1. ĐẠI CƯƠNG
Định nghĩa
Rối loạn tính lưu loát là tình trạng rối loạn lời nói đặc trưng bởi tốc độ, nhịp độ bất thường và các biểu hiện mất lưu loát như lặp lại các âm, từ, cụm từ, kéo dài âm, tắc nghẽn, và có thể đi kèm với sự căng thẳng mức độ cao, tránh né nói chuyện, các hành vi biểu hiện sự cố gắng quá mức và các hành vi thứ phát.
Người có rối loạn tính lưu loát chịu ảnh hưởng không chỉ về khả năng giao tiếp mà còn có tâm lý, cảm xúc, xã hội, chất lượng cuộc sống. Việc lượng giá đầy đủ các biểu hiện và ảnh hưởng của rối loạn tính lưu loát giúp đưa ra chẩn đoán, chương trình can thiệp và theo dõi sự tiến bộ của người bệnh phù hợp cho từng cá nhân.
Phân loại
Lượng giá tính lưu loát lời nói bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau:
– Lượng giá mẫu lời nói:
+ Mô tả đặc điểm lời nói
+ Đo tốc độ lời nói
+ Các thang điểm đo lường mức độ nghiêm trọng và mức độ tự nhiên của lời nói
+ Tính tỉ lệ phần trăm âm tiết lắp so với tổng âm tiết được nói ra.
– Lượng giá ảnh hưởng của rối loạn tính lưu loát
– Đối với thanh thiếu niên và người lớn, một số bảng hỏi được sử dụng như: Thang đo những suy nghĩ và niềm tin vô ích về nói lắp (UTBAS-6), thang đo nỗi sợ đánh giá tiêu cực (BFNE), mức độ lo lắng trong các tình huống nói khác nhau (SUDS).
– Đối với trẻ em: quan sát trẻ, thảo luận với phụ huynh, thông tin từ giáo viên về các khó khăn trong việc tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, tương tác với bạn bè.
2. CHỈ ĐỊNH
Người có rối loạn tính lưu loát lời nói ở tất cả các độ tuổi khác nhau:
- Các trường hợp nói lắp, nói không lưu loát không rõ nguyên nhân, xuất hiện từ tuổi nhỏ hoặc khi trưởng thành.
- Sau tổn thương thần kinh: tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, bệnh lý thoái hóa thần kinh…
- Sau chấn thương tâm lý…
3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định tuyệt đối
Việc phục hồi chức năng sẽ không đạt kết quả tốt nếu người bệnh không đủ tỉnh táo hoặc không hợp tác tham gia vào buổi trị liệu.
4. THẬN TRỌNG
– Không có
5. CHUẨN BỊ
5.1. Người thực hiện
a) Nhân lực trực tiếp
– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng
– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng
b) Nhân lực hỗ trợ
Không có
5.2. Thuốc: không có
5.3. Vật tư
– Găng tay
– Mũ giấy
– Khẩu trang y tế
– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
– Khăn lau tay
– Các thang điểm: Thang đo mức độ nghiêm trọng của nói lắp, thang đo mức độ tự nhiên của lời nói, thang đo những suy nghĩ và niềm tin vô ích về nói lắp (UTBAS-6), thang đo nỗi sợ đánh giá tiêu cực (BFNE), mức độ lo lắng trong các tình huống nói khác nhau (SUDS).
– Bản in các từ/câu/đoạn văn được chuẩn bị trước
– Đồng hồ bấm giờ.
5.4. Trang thiết bị
– Máy ghi hình/thu âm.
5.5. Người bệnh
– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …
– Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi
– Kiểm tra và bộc lộ vùng da điều trị.
5.6. Hồ sơ bệnh án
Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.
5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ
5.8. Địa điểm thực hiện:
– Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.
5.9. Kiểm tra hồ sơ:
– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…
6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
Lượng giá chủ quan
Người bệnh hoặc cha mẹ của trẻ mô tả các biểu hiện của việc nói không lưu loát, bắt đầu từ khi nào, những tình huống hoặc yếu tố nào làm tăng hoặc giảm việc nói không lưu loát, mức độ ảnh hưởng đến giao tiếp, tâm lý, sự tham gia các hoạt động (tại trường, tại nơi làm việc…), đã can thiệp điều trị gì và kết quả như thế nào.
Chấm điểm độ nặng theo thang điểm 0 đến 9:
Lượng giá khách quan
Mô tả đặc điểm lời nói không lưu loát
– Kỹ thuật viên Ngôn ngữ trị liệu đánh giá qua quan sát trực tiếp khi nói chuyện với người bệnh, hoặc qua các mẫu quay video được thực hiện trước tại nhà. Yêu cầu video phải quan sát thấy phần đầu mặt và thân người để đánh giá các cử động phụ.
– Mô tả đặc điểm rối loạn tính lưu loát bao gồm 1 hoặc nhiều các biểu hiện như:
+ Lặp lại âm(hoặc một phần âm tiết):ví dụ “b b ba”
+ Lặp lại từ: ví dụ “con con con muốn”
+ Lặp lại cụm từ hoặc câu “ con muốn, con muốn, con muốn… ăn kẹo”
+ Tắc nghẽn không nghe tiếng (không có luồng hơi). Người nghe có thể quan sát thấy cử động gắng sức tạo âm của người bệnh hoặc không thấy nên cần hỏi cảm nhận của người nói. Người bệnh cảm thấy từ muốn nói bị nghẽn lạ
+ Tắc nghẽn có nghe âm thanh (có luồng hơi): ví dụ “xxxxxin hỏi”
+ Hành vi phụ có lời:thêm đệm như ừ, à…
+ Hành vi phụ khônglời:rung giật cơ,nhắm mắt,cử động đầu,cử động vai…
Lấy mẫu lời nói
– Kỹ thuật viên Ngôn ngữ trị liệu sử dụng máy ghi hình/thu âm mẫu lời nói của người bệnh từ cuộc hội thoại về những chủ đề quen thuộc với người bệnh.
Phân tích mẫu lời nói
– Từ mẫu lời nói thu âm của người bệnh, kỹ thuật viên Ngôn ngữ trị liệu phiên âm mẫu lời nói này. Sau đó phân tích mẫu lời nói này với các đo lường sau (lưu ý trong tiếng Việt 1 từ =1 âm tiết):
+ Đo tốc độ lời nói: Đếm tổng số âm tiết được nói ra và tính tổng thời gian (phút). Sau đó tính số lượng âm tiết nói ra trong 1 phút (SPM – syllables per minute) theo công thức:
+ SPM = Số âm tiết nói ra/Tổng thời gian (phút)
+ Tính % âm tiết bị lắp: đếm tổng số âm tiết được nói ra và số âm tiết lắp.Sau đó tính tỉ lệ phần trăm âm tiết lắp (% SS – stuttered syllables) theo công thức:
% SS = Số âm tiết lắp/Tổng số âm tiết x 100
+ Các thang điểm: người bệnh hoặc phụ huynh của trẻ tự đánh giá về nói lắp theo các thang đo mức độ nghiêm trọng của nói lắp, thang đo mức độ tự nhiên của lời nói
– Đối với người bệnh là người lớn, họ tự đánh giá theo các thang đo bằng tiếng Việt như thang đo những suy nghĩ và niềm tin vô ích về nói lắp (UTBAS-6), thang đo nỗi sợ đánh giá tiêu cực (BFNE), mức độ lo lắng trong các tình huống nói khác nhau (SUDS).
7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN
Chỉ theo dõi những biểu hiện của người bệnh trong quá trình lượng giá.
Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )