Tập Vận Động Cột Sống

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Cột sống là một cấu trúc xương gồm nhiều đốt sống chồng lên nhau, có nhiệm vụ nâng đỡ cơ thể, vận động và bảo vệ tủy sống. Có tổng cộng 32-34 đốt sống trong cột sống, gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt ngực, 5 đốt thắt lưng, 5 đốt sống cùng và 3-5 đốt sống cụt. Cột sống có bốn đoạn cong lồi lõm xen kẽ nhau gồm đoạn cổ và đoạn thắt lưng cong lồi ra trước, đoạn ngực và đoạn cùng cụt cong lồi ra sau.
  • Tập vận động cột sống có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh lý tại cột sống hoặc các bộ phận liên quan đến cột sống. Tùy từng bệnh, tùy từng mục đích khác nhau mà có những bài tập phù hợp với mục đích đó.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Cong vẹo cột sống do bẩm sinh hoặc mắc phải.
  • Thoái hóa cột sống.
  • Hội chứng chèn ép rễ thoát vị đĩa đệm như đau thần kinh tọa, hội chứng cổ vai cánh tay.
  • Hạn chế vận động cột sống sau can thiệp phẫu thuật.
  • Các bệnh lý của cơ liên quan đến tư thế và độ vững của đốt sống, cột sống.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Tình trạng nhiễm trùng cột sống, đốt sống như lao đốt sống.
  • Chấn thương gây gẫy, mất vững đốt sống tủy sống.
  • Ung thư cột sống.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

  • Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng.
  • Kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

2. Phương tiện

  • Phòng tập phải thông thoáng nhưng đủ kín đáo để người bệnh và người hướng dẫn tập cảm thấy thoải mái dễ chịu.
  • Sử dụng giường hoặc đệm tập.

 3. Người bệnh

  • Giải thích cặn kẽ cho người bệnh tác dụng của bài tập.
  • Người bệnh cần thoải mái và thư giãn.

4. Hồ sơ bệnh án

  • Kiểm tra hồ sơ khớp với người bệnh và yêu cầu tập luyện.
  • Ghi chép tỷ mỷ tình trạng, triệu chứng của người bệnh trước và sau tập.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  • Bước 1. Kiểm tra hồ sơ
    • Kiểm tra đúng tên người, phương pháp tập và những yêu cầu trong quá trình tập luyện.
  • Bước 2. Kiểm tra người bệnh
    • Xem có đúng người bệnh, đúng chỉ định hay không.
  • Bước 3. Thực hiện kỹ thuật
    • Chọn bài tập: dựa trên tình trạng bệnh của người bệnh, bác sĩ chỉ định tập bài tập phù hợp cho người bệnh.
    • Đối với cong vẹo cột sống: bài tập mạnh vùng cơ yếu, kéo giãn cơ bị co rút co cứng, điều chỉnh lại tư thế cột sống.
    • Đối với đau do thoái hóa cột sống: bài tập có tác dụng điều hòa lại trương lực cơ, kéo giãn cơ ức chế quá trình co rút cơ.
    • Đối với bệnh lý cơ tại vùng cột sống: bài tập mạnh cơ yếu,kéo giãn cơ bị co rút.

Kỹ thuật tập:

1. Bài tập vận động cột sống cổ

Tư thế chuẩn bị

Người tập ngồi thư giãn (thả lỏng) trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng hai bên vuông góc, thân mình thẳng, đầu và cổ thẳng, hai vai ngang bằng nhau, hai tay duỗi dọc theo thân, trọng lượng dồn lên hai mông và hai chân.

Bài 1. Gấp và duỗi cột sống cổ

  • Từ vị trí trung gian nói trên, người tập từ từ cúi đầu về phía trước (gấp cột sống cổ) càng nhiều càng tốt cho đến mức tối đa (cằm sát vào ngực nếu có thể) kết hợp với thở ra hết.
  • Sau đó người tập từ từ ngửa đầu ra phía sau(duỗi cột sống cổ) càng nhiều càng tốt cho đến mức tối đa (mặt song song với trần nhà nếu có thể) kết hợp với hít vào sâu, rồi tiếp tục tập lại động tác gấp và duỗi như đ làm ở trên…

Bài 2. Nghiêng cột sống cổ sang bên phải và bên trái

  • Từ vị trí ngồi trong tư thế chuẩn bị như trên,người tập từ từ nghiêng đầu và cổ sang bên phải càng nhiều càng tốt cho đến mức tối đa (tai bên phải chạm vai phải nếu có thể), kết hợp với hít vào sâu…
  • Sau đó từ từ nghiêng đầu và cổ sang bên trái càng nhiều càng tốt cho đến mức tối đa (tai bên trái chạm vai trái nếu có thể) kết hợp với thở ra hết, rồi tiếp tục tập lại động tác nghiêng sang bên phải và bên trái như đã làm ở trên…

Bài 3. Quay cột sống cổ sang bên phải và bên trái

  • Từ vị thế ngồi như trên trong tư thế chuẩn bị ban đầu, người tập quay mặt từ từ sang phía bên phải càng nhiều càng tốt cho đến mức tối đa (cằm ngang với mỏm vai phải nếu có thể) kết hợp hít vào sâu, sau đó…
  • Từ vị trí này người tập từ từ quay mặt sang phía bên trái càng nhiều càng tốt cho đến mức tối đa (cằm ngang với mỏm vai trái nếu có thể) kết hợp với thở ra hết, rồi tiếp tục tập lại động tác quay sang bên phải và bên trái như đ làm ở trên…

Bài 4. Vận động đầu và cổ ra phía trước và về phía sau

  • Từ vị thế ngồi ở tư thế chuẩn bị ban đầu, người tập vận động “đưa” đầu ra phía sau đến mức tối đa (kết hợp hít vào), sau đó “đưa” đầu ra phía trước đến mức tối đa (kết hợp với thở ra), rồi tiếp tục tập lại như đã làm ở trên.

Bài 5. Tập vận động khớp vai

  • Nâng khớp vai lên và hạ xuống.
  • Từ vị thế ngồi như ở tư thế chuẩn bị ban đầu,người tập từ từ nâng vai lên phía trên đầu cho đến mức tối đa (kết hợp với hít vào sâu), sau đó hạ vai xuống trở về vị trí ban đầu (kết hợp với thở ra hết).
  • Vận động hai vai ra trước và ra sau.
  • Người tập ngồi như tư thế ban đầu hai tay dạng ngang vai vuông góc, hai khuỷu tay gấp vuông góc, cẳng tay quay sấp. Sau đó từ từ đưa hai khuỷu tay ra phía sau đến mức tối đa (kết hợp với thở ra hết), sau đó tiếp tục tập lại như ở trên.
  • Xoay khớp vai.
  • Người tập ngồi như trên trong tư thế chuẩn bị ban đầu, hai tay duỗi dọc theo thân mình, sau đó từ từ xoay tròn hai vai theo chiều từ sau ra trước, rồi xoay theo chiều ngược lại từ trước ra sau.

2. Bài tập cột sống thắt lưng (Bài tập Mc Gill)

Bài 1. Tư thế mô phỏng hình con mèo và con lạc đà

  • Hai đầu gối quỳ, cẳng chân và bàn chân duỗi thẳng, hai tay duỗi thẳng lòng bàn tay tiếp xúc với sàn, lưng thẳng, mặt nhìn về phía trước.
  • Hít thở và bóp cơ bụng, làm cong xương sống của bạn lên. Thu cằm của bạn một chút và giữ căng trong 8 đến 10 giây.
  • Thở ra và lưng cong xuống dưới và kéo ngực bạn lên và đi lên, giữ căng trong 8 đến 10 giây.
  • Trở lại vị trí bắt đầu và lặp lại động tác đầy đủ 5 – 10 lần.

 Bài 2. Cuộn đầu

  • Nằm ngửa,thẳng người,đặt bàn tay hoặc một chiếc khăn cuộn ở dưới cột sống thắt lưng, gối chân phải gập lại chân trái duỗi thẳng.
  • Nâng cao đầu và vai của bạn, không uốn cong lưng, giữ căng trong 8 đến 10 giây. Sau đó hạ đầu và vai xuống sàn.
  • Đổi chân và lặp lại động tác đầy đủ 5 – 10 lần.

 Bài 3. Tư thế mô phỏng hình con chim và con chó

  • Đầu gối dưới hông quỳ,bàn chân duỗi,hai tay duỗi thẳng, lòng bàn tay tiếp xúc với sàn (hình minh hoạ).
  • Từ từ đưa chân trái ra sau trong khi đưa cánh tay phải về phía trước, giữ hông và vai căng trong 8 đến 10 giây (hình minh hoạ). Sau đó trở lại vị trí bắt đầu.
  • Đổi chân và tay, lặp lại động tác đầy đủ 5 – 10 lần.

Bài 4. Tập căng cơ thắt lưng chậu

  • Nằm thẳng người trên giường với hai đầu gối gấp vuông góc với cạnh giường. Bây giờ dùng hai tay kéo một chân lên ngực tư thế gối gấp trong khi giữ nguyên chân còn lại, giữ căng trong 8 đến 10 giây.
  • Đổi chân và lặp lại động tác đầy đủ 5 – 10 lần.

Bài 5. Tập cơ căng mạc đùi

  • Nằm thẳng nghiêng mình.
  • Nâng chân phía trên thẳng lên trên trần cách từ 30 đến 50 cm từ chân kia, giữ căng trong 8 đến 10 giây.
  • Hạ chân của bạn, nằm nghiêng sang bên đối diện.
  • Đổi chân và lặp lại động tác đầy đủ 5 – 10 lần.

 Bài 6. Tập căng cơ tam đầu đùi

  • Người tập ngồi thư giãn (thả lỏng) trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng hai bên vuông góc, thân mình thẳng, đầu và cổ thẳng, hai vai ngang bằng nhau, hai tay duỗi dọc theo thân, trọng lượng dồn lên hai mông và hai chân.
  •  Nâng chân trái lên duỗi thẳng, chân phải giữ nguyên, giữ căng trong 8 đến 10 giây. Chậm dần hạ chân xuống.
  • Đổi chân và lặp lại động tác đầy đủ 5 – 10 lần.

Bài 7. Tập căng cơ thẳng đùi

  • Nằm ngửa, thẳng người trên mép giường, tay và chân duỗi thẳng.
  •  Chậm dần duỗi chân trái. Trở về vị trí ban đầu.
  • Đổi chân và lặp lại động tác đầy đủ 5 – 10 lần.
  • Chân trái gấp xuống mép giường, chân phải giữ nguyên. Dùng dây vòng qua cổ chân trái hoặc tay nắm cổ chân trái gấp căng chân trái về phía lưng, giữ căng trong 8 đến 10 giây.

 * Trong quá trình tập cần một số lưu ý:

  • Đau thần kinh tọa: hạn chế cúi gập lưng.
  • Hội chứng vai tay do chèn ép rễ hoặc đám rối thần kinh cánh tay: hạn chế động tác ngửa cổ vì dễ kích thích gây choáng chóng mặt.
  • Các bài tập cột sống còn có vai trò duy trì và phòng chống đau thắt lưng hay vai gáy.

VI. THEO DÕI

  • Khả năng đáp ứng và thực hiện bài tập của người bệnh.
  • Tình trạng đau hay mệt mỏi trong quá trình tập luyện.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Sau tập có thể thấy đau tăng lên hoặc động tác tập gây đau tăng nên giảm cường độ hoặc mức độ tập hay loại bỏ những tư thế tập đau.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Bạn không thể copy nội dung ở trang này