Nghiệm Pháp Đo Thời Gian Đứng Dậy Và Đi

XEM THÊM: Thử nghiệm Đứng dậy và đi có tính giờ (Timed Up and Go Test)

I. ĐẠI CƯƠNG

Mục đích: nghiệm pháp này nhằm lượng giá khả năng di chuyển, thăng bằng, khả năng đi bộ và nguy cơ bị ngã ở người cao tuổi.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Người cao tuổi.
  • Bệnh lý thần kinh.
  • Bệnh lý cơ xương khớp.
  • Nguy cơ ngã ở người cao tuổi…

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh rối loạn ý thức.
  • Người bệnh không hợp tác.
  • Đang có bệnh lý nội khoa cấp tính, không thể đi lại được, đang bệnh cấp chưa kiểm soát được như: đau thắt ngực chưa kiểm soát được, chóng mặt cấp…

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

  • Bác sĩ PHCN, kỹ thuật viên PHCN, điều dưỡng đã được đào tạo kỹ thuật.

2. Phương tiện

  • Ghế có tay vịn có chiều cao 50 – 60 cm, đồng hồ bấm giây.
  • Địa điểm đánh giá có chiều dài 3m được đánh dấu vạch mầu: 1 đầu để ghế để cho người bệnh ngồi, đầu kia là cột mốc đánh dấu.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

Bước 1. Kiểm tra

  • Hồ sơ.
  • Kiểm tra người bệnh và giải thích mục đích và cách thực hiện. 

Bước 2. Đưa người bệnh vào ghế

  • Người bệnh ngồi trên ghế có tay vịn, mông đặt ở phía sau của ghế. Ghế phải thật vững. Người bệnh được sử dụng tay vịn khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng và ngược lại.

Bước 3: kỹ thuật viên làm mẫu và hướng dẫn cách thực hiện cho người bệnh. 

Khi bạn nói ĐI, người bệnh sẽ đứng lên, đi bộ trên sàn nhà đến vạch đánh dấu, rồi quay lại và đi về phía ghế ngồi rồi ngồi xuống”. Người bệnh đi bộ với tốc độ và sải bước chân bình thường của họ. Người bệnh vẫn sử dụng giày và dụng cụ trợ giúp di chuyển hàng ngày của họ khi tham gia làm nghiệm pháp, nhưng không người nào được hỗ trợ người bệnh, người bệnh có thể dừng lại và nghỉ ngơi (nhưng không được ngồi xuống) nếu họ cần.

Bước 4: ra hiệu lệnh bắt đầu

Thời gian tính từ lúc bạn nói “ĐI” và kết thúc khi người bệnh ngồi lại một cách

chính xác vào ghế với lưng tựa vào thành sau ghế. 

Bước 5: tính kết quả

Bình thường, người cao tuổi khỏe mạnh thường hoàn thành nhiệm vụ trên trong khoảng thời gian ≤ 10 giây. Người già yếu, hoặc bị bệnh như Parkinson, tai biến mạch não, thoái hóa khớp gối… khả năng di chuyển kém có thể mất đến 2 phút hoặc nhiều hơn.

Có thể thực hiện nghiệm pháp này nhiều lần vào những ngày tiếp theo để theo dõi người bệnh.

* Thời gian test 30 phút.

VI. THEO DÕI

Người thực hiện theo dõi sát người bệnh trong quá trình thực hiện nghiệm pháp, đi cạnh người bệnh để hướng dẫn người bệnh và đề phòng ngã.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Rất hiếm xảy ra.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này