Kỹ thuật kéo giãn cho trẻ em bị vẹo cổ do xơ cơ ức đòn chũm

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU / Kỹ thuật kéo giãn cho trẻ em bị vẹo cổ do xơ cơ ức đòn chũm

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm là tình trạng cơ ức đòn chũm bị xơ hoá, co rút dẫn đến tư thế đầu nghiêng về bên có khối u cơ và mặt xoay về phía đối diện.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Áp dụng cho trẻ em sau sinh bị vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm (UĐC).
  • Thời điểm điều trị: ngay khi phát hiện khối u trên cơ ức đòn chũm.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Khối u cơ ức đòn chũm đang sưng, nóng và đau.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ phục hồi chức năng, cử nhân hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

2. Phương tiện

Bàn tập có nệm, ghế ngồi, đồ chơi có âm thanh êm nhẹ và có màu sắc.

3. Bệnh nhi

Mặc áo gọn gàng và bộc lộ rõ vùng cổ vai.

4. Hồ sơ bệnh án

Hỏi bệnh:

  • Tiền căn sản khoa: sinh ngôi mông, sinh khó, sinh hút, cân nặng lúc sinh, sinh

đủ tháng hay thiếu tháng.

  • Thời điểm phát hiện khối u trên cơ ức đòn chũm.

Khám lâm sàng:

  • Tư thế của đầu khi nằm ngửa hoặc khi ngồi.
  • Tầm vận động cột sống cổ: đo tầm độ giới hạn.
  • Tình trạng cơ UĐC và cơ thang trên: mềm hay co thắt, co rút.
  • Khối u trên cơ UĐC: mềm hay cứng, xác định kích thước khối u qua kết quả siêu âm.
  • Hình thể sọ mặt: lép hoặc biến dạng. Mắt và chức năng thị giác.
  • Cột sống.
  • Các bệnh và tật khác.
Cận lâm sàng:
  • Siêu âm cơ UĐC khi cần chẩn đoán phân biệt.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Kỹ thuật kéo giãn và hình ảnh sau đây chỉ minh họa cho trường hợp vẹo cổ do u cơ UĐC bên phải

1. Tư thế người bệnh: 

  • Nằm ngửa, thân mình bên trái của trẻ nằm dọc theo một bên của cạnh bàn. Trẻ thoái mái, không khóc.

2. Tư thế người điều trị: 

  • Ngồi ghế cạnh bàn, phía dưới chân của trẻ để có thể nhìn đối diện với mặt của trẻ.

3. Thực hiện kỹ thuật kéo giãn cơ UĐC bên phải bằng cử động nghiêng cột sống cổ qua trái.

  • Tay cố định:tay trái người điều trị cố định dai vai bên phải của trẻ(hình minh họa), để giữ đai vai bên phải không di chuyển trong khi thực hiện động tác kéo giãn nghiêng cột sống cổ qua trái.
  • Tay di động: tay phải người điều trị nâng đỡ toàn bộ phía sau đầu trẻ. Tay di động của người điều trị kéo giãn từ từ đầu trẻ nghiêng sang trái. Lưu ý giữ cho mặt trẻ không bị xoay trong suốt động tác kéo giãn.
  • Khi cảm nhận sự kháng cản trong lúc thực hiện do giới hạn của chiều dài cơ ức đòn chũm, giữ lại ở tầm vận động giới hạn này khoảng 30 – 60 giây/lần, tùy theo khả năng chịu đựng được của trẻ. Tăng tiến tầm vận động nghiêng cổ này sẽ được thực hiện từ từ qua mỗi buổi tập, cho đến khi đạt được tầm vận động bình thường.
  • Lặp lại kỹ thuật từ 5 – 15 lần/buổi tập.

4. Thực hiện kỹ thuật kéo giãn cơ UĐC bên phải bằng cử động xoay cột sống cổ qua phải.

  • Tay cố định: tay trái người điều trị cố định xương bả vai bên phải của trẻ với 4 ngón tay ở sau và ngón cái đặt dọc theo hàm dưới của trẻ (hình minh họa), để giữ xương bả vai không di chuyển ra sau trong khi thực hiện động tác kéo giãn xoay cột sống qua phải.
  • Tay di động: tay phải người điều trị nâng đỡ toàn bộ phía sau đầu trẻ với 4 ngón tay đặt ở một bên của phần xương sọ và ngón cái đặt bên đối diện. Tay di động của người điều trị kéo giãn từ từ cho mặt trẻ xoay sang phải.
  • Khi cảm nhận sự kháng cản trong lúc thực hiện giới hạn của chiều dài cơ ức đòn chũm, giữ lại ở tầm vận động giới hạn này khoảng 30 – 60 giây/lần, tùy theo khả năng chịu đựng được của trẻ. Tăng tiến tầm vận động xoay cổ này sẽ được thực hiện từ từ qua mỗi buổi tập, cho đến khi đạt được tầm vận động bình thường.
  • Lặp lại kỹ thuật từ 5 – 15 lần/buổi tập.

VI. THEO DÕI

  • Trong 3 tháng đầu, tập 2 lần/tuần tại bệnh viện. Sau đó tái khám mỗi tháng.
  • Tiêu chuẩn ngưng điều trị: đầu ở vị thế thẳng, tầm vận động cột sống cổ chủ động không bị giới hạn, không còn khối u cơ UĐC.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Không được xoa trên khối u cơ UĐC vì làm khối u sưng thêm.
  • Tránh kéo giãn cột sống cổ thái quá vì có nguy cơ gây liệt đám rối thần kinh cánh tay.
  • Đối với những khối quá to,nên kéo giãn chậm,nhẹ nhàng để tránh trẻ bị ho, sặc hoặc tím tái.
Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Bạn không thể copy nội dung ở trang này