Kỹ Thuật Phục Hồi Chức Năng Vận Động Chi Trên Bằng Hệ Thống Robot

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU / Kỹ Thuật Phục Hồi Chức Năng Vận Động Chi Trên Bằng Hệ Thống Robot

I. ĐẠI CƯƠNG

  •  Kỹ thuật phục hồi chức năng vận động chi trên trên hệ thống robot được phát triển  từ thập niên 1990. Từ đó đến nay hàng loạt các thiết bị tập robot đ được tung ra thị  trường và được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở phục hồi chức năng như InMotion Arm Robot (USA), Armeo Power (Switzerland).  Các bằng chứng cho thấy sử dụng thiết bị  tập robot cho chi trên đã cải thiện vận động, sức mạnh cơ, tuy nhiên việc thực hiện các hoạt động thường nhật thường không cải thiện nếu tập vận động với hệ thống robot chỉ tập trung trên các khớp gần của tay. Nếu kết hợp tập khớp xa và khớp gần hay tập nhiều  khớp sẽ hữu ích trong việc lấy lại chức năng của tay.
  • Các thiết bị robot có thể sử dụng để tập bài tập cường độ cao, lặp đi lặp lại nhiều lần, trong các yêu cầu riêng biệt, luyện tập hỗ trợ. Thiết bị tập robot bắt tay liệt tập luyện các cử động nhiều khớp. Hầu hết được sử dụng trong thử nghiệm lâm sàng hay thực hành lâm sàng với 4 kiểu tập được lựa chọn là tập chủ động, chủ động trợ giúp, thụ động và đề kháng. Những khái niệm này liên quan đến các phương pháp điều trị thông thường trong thực hành lâm sàng mà việc lựa chọn phương thức điều trị thuộc về người điều trị.
  • Một bước tiến lớn trong hướng phát triển vận động tập chi trên trên hệ thống robot là mô tả các chiến lược kiểm soát và hỗ trợ khác nhau đối với luyện tập với hệ thống robot như kết hợp tập phục hồi chức năng chi trên và chi dưới, sử dụng bộ điều chỉnh kiểm soát trợ giúp có kháng trở, đối trọng lực, dựa trên điện cơ đồ…

II. CHỈ ĐỊNH

Phục hồi vận động, rối loạn vận động, liệt chi trên do:

  • Tai biến mạch máu não.
  • Bại não.
  • Chấn thương sọ não.
  • Tổn thương tủy sống cổ.
  • Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.
  • Thoái hóa khớp.
  • Teo, yếu cơ.
  • Parkinson.
  • Xơ cứng rải rác.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Co cứng khớp.
  • Gãy xương không liền, chưa ổn định.
  • Loãng xương nặng.
  • Viêm tủy xương.
  • Rối loạn vận mạch chi trên.
  • Có tổn thương da chi trên.
  • Bệnh lý tim mạch chưa ổn định.
  • Rối loạn nhận thức, không hợp tác.
  • Cần phải bất động.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng được đào tạo sử dụng máy.

2. Phương tiện

  • Hệ thống robot đặt trong phòng riêng, hệ thống điện nguồn riêng.
  • Phụ kiện: hệ thống các đai buộc, ghế ngồi, kết nối máy tính.
  • Giường nằm và phương tiện cấp cứu tạm thời.
  • Huyết áp kế, ống nghe.

3. Người bệnh

  • Giải thích, hướng dẫn.
  • Mặc áo có tay dài để tránh xây xát da.
  • Đo huyết áp, mạch, áo dài tay.

4. Hồ sơ bệnh án

  • Kiểm tra bệnh án.
  • Tìm hiểu phiếu chỉ định phục hồi chức năng.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  • Kiểm tra chỉ định, các thông số, kiểm tra người bệnh.
  • Đưa người bệnh vào hệ thống máy, cố định các đai.
  • Khởi động máy cùng kết nối máy tính, đặt các thông số theo chỉ định.
  • Ấn nút “bắt đầu” quy trình.
  • Kết thúc quy trình.
    • Hết thời gian: dừng máy, tháo các đai, đưa người bệnh ra khỏi hệ thống robot.
    • Thăm hỏi người bệnh, kiểm tra vùng buộc đai, dặn dò.
    • Tắt điện điện nguồn.
    • Vệ sinh phần máy có tiếp xúc với người bệnh bằng khăn ẩm, che đậy máy, nếu cần.
  • Thời gian thực hiện một quy trình: 20 – 30 phút. 

VI. THEO DÕI

  • Hỏi và quan sát người bệnh trong quá trình phục hồi trên máy: dễ chịu, đau, mệt mỏi, choáng váng để có biện pháp xử trí kịp thời.
  • Máy vận hành ổn định hay trục trặc do điện nguồn, do chế độ sử dụng hay hỏng hóc.
  • Kiểm tra hoạt động máy tính.
  • Ghi chép hoặc kiểm tra lưu trữ trên máy tính.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Đau tại các điểm đè ép, trầy da vùng thắt đai:
    • Xử trí: dừng máy, kiểm tra chỗ xây xát và xử trí đệm gạc, xem lại các thông số kỹ thuật, điều chỉnh nếu cần. Tiếp tục khởi động lại nếu hết đau, tiếp tục điều trị.
  • Đau tức cơ khớp do quá căng.
    • Xử trí: dừng máy kiểm tra và điều chỉnh lại thông số cho phù hợp và tiếp tục điều trị.
  • Biểu hiện choáng váng, ngất xỉu: dừng máy, xử trí theo phác đồ.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này