Kỹ Thuật Tập Vận Động Bằng Thiết Bị Mô Phỏng Thực Tế Ảo (The Virtual Reality Training)

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU / Kỹ Thuật Tập Vận Động Bằng Thiết Bị Mô Phỏng Thực Tế Ảo (The Virtual Reality Training)

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Kỹ thuật tập phục hồi chức năng sử dụng hệ thống mô phỏng thực tế ảo là kỹ thuật sử dụng sự phối hợp giữa công nghệ máy tính, các cảm biến và phân tích video để tăng tốc độ phục hồi chức năng cho người bệnh, thông qua phản ứng đầy đủ và hoàn toàn với môi trường thực và ảo.
  • Kỹ thuật này được Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung tâm Y khoa Sheba – Israel  phát triển công nghệ mới trong phục hồi chức năng thần kinh, chấn thương chỉnh hình.
  • Đây là một trong những thiết bị mô phỏng thực tế ảo được sử dụng rộng rãi trong lâm sàng nhờ sử dụng công nghệ kích thích để cung cấp cho người bệnh những trải nghiệm về đứng, đi và chạy mà người bệnh sẽ phải đương đầu khi ra thế giới thực mà không cần phải trải nghiệm thực tiễn ở một địa điểm thực bên ngoài.
  • Hệ thống thiết bị tập phục hồi chức năng mô phỏng thực tế ảo bao gồm :
    • Phòng Phân tích vận động mô phỏng bằng máy tính (Computerized Motion
    • Analysis Laboratory).
    • Phòng vận động trị liệu mô phỏng (Isokinetic Laboratory).
    • Môi trường phục hồi chức năng bằng điện toán hỗ trợ – Computer Assisted Rehabilitation Environment (CAREN).
    • Thiết bị sử dụng một công nghệ tiên tiến(Môi trường phục hồi chức năng điện toán hỗ trợ là một hệ thống xuyên đa cảm biến để chẩn đoán, can thiệp phục hồi chức năng, lượng giá, phục hồi kiểm soát vận động và thăng bằng của người. Hệ thống này có thể sáng tạo ra nhiều trải nghiệm khác nhau trong môi trường có thể được kiểm soát và được lặp lại bằng cách sử dụng nhiều nguyên lý thực tế ảo cho người bệnh. CAREN là một hệ thống kết hợp giữa một băng tải vận động (cho phép sờ và cảm nhận được các mặt phẳng mà người bệnh đang đứng), một máy chiếu màn hình video lớn ba chiều, một hệ thống chụp được các cử động ở các thời điểm và một trạm phân tích bằng đồ thị.
    • Một hệ thống máy tính cấu hình mạnh hướng dẫn băng tải vận động. Các cử động của băng tải được thực hiện một cách đồng bộ với hình ảnh ba chiều trên màn hình video đặt trước mặt người bệnh. Thông qua các cảm biến vận động, hệ thống điều khiển và kiểm soát các cử động của người bệnh. Vì vậy bằng việc sử dụng hệ thống chụp cử động các thời điểm, máy tính sẽ phân tích và trả lời kết quả cử động của người bệnh.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh có rối loạn vận động như Parkinson, sau tai biến mạch não, xơ cứng rải rác.
  • Người bệnh bị đoạn chi: cải thiện sự phù hợp của chân tay giả hay dụng cụ chỉnh hình, khả năng thăng bằng, dáng đi và các cử động tinh tế cũng như các hoạt động thể thao, sáng tạo.
  • Người bệnh chấn thương tủy sống (liệt hai chân hay liệt tứ chi): cải thiện khả năng di chuyển trong các môi trường khác nhau, khả năng thăng bằng (trong xe lăn hay khi đứng) và dáng đi.
  • Rối loạn tiền đình:điều trị những người bị ám ảnh với thang máy,độ cao,máy bay, cầu thang cũng như các rối loạn căng thẳng sau chấn thương (trải nghiệm hồi tưởng chấn thương trong một môi trường an toàn và có kiểm soát).

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Rối loạn hành vi, nhân cách, khó khăn về nhìn.
  • Người bệnh không hợp tác.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện kỹ thuật

  • Bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng được đào tạo sử dụng máy, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu.

2. Phương tiện

  • Hệ thống mô phỏng thực tế ảo với hệ thống điện nguồn riêng.
  • Phụ kiện: hệ thống các đai buộc, ghế ngồi, kết nối máy tính.
  • Giường nằm và phương tiện cấp cứu tạm thời.
  • Huyết áp kế, ống nghe.

3. Chuẩn bị người bệnh

  • Giải thích, hướng dẫn.
  • Đo huyết áp, mạch, áo dài tay.

4. Hồ sơ bệnh án

  • Kiểm tra bệnh án.
  • Tìm hiểu phiếu chỉ định phục hồi chức năng.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

  • Đưa người bệnh vào hệ thống.
  • Khởi động máy cùng kết nối máy tính. Đặt các thông số theo chỉ định.
  • Ấn nút bắt đầu quy trình.
  • Kết thúc quy trình.
    • Hết thời gian: dừng máy, tháo các đai, đưa người bệnh ra khỏi hệ thống. Thăm hỏi người bệnh, kiểm tra vùng buộc đai, dặn dò.
    • Tắt điện điện nguồn.
  • Thời gian thực hiện quy trình 20-30 phút/ngày. Liệu trình thực hiện nhiều ngày cho đến khi đạt mục tiêu.
  • VI. THEO DÕI
  • Hỏi và quan sát người bệnh trong quá trình phục hồi trên máy: dễ chịu, đau, mệt mỏi, choáng váng để có biện pháp xử trí kịp thời.
  • Máy vận hành ổn định hay trục trặc do điện nguồn, do chế độ sử dụng hay hỏng hóc.
  • Kiểm tra hoạt động máy tính.
  • Ghi chép hoặc kiểm tra lưu trữ trên máy tính.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Không có.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này