Phục Hồi Chức Năng Sau Điều Trị Ung Thư Vú

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Ung thư vú là bệnh hay gặp nhất trong ung thư ở phụ nữ, đứng thứ hai sau ung thư cổ tử cung và là bệnh gây tử vong cao nhất. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm sẽ đem lại hiệu quả cao. Utah, 2000-2004: Tỷ lệ Phụ nữ bị ung thư vú: 117.5/100,000 và chết: 23.2/100,000. Tại Việt Nam, Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội là những nơi có tỷ lệ ung thư vú cao nhất nước. Cứ 100.000 phụ nữ ở Hà Nội thì có 30 người ung thư vú, tại Tp.HCM là 20.
  • Nguyên nhân của ung thư vú chưa được biết rõ. Những yếu tố nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ: Những phụ nữ trong gia đình có nhiều người bị ung thư vú hoặc có 2 người rất gần (mẹ, chị/em gái) bị bệnh thì có thể có nguy cơ mắc bệnh. Các yếu tố nguy cơ khác như sự đột biến của một số gen; lối sống (ăn thức ăn nhiều mỡ); tuổi cao (trên 35 tuổi); chịu tác động lâu dài của oestrogen (phụ nữ có kinh nguyệt trước 12 tuổi và mãn kinh sau 55 tuổi); có con muộn; không cho con bú; không sinh con; béo phì sau mãn kinh; dùng hormone thay thế… Ngoài ra các yếu tố từ môi trường ô nhiễm như hút thuốc, ô nhiễm công nghiệp, khói xe và hóa chất… đều được coi là yếu tố nguy cơ cao trong bệnh ung thư vú.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Các công việc của chẩn đoán: 

Đa phần ung thư vú được phát hiện là do chính người bệnh, khi họ thấy một sự thay đổi ở tuyến vú. Thường gặp nhất đó là một khối u hay một chỗ dày cứng lên không đau ở vú. Hoặc cũng có thể do thầy thuốc phát hiện qua một lần khám sức khỏe thường kỳ.

1.1.Hỏi bệnh

  • Hỏi kỹ về tiền sử gia đình.
  • Nếu có xuất hiện khối u ở vú: hỏi về thời gian, vị trí xuất hiện, triệu chứng đau vú, đau có thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt không? Khối u có gây khó chịu không vì ung thư vú ít khi gây đau. Có dịch tiết núm vú không? Nếu có, hỏi màu sắc, lượng và nguồn gốc dịch tiết ở một hay hai bên vú?.
  • Các phương pháp đã điều trị

1.2.Khám và lượng giá chức năng

  • Quan sát vú: Tư thế người bệnh đứng thẳng hoặc nằm đặt 2 tay dưới đầu: quan sát hình dạng vú, sự cân đối hai bên vú, sự thay đổi vùng da xung quanh đầu núm vú (ban đỏ, sần da cam, co kéo khối u, loét…), núm vú tụt hay lệch hướng.
  • Sờ nắn vú và hạch bạch huyết vùng nách, hạch thượng đòn, hạch hạ đòn:
    • Dùng 3 ngón tay giữa đè mô vú vào thành ngực với những di động hình tròn nhỏ với những lực ấn khác nhau, nâng mô vú lên giữa 2 bàn tay.
    • Khám 4 vùng của vú: 1/4 vú trên trong, trên ngoài (thường gặp ung thư vú ở vùng này), dưới trong, dưới ngoài bằng 2 tay, mỗi tay 3 ngón; ấn quầng vú và núm vú phát hiện dịch tiết bất thường; sờ từ bầu ngực vuốt lên để phát hiện hạch nách, hạch thượng đòn, hạch hạ đòn. Xác định kích thước khối u, hình dạng, mật độ, vị trí, độ di động.
    • Sờ nắn để phát hiện dịch tiết ở 1 bên hay 2 bên vú, số lượng ống dẫn có liên quan, màu sắc, mật độ, làm tế bào học.
    • Dây chằng Cooper bị co kéo, da dày.

1.3.Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng

  • Chụp vú: Là phương pháp sàng lọc ung thư vú sau khi khám lâm sàng.
    • Sờ nắn thấy mảng rắn ở vú không rõ nguyên nhân.
    • Vú có nhiều khối lổn nhổn.
    • Vú tiết dịch.
    • Kiểm tra vú bên đối diện khi vú bên kia bị ung thư, dù không sờ thấy hạch nách.
    • Khám sàng lọc ung thư vú.
  • Siêu âm vú.
    • Siêu âm phát hiện những khối u ở vú. Trong ung thư sẽ thấy khối u ranh giới không rõ, mờ, âm vang không đồng nhất, ống sữa giãn không đều và thấy hạch bạch huyết bị xâm nhiễm.
    • Siêu âm giúp chẩn đoán phân biệt u lành hay ung thư vú.
  • Chọc hút:
    • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ với áp lực âm lớn dùng để lấy tế bào từ một khối u vú đặc giúp chẩn đoán được khối u lành tính hay ác tính. Đây là phương pháp cho giá trị chẩn đoán cao, đơn giản dễ thực hiện, quyết định thời gian sinh thiết.
    • Chỉ định:
      • Nang tuyến vú.
      • Khối u đặc lành tính ở phụ nữ trẻ. Khối u nghi ngờ ung thư.
      • Hạch nách.
    • Thời gian chọc: ngày 3 10 của chu kỳ kinh để loại trừ ảnh hưởng của nội tiết đối với phụ nữ trẻ và thời kỳ tiền mãn kinh.
  • Sinh thiết vú:
    • Là phương pháp đơn giản thuận tiện dễ làm và mang lại lợi ích cao, là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định. Quyết định sinh thiết vú sau khi khám lâm sàng, chụp vú, chọc hút tế bào.
    • Chỉ định sinh thiết: khối u tồn tại lâu. Khi đã chẩn đoán ung thư vú thì nên sinh thiết vú bên đối diện nếu có dấu hiệu khả nghi khi chụp.

2. Chẩn đoán xác định

  • Giai đoạn sớm có thể sờ thấy khối u cứng hoặc một mảng cứng, bờ rõ, chụp vú có hình ảnh bất thường.
  • Giai đoạn muộn: có thể thấy da hoặc núm vú bị co kéo, sờ thấy hạch nách, vú to và đỏ, phù hoặc đau khối u dính vào da và cơ ngực.
  • Giai đoạn cuối: có tổn thương loét, có hạch thượng đòn phù cánh tay có thể di căn vào phổi, xương, gan, não và các tạng khác.

3. Chẩn đoán phân biệt

  • Cần loại trừ các bệnh viêm vú: viêm vú không đặc hiệu, viêm cấp hay mạn, áp xe ở người cho con bú và các u lành.
  • Thùy tuyến vú có thể to lên trước khi hành kinh và nhỏ lại sau khi sạch kinh.
  • Nhân xơ tuyến vú.
  • Papilloma nội ống.
  • Chàm ở núm vú giống bệnh Paget

III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc phục hồi chức năng và điều trị

  • Phẫu thuật cắt bỏ vú là điều trị chủ yếu. Nếu ở giai đoạn sớm có tỉ lệ khỏi bệnh là 98-99%, chỉ khoảng 1-2% trường hợp tái phát. Trong một số trường hợp có thể điều trị bảo tồn vú, chỉ mổ lấy rộng khối u cùng xạ trị hỗ trợ cũng khá hiệu quả. Tỉ lệ tái phát từ 7-13%. Hoá, xạ trị tiền phẫu làm tăng tỷ lệ bảo tồn. Nạo hạch cũng là một phần của phẫu thuật. Nhất là nạo hạch lympho vùng nách rất cần cho đánh giá tiên lượng.
  • Xạ trị hỗ trợ là một phần của phương pháp điều trị bảo tồn, được tiến hành sau phẫu thuật cắt u. Xạ trị giúp giảm nguy cơ tái phát cho những bệnh nhân nguy cơ cao như bệnh nhân có nhiều hạch vùng, bệnh nhân có u nguyên phát to.
  • Liệu pháp toàn thân: nguy cơ di căn vi thể ở những ung thư giai đoạn sớm là có. Vì vậy, hóa trị và nội tiết là những biện pháp điều trị toàn thân có thể diệt các tế bào ác tính lan tràn. Ở các giai đoạn muộn hơn, hóa trị và nội tiết trị liệu còn có thể làm giảm bớt thể tích khối u, chuyển từ giai đoạn không mổ được thành mổ được hoặc kéo dài thời gian sống và chất lượng sống của người bệnh.

2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng

  • Phẫu thuật tạo hình: Phục hồi chức năng sau điều trị; Nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân
  • Phục hồi chức năng cánh tay và vai sau phẫu thuật cắt bỏ vú
  • Kỹ thuật Phục hồi chức năng: các bài tập được liệt kê dưới đây được nên được bắt đầu từ 3 đến 7 ngày đầu tiên sau khi phẫu thuật. Không thực hiện chúng nếu không có sự đồng ý từ bác sĩ.
    • Sử dụng cánh tay bị đau (ở phía bên giải phẫu) như bình thường khi bạn chải tóc, tắm rửa, mặc quần áo, và ăn uống.
    • Nằm xuống và nâng cao cánh tay bên phẫu thuật của bạn ở trên mức độ ngang tim của bạn trong vòng 45 phút. Làm điều này 2 hoặc 3 lần một ngày. Đặt cánh tay lên gối để tay của bạn là cao hơn so với cổ tay của bạn và khuỷu tay của bạn là cao hơn một chút so với vai của bạn. Điều này sẽ giúp làm giảm bớt hiện tượng sưng phù có thể xảy ra sau khi phẫu thuật.
    • Tập giống như ở trên nhưng làm thêm động tác nắm tay rồi mở bàn tay của bạn 15 đến 25 lần. Tiếp theo, uốn cong và thẳng khuỷu tay của bạn. Lặp lại 3 đến 4 lần một ngày. Bài tập này giúp làm giảm sưng bằng cách đẩy chất lỏng bạch huyết ra khỏi cánh tay của bạn.
    • Thực hành bài tập thở sâu (bằng cách sử dụng cơ hoành) ít nhất 6 lần một ngày. Nằm xuống và hít một hơi thở thật chậm, sâu. Cố gắng hít vào càng nhiều càng tốt trong lúc cố gắng để phình rộng ngực và bụng (phình rốn lên). Thư giãn và thở ra. Lặp lại 4 hoặc 5 lần. Bài tập này sẽ giúp duy trì chuyển động bình thường cho ngực của bạn, làm cho phổi của bạn dễ dàng hoạt động hơn. Động tác tập thở sâu có thể thực hiện thường xuyên trong ngày.
    • Không nằm ngủ đè lên cánh tay phía bị phẫu thuật hoặc nằm nghiêng về phía bên đó.
    • Chăm sóc cánh tay để tránh phù bạch huyết
    • Cân bằng chế độ dinh dưỡng và thích ứng với lối sống để tăng cường phục hồi
    • Phục hồi chức năng tinh thần liên quan đến:
      • Sự hỗ trợ gần gũi của vợ chồng, gia đình, bạn bè và các nhóm hỗ trợ
      • Một phụ nữ có thể cảm thấy yên tâm bằng cách biết cơ hội sống sót của mình
      • Chú ý các khám xét của bác sĩ thường xuyên
  • Vật lý trị liệu:

3. Các điều trị khác

  • Chế độ ăn uống: cần ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, quả chín các loại; hạn chế ăn mặn, hạn chế thực phẩm nhiều mỡ, rượu, bia,…
  • Vận động cơ thể: Thường xuyên tập thể dục, thể thao.
  • Không thức khuya.
  • Điều trị dự phòng: Phẫu thuật dự phòng cắt bỏ hai bên vú, cắt buồng trứng hoặc điều trị nội khoa bằng thuốc nội tiết Tamoxifen trong 5 năm phòng tái phát.

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

1. Theo dõi:  Tình trạng toàn thân, hàng tháng tự khám bên vú còn lại, sờ nắn hạch nách, hạch thượng đòn…2. Tái khám: 3 tháng/1 lần, liên tục từ khi kết thúc quá trình điều trị.

Theo “Hướng Dẫn Chẩn Đoán, Điều Trị Chuyên Ngành Phục Hồi Chức Năng”, BYT, 2014.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này