I. ĐẠI CƯƠNG
- Khớp gối có 5 hệ thống dây chằng nhưng do động tác chính của khớp là gập và duỗi cẳng chân nên hệ thống dây chằng bên rất chắc chắn và gồm hai dây chằng:
- Dây chằng bên chày (dây chằng bên trong) đi tử củ bên lồi cầu trong xương đùi xuống dưới ra trước đến bám vào mặt trong đầu trên xương chày.
- Dây chằng bên mác (dây chằng bên ngoài) đi từ củ bên lồi cầu ngoài xương đùi xuống dưới ra sau tới bám vào chỏm xương mác.
- Chấn thương ở dây chằng hai bên gối thường là do va đập trực tiếp vào đầu gối hoặc chấn thương xoắn. Chấn thương này có thể xảy ra độc lập hoặc cùng lúc với chấn thương dây chằng trước và sau đầu gối.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
- Hỏi xem bệnh nhân có tiền sử bị chấn thương đụng dập trực tiếp hay không, bệnh nhân có chơi các môn thể thao như chơi cầu lông, bóng bàn, bóng đá, tennis, chạy bộ…
- Bệnh nhân có cảm nhận thấy những tiếng khác thường trong gối hay không ?
1.2. Khám lâm sàng
- Các triệu chứng lâm sàng và qua hỏi bệnh làm cơ sở chính để giúp cho chẩn đoán bệnh.
- Những triệu chứng chủ yếu bao gồm đau và sưng tại vùng chấn thương và đầu gối có thể mất vững khớp gối.
- Bệnh nhân đi lai khó khăn, gập duỗi khớp gối thực hiện được nhưng khi thực hiện các động tác nghiêng trong, nghiêng ngoài bàn chân người bệnh đau tăng và thấy lỏng lẻo khớp gối.
1.3. Các xét nghiệm cận lâm sàng:
- Thường không có thay đổi rõ rệt.
2. Chẩn đoán xác định
Dựa vào triệu chứng lâm sàng đã khám.
- Tiền sử đụng dập, chấn thương khớp gối các mức độ khác nhau.
- Đau, sưng nề khớp gôi.
- Lỏng lẻo khớp gối
Chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối sẽ cho chẩn đoán xác định.
3. Chẩn đoán phân biệt
Dựa vào kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) khớp gối
- Cần chẩn đoán phân biệt với các chấn thương nhóm dây chằng trước và sau khớp gối
- Chẩn đoán phân biệt với các chấn thương dây chằng chéo trước và dây chằng chéo sau
- Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là mất vững khớp gối khi gập hoặc duỗi khớp gối.
4. Chẩn đoán nguyên nhân.
Cần chẩn đoán phân biệt với những tổn thương khớp gối có gẫy xương hoặc có tổn thương sụn chêm.
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng
Tiến hành phục hồi chức năng sớm để tăng cường sức cơ và tăng cường chức năng hoạt động của khớp gối.
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
- Ngay sau khi bị chấn thương cần phải được nghỉ ngơi, làm giảm sưng và đau cho bệnh nhân bằng các phương pháp: băng ép và chườm lạnh sớm có thể làm giảm sưng nề trong 48 giờ đầu. Sau 48 giờ có thể chườm nóng tại vùng chấn thương.
- Thực hiện sớm ngay sau bị tổn thương dây chằng bên khớp gối bằng các phương thức vật lý trị liệu. Nhiệt lạnh được sử dụng ngay khi bị tổn thương và cố định để giữ vững khớp gối.
- Ở giai đoạn sau sử dụng nhiệt nóng để tăng cường dinh dưỡng tuần hoàn tại chỗ, giúp phục hồi tính đàn hồi của dây chằng.
- Một số phương thức vật lý trị liệu được áp dụng để điều trị cho bệnh nhân: sóng ngắn, điện phân dẫn thuốc.
- Mọi sự di chuyển đều cần phải sử dụng nạng để hỗ trợ cho đầu gối.
3. Các điều trị khác
- Thuốc: Dùng thuốc giảm đau là rất quan trọng ngay sau bị chấn thương khớp gối. Các thuốc chủ yếu là nhóm giảm đau Nonsteroid.
- Khi có tổn thương hoàn toàn một bên hay cả hai bên dây chằng bên, cần phải được phẫu thuật chỉnh hình tái tạo lại dây chằng bên khớp gối, tùy mức độ nặng nhẹ mà dùng nẹp cố định, bó bột, phẫu thuật…
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
- Theo dõi tiến triển hàng ngày kể từ lúc bị chấn thương. Kiểm soát đau và độ vững của khớp gối.
- Đặc biệt nếu phải phẫu thuật tạo hình lại dây chằng bên phải đặc biệt quan tâm đến hoạt động gấp duỗi và độ lỏng lẻo của khớp gối.
- Theo dõi và tái khám hàng tháng theo hẹn.
Theo “Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Chuyên Ngành Phục Hồi Chức Năng”, BYT, 2014.