Thang điểm Rancho Los Amigos

Home / CÁC THANG ĐO / Các Thang Đo Tâm Thần Kinh / Thang điểm Rancho Los Amigos

Giới thiệu

Thang điểm Rancho Los Amigos (RLAS), còn được gọi là Thang điểm Ranchos, là một thang điểm y tế được chấp nhận rộng rãi được sử dụng để mô tả các mẫu hình nhận thức và hành vi quan sát được ở bệnh nhân chấn thương não khi họ hồi phục sau chấn thương. Ban đầu, nó được phát triển bởi nhóm chấn thương sọ não tại Bệnh viện Rancho Los Amigos ở Downey, California để lượng giá bệnh nhân tỉnh dần sau hôn mê. 

Nó thường được sử dụng cùng với Thang điểm hôn mê Glasgow trong quá trình đánh giá ban đầu của một bệnh nhân chấn thương não. Tuy nhiên, không giống như Thang điểm hôn mê Glasgow, nó được sử dụng trong suốt giai đoạn hồi phục và không giới hạn trong lượng giá ban đầu. Nó tính đến trạng thái ý thức của bệnh nhân cũng như sự phụ thuộc của họ vào sự hỗ trợ để thực hiện các chức năng nhận thức và thể chất của họ. 

Thang đo nguyên bản bao gồm tám mức độ, với mức 1 đại diện cho mức chức năng thấp nhất và mức 8 là mức chức năng cao nhất. Khi bệnh nhân tiến triển lên các mức độ cao hơn, họ biểu hiện cải thiện trạng thái nhận thức và hành vi và hướng tới sự độc lập cao hơn. Các cá nhân chuyển qua các mức độ khác nhau theo một kiểu tuần tự. Tuy nhiên, thời gian ở mỗi mức và mức tối đa đạt được là khác nhau giữa các cá nhân. Các cá nhân cũng có thể thể hiện sự chồng chéo các hành vi giữa hai mức độ khác nhau và họ có thể bỏ qua các mức độ trong quá trình hồi phục.

Một trong những hạn chế của thang đo 8 mức độ là nó không phản ánh chính xác những cá nhân có mức độ phục hồi cao hơn. Hai mức độ khác đã được thêm vào Thang đo 8 mức độ ban đầu để tạo ra thang 10 mức độ đầy đủ hơn có tên là Thang đo Rancho Los Amigos được Sửa đổi (Rancho Los Amigos Revised Scale, RLAS-R). 

Thang đo nguyên bản và thang đo sửa đổi được chia thành hai nhóm

  • Hoạt động chức năng thấp (RLAS-R 1–8) và
  • Hoạt động chức năng cao (RLAS-R 9-10) 

Mục tiêu

  • Được sử dụng để biết được các khả năng, các khiếm khuyết và tiên lượng của bệnh nhân chấn thương não tốt hơn, khi họ chuyển qua các giai đoạn phục hồi
  • Tạo điều kiện giao tiếp giữa các chuyên gia chăm sóc sức khỏe điều trị và hỗ trợ trong việc lập kế hoạch điều trị

Đối tượng mục tiêu

  • Bệnh nhân tổn thương não

Chi tiết các mức độ

Trong Thang đo Ranchos Los Amigos, mỗi mức độ được trình bày như là một mô tả hành vi dưới dạng trần thuật và người đánh giá phải xác định mức nào mô tả đúng nhất hành vi hiện tại của người bệnh. 

Mức I: Không đáp ứng: Trợ giúp Hoàn toàn

  • Không đáp ứng với kích thích bên ngoài.

Mức II: Phản ứng Toàn thể: Trợ giúp Hoàn toàn

  • Đáp ứng không nhất quán và không có mục đích với kích thích bên ngoài.
  • Đáp ứng thường như nhau bất chấp loại kích thích

Mức III: Đáp ứng Khu trú: Trợ giúp Hoàn toàn

  • Đáp ứng không nhất quán và cụ thể với kích thích bên ngoài
  • Đáp ứng liên hệ trực tiếp với kích thích, ví dụ bệnh nhân rút tay chân lui hoặc rên rỉ với kích thích đau
  • Đáp ứng nhiều hơn với người thân quen so với người lạ

Mức IV: Lú lẫn/Kích động: Trợ giúp Tối đa

  • Bệnh nhân ở trong trạng thái tăng hoạt động với những hành vi kỳ lạ và không có mục đích
  • Thể hiện hành vi bị kích động bắt nguồn từ sự nhầm lẫn bên trong nhiều hơn là do môi trường bên ngoài
  • Không có trí nhớ ngắn hạn

Mức V: Lú lẫn, Không thích hợp Không kích động: Trợ giúp Tối đa

  • Biểu hiện sự nhất quán ngày càng tăng với tuân theo và đáp ứng các mệnh lệnh đơn giản
  • Các đáp ứng không có mục đích và ngẫu nhiên đối với các mệnh lệnh phức tạp hơn
  • Hành vi và lời nói thường không phù hợp, và bệnh nhân tỏ vẻ lú lẫn và thường bịa chuyện
  • Nếu hành động hoặc nhiệm vụ được làm mẫu, bệnh nhân có thể thực hiện được nhưng không tự mình bắt đầu nhiệm vụ
  • Trí nhớ bị suy giảm nghiêm trọng và khó học thông tin mới
  • Khác với mức IV ở chỗ bệnh nhân không biểu hiện sự kích động đối với các kích thích bên trong. Tuy nhiên, họ có thể tỏ ra kích động trước những kích thích khó chịu bên ngoài.

Mức VI: Lú lẫn, Thích hợp: Trợ giúp Trung bình

  • Có thể tuân theo các lệnh đơn giản một cách nhất quán
  • Có thể học cho các nhiệm vụ quen thuộc mà họ đã thực hiện trước khi bị chấn thương (như đánh răng, rửa mặt) nhưng không thể học các nhiệm vụ mới
  • Thể hiện tăng nhận thức về bản thân, hoàn cảnh và môi trường nhưng không nhận thức được những khiếm khuyết cụ thể và các mối quan ngại về an toàn
  • Các câu trả lời có thể không chính xác do suy giảm trí nhớ nhưng phù hợp với tình huống.

Mức VII: Tự động, Phù hợp: Trợ giúp Tối thiểu cho các kỹ năng sống hàng ngày

  • Có định hướng trong các môi trường quen thuộc
  • Có thể thực hiện thói quen hàng ngày một cách tự động với sự nhầm lẫn tối thiểu hoặc không nhầm lẫn
  • Thể hiện khả năng thực hiện các nhiệm vụ mới và học tập bên cạnh các nhiệm vụ quen thuộc
  • Nhận biết bề ngoài về chẩn đoán của mình nhưng không nhận biết được các khiếm khuyết cụ thể
  • Vẫn còn thiếu hiểu thấu, giảm khả năng đánh giá và nhận thức về an toàn
  • Bắt đầu thể hiện sự quan tâm đến các hoạt động xã hội và giải trí trong môi trường có cấu trúc (được xếp đặt)
  • Cần ít nhất sự giám sát tối thiểu cho các mục đích học tập và an toàn.

Mức VIII: Có mục đích, Phù hợp: Trợ giúp Cạnh bên (Standby A)

  • Có định hướng nhất quán về con người, địa điểm và thời gian
  • Thực hiện các nhiệm vụ quen thuộc một cách độc lập trong một môi trường không gây mất tập trung
  • Bắt đầu thể hiện nhận biết về những khiếm khuyết cụ thể và ảnh hưởng của chúng lên nhiệm vụ, tuy nhiên cần trợ giúp cạnh bên để bù đắp
  • Có thể sử dụng các dụng cụ trợ giúp trí nhớ để nhớ lịch trình hàng ngày
  • Nhận biết trạng thái cảm xúc của người khác và chỉ cần sự hỗ trợ tối thiểu để phản hồi một cách thích hợp
  • Thể hiện sự cải thiện trí nhớ và khả năng củng cố các sự kiện trong quá khứ và tương lai
  • Thường trầm cảm, dễ bị kích thích và có ngưỡng thất vọng thấp

Mức IX: Có mục đích, Phù hợp: Trợ giúp Cạnh bên theo Yêu cầu

  • Có thể chuyển đổi giữa các nhiệm vụ khác nhau và hoàn thành chúng một cách độc lập
  • Nhận biết và thừa nhận những khiếm khuyết khi chúng cản trở các nhiệm vụ và có thể sử dụng các chiến lược bù đắp để đối phó
  • Không thể tự lường trước những trở ngại có thể phát sinh thứ phát do khiếm khuyết
  • Với sự hỗ trợ có thể suy nghĩ về hậu quả của các hành động và quyết định
  • Thừa nhận nhu cầu tình cảm của người khác với sự trợ giúp cạnh bên.
  • Tiếp tục biểu hiện trầm cảm và ngưỡng thất vọng thấp

Mức X: Có mục đích, Phù hợp: Độc lập Có Sửa đổi 

  • Có thể thực hiện đa nhiệm vụ trong nhiều môi trường khác nhau với thời gian dài hơn hoặc các dụng cụ để trợ giúp
  • Có thể tạo các phương pháp và công cụ riêng để ghi nhớ
  • Tự dự đoán những trở ngại có thể xảy ra do các khiếm khuyết và thực hiện các hành động khắc phục
  • Có thể tự đưa ra quyết định và hành động phù hợp nhưng có thể cần nhiều thời gian hơn hoặc các chiến lược bù đắp
  • Thể hiện các giai đoạn trầm cảm không liên tục và ngưỡng thất vọng thấp khi bị căng thẳng
  • Có khả năng tương tác thích hợp với những người khác trong các tình huống xã hội

Bạn không thể copy nội dung ở trang này