I. ĐẠI CƯƠNG
Một số khái niệm tổn thương mô mềm
- Bong gân: là tình trạng gân bị kéo giãn do vận động quá mạnh hoặc do chấn thương nhẹ tái phát, có thể gây rách gân
- Rách dây chằng: là các tổn thương làm rách hoặc đứt dây chằng khớp do nguyên nhân chấn thương
- Bán trật khớp: là tình trạng khớp bị trật một phần hoặc không hoàn toàn
- Trật khớp: là tình trạng khớp bị trật ra khỏi ổ khớp làm tổn thương viêm, co cứng cơ và mô mềm
- Đứt hoặc rách gân: đứt một phần gân khi có hiện tượng đau khi co cơ có kháng trở. Đứt hoàn toàn gân không còn hiện tượng đau khi co cơ hay kéo căng cơ
- Đứt hoặc rách cơ: là tình trạng đứt hoặc rách, đụng dập cơ do nguyên nhân chấn thương
- Viêm gân: là hiện tượng viêm gân và bao hoạt dịch phủ gân (sẹo hóa hoặc lắng đọng can xi ở gân)
- Viêm bao khớp: là hiện tượng viêm gây tăng tiết dịch, sưng tấy và đau tại chỗ
- Chảy máu trong khớp: thường do chấn thương khớp hoặc các bệnh máu
- Đụng dập mô mềm: là tình trạng mô mềm bị bầm tím tại chỗ, chảy máu, phù nề và gây phản ứng viêm tại chỗ
Các tổn thương mô mềm dẫn đến các rối loạn chức năng như: rối loạn chức năng của chi, rối loạn chức năng của khớp, co rút cơ, dính khớp, co thắt và cơ cứng cơ, yếu và teo cơ.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Các công việc của chẩn đoán
1.1. Hỏi bệnh
- Hỏi tiền sử chấn thương
- Thời gian bị bệnh, tính chất xuất hiện triệu chứng, diễn biến triệu chứng
- Phương pháp sơ cứu, điều trị đã áp dụng trước đó
1.2. Khám và lượng giá chức năng
- Giai đoạn cấp: từ 0-4 ngày sau chấn thương
- Viêm đau, phù nề, co cứng cơ
- Tràn dịch khớp
- Giảm chức năng vùng kế cận
- Giai đoạn bán cấp: từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 21
- Đau cuối tầm vận động
- Giảm phù nề
- Giảm tràn dịch
- Hình thành co rút cơ, mô mềm
- Giảm chức năng tại chỗ và vùng kế cận
- Giai đoạn mạn tính: sau 21 ngày
- Từ ngày thứ 21 đến hết đau là giai đoạn phục hồi chức năng
- Đau khi tác động đến tổ chức, sau khi chịu kháng trở
- Mô mềm, cơ, khớp bị dính, co rút và hạn chế tầm vận động
- Yếu cơ do tổn thương teo cơ
- Giảm chức năng vùng bị tổn thương
1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng
X-Quang, siêu âm, CT Scaner, MRI để chẩn đoán xác định, chẩn đoán phân biệt
2. Chẩn đoán xác định:
Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng
3. Chẩn đoán phân biệt:
- Gãy xương
- Tổn thương sụn khớp…
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị
Tiến hành sớm và tuỳ theo giai đoạn và tùy theo loại tổn thương
2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng
2.1. Giai đoạn cấp
- Chườm lạnh, băng ép, kê cao chi 24 giờ đầu
- Bất động (nghỉ ngơi, nẹp, băng, bột)
- Cử động lắc khớp nhẹ nhàng, không gây đau
- Vận động thụ động trong giới hạn không đau
- Xoa bóp nhẹ nhàng
- Chọc hút hoặc phẫu thuật nếu có tràn máu trong khớp
- Bảo vệ khớp bằng nẹp bột
- Vận động chủ động có trợ giúp hoặc không có đề kháng
- Sử dụng dụng cụ thích nghi hay trợ giúp
- Vận động chủ động theo tầm vận động
- Duy trì tầm vận động và hoạt động chức năng của các vùng kế cận
2.2. Giai đoạn bán cấp
- Luyện tập gia tăng, nếu đau tăng hơn sẽ giảm cường độ
- Bảo vệ mô đang lành bằng nẹp, tăng dần thời gian để chi vận động tự do
- Tăng từ tầm vận động thụ động đến chủ động, kiểm soát cường độ và thời gian tập
- Vận động các cấu trúc lân cận
- Co cơ đẳng trương, hay có kháng trở nhẹ
- Khi tầm vận động gia tăng, tập theo tầm vận động hoặc có kháng trở tăng dần Tập mạnh cơ tăng tiến, giảm dần dụng cụ trợ giúp
2.3. Giai đoạn mạn tính
- Chọn kỹ thuật kéo giãn phù hợp với tổ chức
- Mô mềm: kéo giãn thụ động kết hợp xoa bóp
- Khớp, bao khớp, dây chằng: vận động theo tầm vận động khớp
- Gân, cơ: kích thích giãn nghỉ, vật lý trị liệu
- Nếu bị hạn chế tầm vận động: tập đẳng trường
- Nếu tầm vận động bình thường: tập theo tầm vận động có kháng trở
- Dụng cụ trợ giúp tới khi tầm vận động đạt được chức năng, cơ lực độ 4 Tập chức năng ở điều kiện ngoại trú (đi cầu thang, đi bộ…)
- Tập mạnh cơ tăng tiến để đạt chức năng trước kia
3. Các điều trị khác
- Thuốc giảm đau giai đoạn cấp
- Thuốc giảm phù nề
- Thuốc giãn cơ
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
- Theo dõi phản ứng của người bệnh trong quá trình tập luyện: thái độ hợp tác, sự tiến bộ…
- Theo dõi tình trạng chung toàn thân
- Theo dõi và tái khám sau 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.
Theo “Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Chuyên Ngành Phục Hồi Chức Năng”, BYT, 2014.