nó nằm ở thành phố nào”.

– Cho điểm: Cho 1 điểm đối với mỗi ý trả lời đúng. người bệnh phải trả lời chính xác ngày và địa điểm.

ĐIỂM TỔNG: 

Tính tổng điểm các phần đánh giá ở phía bên phải biểu mẫu. Cộng thêm 1 điểm đối với những người có thời gian học vấn từ 12 năm trở xuống. Điểm tối đa là 30. Kết quả từ 26 điểm trở lên được xem là bình thường.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Theo dõi tình trạng tri giác, nhận thức và dấu hiệu sinh tồn của người bệnh trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật.

– Khi muốn đánh giá chức năng nhận thức của người bệnh để theo dõi, điều chỉnh chương trình can thiệp, BS/KTV có thể đánh giá lại bằng cách sử dụng MoCA.

– Việc lượng giá nên dừng lại nếu người bệnh có các dấu hiệu như co giật, đau đầu, mệt và cảm giác khó chịu. Báo cáo cấp trên khi có tình huống bất ngờ xảy ra, đồng thời phối hợp cùng các chuyên khoa khác xử trí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hobson, J. (2015). The montreal cognitive assessment (MoCA). Occupational Medicine, 65(9), 764-765.

2. Nasreddine, Z. S., Phillips, N. A., Bédirian, V., Charbonneau, S., Whitehead, V., Collin, I., … & Chertkow, H. (2005). The Montreal Cognitive Assessment, MoCA: a brief screening tool for mild cognitive impairment. Journal of the American Geriatrics Society, 53(4), 695-699.

3. O’Driscoll, C., & Shaikh, M. (2017). Cross-cultural applicability of the Montreal Cognitive Assessment (MoCA): a systematic review. Journal of Alzheimer’s disease, 58(3), 789-801.

XEM THÊM PHIẾU: LƯƠNG GIÁ NHẬN THỨC MOCA

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Bạn không thể copy nội dung ở trang này