I. ĐẠI CƯƠNG
- Kỹ thuật tập sức bền là một trong những phương pháp được áp dụng trong phục hồi chức năng tim mạch và hô hấp cũng như tập luyện cho người bệnh sau giai đoạn điều trị bệnh cấp để tái rèn luyện sức bền đảm bảo chức năng sinh hoạt hàng ngày. Trong một số các bệnh tật có nguy cơ cao nếu như người bệnh không được lượng giá, chỉ định và thực hiện đúng sẽ có thể dẫn tới các biến chứng thậm chí có thể tử vong, nhồi máu cơ tim khi tập luyện.
II. CHỈ ĐỊNH
- Người bệnh mắc bệnh động mạch vành (cơn đau thắt ngực ổn định, nhồi máu cơ tim sau đặt Stent, mổ bắc cầu nối, người bệnh suy tim, suy tim từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 3).
- Hẹp tắc động mạch chi dưới: hẹp tắc không triệu chứng với chỉ số áp lực tâm thu < 0,9; cơn đau cách hồi, hoặc sau phẫu thuật hoặc tái thông mạch.
- Người bệnh béo phì, thừa cân, rối loạn chuyển hóa lipid.
- Dự phòng cấp II bệnh lý tim mạch: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não.
- Bệnh phổi mạn tính: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản, sau phẫu thuật lồng ngực, viêm phổi kẽ, tràn dịch màng phổi…
III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Hội chứng mạch vành cấp chưa kiểm soát được, cơn đau thắt ngực không ổn định, sau nhồi máu cơ tim trong vòng 1 tháng.
- Nhịp tim > 120ck/phút, hoặc huyết áp tối đa > 180mmHg hoặc huyết áp tối thiểu > 100mmHg.
- Suy tim mất bù.
- Rối loạn nhịp thất, rối loạn nhịp tim không kiểm soát được.
- Có huyết khối trong buồng tim, nguy cơ lấp mạch.
- Tràn dịch màng ngoài tim mức độ trung bình và nặng.
- Cản trở tống máu của thất trái.
- Các bệnh toàn thân (nhiễm trùng, viêm tiến triển, tiểu đường, suy thận mất bù).
- Tăng áp lực động mạch phổi nặng.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhóm D, mMRC4.
- Các bệnh lý nội khoa cấp chưa kiểm soát được như suy tim mất bù, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, chóng mặt cấp.
IV. CHUẨN BỊ
1. Người thực hiện
- Bác sĩ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng, điều dưỡng và luôn có nhóm bác sĩ cấp cứu sẵn sàng khi cần.
2. Trang thiết bị
- Máy tập sức bền: máy Treadmill, xe đạp lực kế.
- Huyết áp kế.
- Máy điện tim, hệ thống Oxy trung tâm.
- Máy Shock điện, các thuốc cấp cứu tim mạch: hạ áp, chống loạn nhịp (xylocain, cordarone, Nitroglycerin…).
- Bảng điểm Borg.
3. Người bệnh
Khám đánh giá ban đầu về thăm dò tim mạch là bắt buộc đối với bệnh lý động mạch vành và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính để đánh giá mức độ tổn thương tim mạch và nguy cơ biến chứng, để theo dõi điều trị và tối ưu hóa điều trị cho người bệnh.
Các nội dung đánh giá:
- Huyết áp, nhịp tim khi nghỉ.
- Đo huyết áp, ghi Holter huyết áp 24 giờ.
- Ghi điện tâm đồ, Holter điện tâm đồ 24 giờ đối với người bệnh mắc bệnh động mạch vành.
- Siêu âm tim.
- Điện tâm đồ gắng sức hoặc đo mức độ tiêu thụ Oxy tối đa hoặc bán tối đa.
4. Tính toán cường độ tập
- Dựa vào kết quả điện tâm đồ gắng sức hoặc mức độ tiêu thụ Oxy tối đa/ mức độ Oxy bán tối đa để xác định cường độ tập, tập mức cường độ trung bình.
- Để đảm bảo nhịp tim khi tập đạt trong khoảng (Nhịp tim khi tập).
= 40% đến 60% NT tối đa
- Hoặc cường độ tập theo phương pháp Karvonen
Nhịp tim khi tập = (NT tối đa – NT) x k + NT nghỉ
- Cường độ đích từ 40 đến 60%, k 04 – 0,6.
- NT tối đa: nhịp tim tối đa; NT nghỉ: nhịp tim khi nghỉ ngơi.
- Tính cường độ tập dựa theo kết quả đo mức độ tiêu thụ Oxy tối đa hoặc bán tối đa: dựa theo mức độ tiêu thụ Oxy tối đa (VO2 max) tính được nhịp tim tối đa.
Ký cam kết thực hiện thủ thuật: người bệnh và người nhà được giải thích lợi ích của phương pháp tập, nguy cơ trong khi tập.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Bước 1
- Khởi động: thời gian từ 5 đến 10 phút : áp dụng các bài tập kéo giãn chủ động các nhóm cơ chi dưới, chi trên và thân mình.
Bước 2
- Cài đặt các thông số vào máy: tốc độ bước nếu tập trên thảm lăn (Treadmill), lực cản nếu tập với xe đạp lực kế. Chọn tập với cường độ không đổi hoặc tập với cường độ ngắt quãng.
- Đo nhịp tim, huyết áp, SpO2.
- Hướng người bệnh vào máy tập.
Bước 3
- Thực hiện bài tập sức bền đi trên thảm lăn hay đạp xe đạp lực kế.
- Thời gian tập từ 15 – 30 phút tùy theo tình trạng người bệnh.
Bước 4
- Giảm cường độ: sau khi hoàn thành phần tập chính từ 15 – 40 phút, kỹ thuật viên giảm cường độ (tốc độ bước, giảm lực cản) để nhịp tim giảm dần về trạng thái nghỉ.
- Thời gian 5 phút.
Bước 5
- Thư giãn: thời gian 5 phút với các bài tập kéo giãn, thư giãn.
Thời gian tập: mỗi buổi tập chính kéo dài trung bình 15 – 30 phút, 5 buổi/tuần.
Tổng số buổi tập tại bệnh viện là 20 buổi sau đó duy trì tập tại nhà hoặc tại câu lạc bộ.
VI. THEO DÕI
- Nhịp tim, huyết áp, SpO2 trước và sau tập.
- Theo dõi cường độ tập dựa vào thang điểm Borg , nhịp tim hiển thị.
- Các dấu hiệu: mệt, chóng mặt, khó thở, đau tức ngực.
VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ
- Cho người bệnh ngừng tập nếu người bệnh yêu cầu ngừng vì mệt,người bệnh đau tức ngực, chóng mặt, ngất xỉu và báo bác sĩ để khám và xử trí tùy theo từng trường hợp.
- Nếu đau tức ngực: xịt Nitroglycerin xịt: 2 xịt dưới lưỡi, để người bệnh nằm nghỉ ngơi, thở Oxy, ghi điện tâm đồ, theo dõi huyết áp và báo bác sĩ.
- Loạn nhịp: báo bác sĩ trong nhóm phục hồi để xử trí kịp thời.
- Ngừng tim: tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn, liên hệ nhóm cấp cứu.
Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)