Phục Hồi Chức Năng Thoái Hoá Cột Sống Cổ

I. ĐẠI CƯƠNG

Thoái hóa cột sống cổ là bệnh lý mạn tính tiến triển chậm, thường gặp ở người lớn tuổi hoặc liên quan đến tư thế vận động của cột sống cổ. Biểu hiện tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa sụn khớp đốt sống và thoái hóa đĩa đệm ở gian đốt sống. Có thể gặp hình ảnh thoái hóa ở toàn bộ bẩy đốt sống nhưng hay gặp nhất ở đoạn C6 – C7

II. CHẨN ĐOÁN

1. Các công việc của chẩn đoán

1.1. Hỏi bệnh

  • Bệnh nhân có đau không?
  • Đau tại chỗ hay đau lan lên đầu hoặc xuống vai?
  • Đau khi vận động, khi ngủ…
  • Có hạn chế vận động cột sống cổ, chóng mặt.
  • Có cảm giác tê bì kiến bò ở vai gáy dọc cánh tay, rối loạn giấc ngủ.

1.2. Khám và lượng giá chức năng

  • * Khám cột sống cổ:
    • Hình dáng có thể bình thường hoặc biến đổi
    • Cơ cạnh cột sống co cứng co rút, có điểm đau dọc hai bên cột sống, hai vai.
    • Hạn chế vận động cột sống cổ?
  • * Khám hội chứng rễ thần kinh cánh tay:
    • Đau tăng khi hắt hơi, khi ho.
    • Cảm giác tê bì kiến bò dọc cánh tay.
    • Yếu cơ hoặc teo cơ.
  • * Khám hội chứng động mạch đốt sống:
    • Nhức đầu vùng vùng chẩm, thái dương, trán, hố mắt
    • Chóng mặt ù tai, hoa mắt, đau ở một điểm nhất định ở đầu. 
  • * Hội chứng tủy cổ:
    • Dáng đi không vững, dị cảm chi trên hoặc nửa người, yếu hoặc liệt chi trên hoặc chi dưới.
    • Rối loạn vận động chi trên hoặc chi dưới, teo cơ, yếu cơ. 
    • Rối loạn cơ tròn.

1.3. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng

  • X-Quang cột sống cổ thường quy các tư thế thẳng, nghiêng, chếch 3⁄4 phải, trái: Các biểu hiện bất thường: Mất đường cong sinh lý, gai xương, mỏ xương, giảm chiều cao đốt sống đĩa đệm, đặc xương dưới sụn, hẹp lỗ liên hợp
  • Chụp cắt lớp vi tính: Có giá trị đánh giá rễ thần kinh, cấu trúc bên trong ống sống, những bất thường mà X-Quang thường không phát hiện được
  • Chụp MRI: Có hình ảnh giảm chiều cao đĩa đệm, chất lượng đĩa đệm, vị trí đĩa đệm. Thay đổi xương dưới sụn

2. Chẩn đoán phân biệt

  • Chấn thương vùng cột sống cổ gây tổn thương xương và đĩa đệm
  • Ung thư xương nguyên phát hoặc di căn, các bệnh lý tủy xương lành tính hoặc ác tính. U nội tủy, u thần kinh…
  • Bệnh lý của hệ động mạch nền.

III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ 

1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị 

  • Giảm đau, giảm co rút co cứng cơ.
  • Chống thoái hóa
  • Phục hồi tầm vận động cột sống cổ
  • Phục hồi các hoạt động chức năng hàng ngày
  • Phục hồi cơ, thần kinh vùng cánh tay.

2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

2.1. Điều trị bằng nhiệt vùng vai gáy: Có thể chọn một trong các phương pháp nhiệt sau: Hồng ngoại, đắp paraphin hoặc bùn khoáng, từ trường nhiệt

2.2. Điện phân dẫn thuốc chống viêm giảm đau như Natrisalicylat 3% 

2.3. Siêu âm hoặc siêu âm dẫn thuốc chống viêm giảm đau

2.4. Kéo giãn cột sống cổ

2.5. Tập luyện các bài tập theo tầm vận động cột sống cổ, vai tay. Điều chỉnh tư thế cột sống cổ khi làm việc, trong sinh hoạt để tránh gập hoặc quá ưỡn kéo dài. Các bài tập được thực hiện khi đang điều trị và sau điều trị

3. Các điều trị hỗ trợ khác

3.1. Thuốc

  • Dòng Acetaminophen (paracetamol) 500mg X 4 viên/ngày. Có thể kết hợp với codeine (Efferalgan codeine) hoặc tramadol (Ultracet) tuy nhiên chỉ nên dùng ngắn ngày
  • Dòng chống viêm giảm đau không steroid (NSAID): Dùng liều thấp, ngắn ngày. Cẩn trọng khi dùng cho bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa, tim mạch hoặc suy thận mạn. Có thể dùng đường uống hay đường bôi ngoài da.
  • Dòng chống thoái hóa sụn khớp (Glucosamine sulfate) 1500mg/ngày uống kéo dài
  • Dòng thuốc giãn cơ: Myonal viên 50mg hoặc Mydocalm 150 mg X 3 viên ngày chia 3 lần.

3.2. Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giữ ấm vùng cổ vai gáy nhất là vào mùa đông. Nghỉ ngơi tránh tư thế vận động đột ngột đối với cột sống cổ

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

  • Các chỉ số theo dõi: Tình trạng đau, vận động cột sống cổ, các bài tập vận động cột sống cổ, các hoạt động thực hiện chức năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Các xét nghiệm cơ bản như công thức máu, máu lắng, sinh hóa máu….X-Quang cột sống cổ, đo mật độ xương.
  • Tái khám 1 tháng/lần sau đợt điều trị đau cấp, sau đó 3 tháng/lần

Theo “Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Chuyên Ngành Phục Hồi Chức Năng”, BYT, 2014.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này