Kỹ Thuật Kích Thích Xuyên Sọ Bằng Dòng Điện Một Chiều Đều (tDCS)

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT VẬT LÝ TRỊ LIỆU / Kỹ Thuật Kích Thích Xuyên Sọ Bằng Dòng Điện Một Chiều Đều (tDCS)

I. ĐẠI CƯƠNG 

1. Định nghĩa

  •  Kích thích xuyên sọ bằng dòng điện một chiều đều (Transcranial Direct Current Stimulation – tDCS) là một kỹ thuật kích thích thần kinh sử dụng dòng điện một chiều đều lên vùng sọ qua các điện cực trên da đầu. Đây là một phương pháp điều trị rẻ tiền, không xâm nhập, không đau và an toàn với một thiết bị chuyên dụng cung cấp một dòng điện trực tiếp qua da đầu để điều hòa chức năng não bộ. Cường độ dòng điện tối đa chấp nhận để sử dụng trên người là 2 mA và thông thường người ta sử dụng cường  độ dòng điện dưới 1mA.
  • Ban đầu kỹ thuật này được phát triển để hỗ trợ người bệnh chấn thương sọ não  hay bị các bệnh lý tâm thần kinh như trầm cảm. Sau đó nó được sử dụng để tăng cường hoạt động nhận thức trên người mất trí nhớ ở bệnh Parkinson, bệnh Alzheimer, bệnh tâm thần phân liệt, đau không do nguyên nhân thần kinh hay cải thiện chức năng chi  trên trên người bệnh đột quỵ não.

2. Cơ chế tác động

  • Khi các điện cực được đặt ở vùng mong muốn, dòng điện một chiều đều được tạo ra trong não. Dòng điện này vừa gây tăng, vừa làm giảm tính dễ kích thích của tế bào thần kinh ở những vùng đặc hiệu (phụ thuộc vào loại kích thích điều trị được sử dụng). Sự thay đổi tính dễ kích thích của tế bào thần kinh dẫn tới thay đổi chức năng của não, điều này được ứng dụng trong điều trị.
  • Cơ chế tác động của tDCS là khả năng tạo ra sự thay đổi chức năng của vỏ não ngay cả sau khi kích thích đã chấm dứt. Thời gian thay đổi này phụ thuộc vào độ dài của kích thích cũng như cường độ kích thích. Hiệu quả của kích thích tăng lên khi độ dài kích thích tăng hay cường độ dòng điện tăng. Cơ chế kích thích thay đổi chức năng vỏ não là tạo nên điện thế nghỉ màng tế bào thần kinh để khử cực hay tái phân cực.
    • Tại cực dương: dòng điện gây nên sự khử cực của điện thế nghỉ màng tế bào thần kinh, làm gia tăng tính dễ kích thích của thần kinh.
    • Tại cực âm: dòng điện gây nên sự tái phân cực của điện thế nghỉ màng của tế bào thần kinh, làm giảm tính kích thích của tế bào thần kinh.
    • Điện cực đính vào cực dương của máy sẽ kích thích hoạt động thần kinh của vùng vỏ não dưới điện cực, trong khi đó điện cực đính với cực âm của máy sẽ ức chế hoạt động thần kinh của vùng vỏ não ở dưới điện cực đó.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Điều trị trầm cảm, những rối loạn có xu hướng ép buộc.
  • Đột quỵ não (tai biến mạch máu não).
  • Bệnh Parkinson.
  • Bệnh Alzheimer.
  • Bệnh tâm thần phân liệt.
  • Đau đầu Migrain.
  • Các trường hợp đau mạn tính có yếu tố thần kinh trung ương.
  • Làm giảm triệu chứng của những người cai nghiện, giảm thèm muốn thuốc, bao gồm nicotin và rượu.
  • Tăng chức năng thùy trán, giảm bột phát và giảm linh động trên người bệnh có rối loạn chú ý.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Không sử dụng kỹ thuật này cho những người có cấy ghép kim loại, phụ nữ có thai, người dễ bị co giật như những người bị bệnh động kinh.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ phục hồi chức năng.

Kỹ thuật viên phục hồi chức năng.

2. Người bệnh

Khám đánh giá trước khi thực hiện kỹ thuật: xác định xem vùng não nào cần được kích thích và chọn tư thế nằm thích hợp, thoải mái cho người bệnh.

3. Phương tiện

Bàn tập, giường tập.

Thiết bị kích thích điện một chiều xuyên sọ chuyên dụng, hai điện cực, tấm lót điện cực gel hay thấm nước muối sinh lý, bộ phận pin cung cấp dòng điện một chiều đều 9V và một bộ phận điều khiển.

4. Hồ sơ bệnh án

Người thực hiện kỹ thuật ghi rõ trong hồ sơ bệnh án thời gian thực hiện, kỹ thuật sẽ thực hiện trên người bệnh.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1: Kiểm tra hồ sơ, lựa chọn vùng điều trị

Lựa chọn vùng điều trị để có thể đạt được mục đích tốt nhất theo mong muốn.

Bước 2: Kiểm tra và chuẩn bị người bệnh

  • Giải thích mục đích và quy trình kỹ thuật cho người bệnh hiểu để họ hợp tác tốt, tạo sự tin tưởng và làm người bệnh thư giãn.
  • Người bệnh được đặt nằm trên giường hay ngồi trên ghế, trong tư thế thoải mái, vững chắc và ổn định

Bước 3: Chuẩn bị thiết bị

  • Một thiết bị chuyên dụng có một cực dương nối với điện cực mang điện tích dương và một cực âm nối với điện cực mang điện tích âm. Thiết bị có pin 9 Vol.
  • Các bản điện cực có nhiều kích cỡ khác nhau với những tác dụng khác nhau. Bản điện cực kích thước nhỏ hơn có thể kích thích tập trung hơn lên một vùng điều trị trong khi những bản điện cực có kích thước lớn hơn được sử dụng để kích thích cho một vùng điều trị lớn.
  • Các tấm lót điện cực và da phải được chuẩn bị để làm giảm thiểu sức kháng cản giữa da và điện cực.
  • Hai điện cực cao su kích thước 5x5cm đặt ở da đầu vùng được lựa chọn và được bao phủ bằng đệm điện cực thấm nước muối.
  • Cố định điện cực bằng dây cao su.
  •  Gần đây thay vì sử dụng hai bản điện cực lớn có đệm thấm nước muối sinh lý, sử dụng hai bản điện cực gel có kích thước nhỏ hơn để hướng tới vùng cấu trúc vỏ não đích. Phương pháp này gọi là kích thích điện xuyên sọ độ tập trung cao (High Definition  tDCS).

Bước 4: Đặt các điện cực vào vùng điều trị

  • Một trong những điện cực được đặt trên vùng điều trị mong muốn, điện cực còn lại sẽ là điện cực tham chiếu, được đặt ở một vị trí khác để hoàn thành mạch điện. Điện cực tham chiếu này thông thường được đặt ở trán, cổ hay ở vai bên đối diện của cơ thể với vùng điều trị.
  • Vì vùng điều trị có thể nhỏ, thông thường xác định vùng này trước khi đặt điện cực bằng MRI chức năng (fMRI) hoặc PET.

Bước 5: Kích thích điện

  • Khi điện cực đã được đặt đúng, có thể bắt đầu kích thích. Một dòng điện được phát ra có cường độ 1-2 mA qua điện cực vào vỏ não.
  •  Rất nhiều thiết bị có khả năng cho phép dòng điện tăng điện áp từ từ cho tới
  •  khi đạt được mức mong muốn. Điều này làm giảm bớt kích thích được cảm nhận bởi người nhận dòng điện kích thích xuyên sọ. Sau khi kích thích được bắt đầu, dòng điện được kéo dài trong suốt thời gian được cài đặt trong thiết bị và sau đó sẽ tự động tắt.
  • Chọn loại kích thích.
    • Kích thích tại cực dương làm gia tăng tính dễ kích thích của thần kinh vùng được kích thích (tác dụng kích thích).
    • Kích thích tại cực âm làm giảm tính dễ kích thích của tế bào thần kinh ở vùng được kích thích (tác dụng ức chế). Kích thích cực âm có thể điều trị được các rối loạn tâm thần kinh gây nên bởi tăng hoạt của một vùng não.
  • Liều kích thích điện xuyên sọ có thể được xác định bằng:
    • Kích thước và vị trí của điện cực trên cơ thể.
    • Thời gian (tính bằng phút) và cường độ (tính bằng mA) của dòng điện đi qua các điện cực.
  • Thời gian điều trị khoảng từ 20 đến 30 phút mỗi lần, ngày một lần trong thời gian 5 ngày liên tục và có thể lặp lại một liệu trình lần thứ hai cho 5 ngày kế tiếp để đạt được kết quả tối đa.

Bước 6: Hết thời gian điều trị, tắt máy, tháo điện cực 

VI. THEO DÕI

  • Có một vài tác dụng phụ nhỏ bao gồm kích thích da nhẹ, nảy đom đóm mắt (nếu một điện cực đặt ở gần mắt) lúc bắt đầu kích thích, buồn nôn, đau đầu chóng mặt và ngứa dưới vùng điện cực, đôi khi có hưng cảm nhẹ, mất ngủ nhẹ, uể oải, thẫn thờ, mệt mỏi nhẹ.
  • Buồn nôn thường xuất hiện khi điện cực được đặt ở vùng xương chũm để kích thích hệ thống tiền đình.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Không có tai biến.

Có rất nhiều cách để làm giảm tác dụng phụ kích thích trong quá trình kích thích điện xuyên sọ như:

  • Tấm lót điện cực có thể được thấm ướt với dung dịch nước muối và vùng da được bôi cream.
  • Tăng dần cường độ dòng điện có thể làm giảm kích thích da.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này