I. ĐẠI CƯƠNG
Viêm phế quản mãn là tình trạng tăng tiết dịch nhầy của niêm mạc phế quản gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt (khoảng 3 tuần) ít nhất 3 tháng trong một năm và ít nhất 2 năm liền.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
Viêm phế quản mãn tính là bệnh của người lớn tuổi (trên dưới 50 tuổi); phần lớn là nam giới có nghiện thuốc lá, thuốc lào. Khó biết bệnh bắt đầu từ lúc nào. Khi bệnh đã rõ thì có những triệu chứng chính:
- Ho và khạc đờm: Thường vào buổi sáng như rửa phế quản, đờm có thể nhầy, trong, dính hoặc màu xanh, vàng đục như mủ. Lượng đờm trong 24 giờ khoảng 200 ml, mỗi đợt ho và khạc đờm kéo dài khoảng 3 tuần nhất là những tháng mùa đông, đầu mùa thu.
- Đợt cấp thỉnh thoảng nặng lên, trong đợt cấp có những triệu chứng chính như: Ho, khạc đờm có mủ, khó thở như hen, có thể có biểu hiện nhiễm khuẩn nhưng thường kín đáo.
1.2. Khám lâm sàng:
Trong đợt cấp nghe phổi có ran rít, ran ngáy và ran ẩm, rì rào phế nang giảm.
1.3. Chỉ định xét nghiệm
- Xét nghiệm máu thường qui
- Xét nghiệm đờm
- Thăm dò chức năng hô hấp
- Chụp XQuang thường quy
2. Chẩn đoán xác định:
Dựa vào
- Hỏi bệnh: Gặp ở nam giới có nghiện thuốc lá, thuốc lào, ho và khạc đờm thường về buổi sáng, từng đợt khoảng 3 tuần, mỗi năm 3 tháng và ít nhất 2 năm liền.
- Có từng đợt kịch phát.
- XQuang: Rốn phổi 2 bên đậm
3. Chẩn đoán nguyên nhân
- Thuốc lá, thuốc lào: hút nhiều điếu trong ngày, nhiều năm
- Nghề nghiệp: Công nhân thợ mỏ than, mỏ đá…và những nghề tiếp xúc với nhiều bụi vô cơ và hữu cơ.
- Các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
- Phát hiện di truyền và cơ địa dị ứng.
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
Dẫn lưu tư thế, xoa bóp, vỗ rung lồng ngực, kháng sinh, vitamin nâng cao thể trạng, có triệu chứng suy hô hấp co thắt phế quản cho thở oxy, thuốc giãn phế quản.
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
- Dẫn lưu tư thế:
- Mục đích: Phòng tích tụ các chất tiết đờm rãi và dẫn lưu các dịch đờm bị ứ ra ngoài.
- Tập thở:
- Mục đích: Làm tăng thông khí phổi
- Kỹ thuật vỗ lồng ngực:
- Mục đích: Kỹ thuật gõ áp dụng trên thành ngực ở vị trí tương ứng với các phân thuỳ phổi có chỉ định dẫn lưu. Mục đích của kỹ thuật là làm rung cơ học và làm long đờm ứ đọng. Gõ sẽ tạo nên sang cơ học tác động qua thành ngực chuyển vào phổi.
- Kỹ thuật rung lồng ngực:
- Mục đích: Kỹ thuật rung lồng ngực được tiến hành sau khi gõ xong hoặc xen kẽ trong thời gian dẫn lưu tư thế hoặc xen kẽ với gõ. Rung có tính chất cơ học làm long đờm và đờm di chuyển vào phế quản rộng lưu và thoát ra ngoài.
3. Các điều trị hỗ trợ khác
Thuốc: điều trị theo phác đồ
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
- Các chỉ số cần theo dõi:
- Chỉ số sinh tồn: (M, To, HA)
- Nhịp thở
- Theo dõi dịch đờm: Số lượng, màu sắc, mật độ.
- Thời gian khám lại
Theo “Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Chuyên Ngành Phục Hồi Chức Năng”, BYT, 2014.