Quy Trình Tập Tri Giác Và Nhận Thức

I. ĐẠI CƯƠNG

1. Tri giác

  • Định nghĩa: Tri giác là một quá trình nghiên cứu chủ động về các thông tin thu nhận được, nhận ra được các đặc điểm chủ yếu của một vật, so sánh các đặc điểm đó với nhau, sáng tạo ra những giả thuyết phù hợp, sau đó so sánh những giả thuyết này với các dữ kiện ban đầu.
  • Có 5 loại tri giác: tri giác thị giác, tri giác thính giác, tri giác khứu giác, tri giác vị giác, tri giác xúc giác.

2. Nhận thức

  • Nhận thức bao gồm sự tập trung chú ý, trí nhớ, định hướng, hoạt động tư duy, lập kế hoạch vận động tiếp đến là giải quyết vấn đề.

2.1. Sự chú ý

  • Chú ý là một quá trình liên tục bắt đầu từ mức cơ bản nhất là chú ý duy trì, tiến đến chú ý lựa chọn và cao nhất là chú ý phân chia và chia sẻ.

2.2. Trí nhớ

  • Trí nhớ là khả năng nhận, lưu trữ, gọi ra thông tin. 
  • Trí nhớ cũng có thể được đánh giá với độ dài thời gian lưu trữ thông tin, loại cảm giác được dùng để thu nhận thông tin hay loại thông tin được lưu trữ. 
  • Trí nhớ được phân loại theo nhiều cách:
    • Phân loại theo thời gian
      • Trí nhớ ngắn (Từ 30 giây đến 1 phút).
      • Trí nhớ dài (Trên 1 phút):
    • Phân loại theo cảm giác
      • Trí nhớ thị giác: khả năng ghi nhớ những vật mà ta đã từng nhìn.
      • Trí nhớ thính giác: khả năng ghi nhớ những gì ta đã từng nghe.
      • Trí nhớ xúc giác, vận động: khả năng nhớ chuỗi vận động đã từng thực hiện.
      • Trí nhớ tường thuật: là khả năng duy trì những mẫu quen thuộc của hành vi đòi hỏi tiến trình xúc giác vận động.
      • Trí nhớ phân hồi : là khả năng ghi nhớ những sự kiện được ghi vào cảm xúc. Những sự kiện được cảm xúc nhắc đi nhắc lại sẽ được trí nhớ duy trì lâu hơn và mạnh mẽ hơn.

2.3. Định hướng

  • Định hướng là khả năng nhận biết bản thân trong mối tương quan với môi trường xung quanh. 
  • Có 3 loại định hướng: 
    • định hướng thời gian , 
    • định hướng nơi chốn, 
    • định hướng cơ thể ( định hướng đối với bản thân, định hướng đối với người khác, phân biệt Phải Trái, định hướng đường giữa).

2.4. Hoạt động tư duy

  • Là khả năng đặc biệt của tinh thần liên quan đến các ý tưởng và tiến trình suy nghĩ. Hoạt động tư duy bao gồm tốc độ của tư duy, hình thái của tư duy, sự kiểm soát tư duy, chức năng đi thẳng tới mục tiêu và không đi thẳng tới mục tiêu của tư duy, chức năng suy nghĩ luận lý, áp lực của tư duy, sự bay bổng của ý tưởng, sự nghẽn tắc mạch tư duy, các ý nghĩ tản mạn, tính tiếp nối, tính chi tiết của tư duy…

2.5. Kế hoạch vận động

  • Kế hoạch vận động là một chức năng não mà tri giác, cảm giác, nhận thức đều hoạt động với nhau theo một hình thức phức hợp và từ đó tạo nên một đáp ứng vận động hiệu quả. Có hai hệ thống chịu trách nhiệm đến khả năng lập kế hoạch vận động: hệ thống khái niệm và hệ thống thực hiện

2.6. Giải quyết vấn đề

  • Khả năng giải quyết vấn đề được coi là khả năng nhận thức cao nhất của con người. Khả năng giải quyết vấn đề đòi hỏi sự kết hợp của chú ý, trí nhớ, tổ chức, vạch kế hoạch và giải quyết. Tiến trình giải quyết vấn đề bao gồm 6 bước: nhận ra vấn đề,tìm ra những giải pháp tổng quát, vạch kế hoạch hành động, thực hiện kế hoạch, điều chỉnh tính hiệu quả của kế hoạch, kiểm tra kết quả.
  • Có hai cách giải quyết vấn đề:
    • Giải quyết vấn đề kiểu thăm dò: Là phương pháp “thử và loại”, người bệnh cần đến kinh nghiệm thất bại trước khi xác định được vấn đề, họ không có các giải pháp tổng quát hay không vạch ra kế hoạch hành động, qua việc thử và loại, rất nhiều các phương pháp khác nhau được dùng chỗ tới khi thành công.
    • Giải quyết vấn đề kiểu có kế hoạch: Là phương pháp đòi hỏi sự tính trước và xem xét trước hậu quả của hành động, hay còn gọi là kiểu giải quyết vấn đề “đóng”, bệnh nhân có thể thấy trước được những sự cố, tìm được các giải pháp thích hợp, hình thành được kế hoạch, điều khiển tiến trình thực hiện.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh bị tổn thương não do tai biến mạch não, chấn thương sọ não, viêm não, u não…

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh hôn mê, Glasgow dưới 10 điểm.

IV. CHUẨN BỊ THỰC HIỆN

1. Người thực hiện

  • Kỹ thuật viên Hoạt động trị liệu hay Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng

2. Phương tiện

  • Bàn tập, ghế tập, gương tập, bút, giấy.
  • Các bài tập tri giác nhận thức bằng giấy, bằng phần mềm máy tính, bằng các dụng cụ như quân bài, gương, lược, kéo…

3. Đánh giá người bệnh trước khi tập

  • Người bệnh có bị thất ngôn hay không, nếu người bệnh bị thất ngôn, kỹ thuật viên phải dùng giao tiếp với người bệnh bằng giấy viết

4. Hồ sơ bệnh án

  • Người thực hiện kỹ thuật ghi rõ trong hồ sơ bệnh án thời gian thực hiện, loại bài tập sẽ thực hiện trên người bệnh.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Kiểm tra hồ sơ, lựa chọn kỹ thuật

  • Lựa chọn bài tập phù hợp với loại khiếm khuyết tri giác nhận thức và mức độ khiếm khuyết của người bệnh để có thể đạt được mục đích tốt nhất.

2. Kiểm tra và chuẩn bị người bệnh

  • Giải thích mục đích bài tập cho người bệnh hiểu để họ hợp tác, tin tưởng
  • Đặt người bệnh trong tư thế thoải mái, vững chắc và ổn định để chỗ phép người bệnh thực hiện bài tập mà không bị xao lãng.

3. Thực hiện bài tập

3.1. Tập cho rối loạn tri giác

  • Tập cho mất chú ý thị giác một bên
    • Tập chia đôi đường thẳng
    • Tập vạch ngang qua các đoạn thẳng Tập chọn bỏ chữ
    • Tập sao chép lại hình vẽ
  • Tập nhận biết không gian thị giác
    • Tập so sánh các quân bài
    • Tập phán đoán hướng của đường thẳng
  • Tập phân tích và tổng hợp thị giác
    • Phân biệt và tìm hình giống nhau
    • Tập sàng lọc tìm hình từ những hình lộn xộn
  • Tập cấu trúc thị giác
    • Vẽ hình đồng hồ và hình người theo tri nhớ
    • Tập sao chép lại hình phức hợp
    • Tập xếp hình khối theo mẫu

3.2. Tập cho rối loạn chú ý

  • Tập chọn bỏ chữ
  • Tập chọn chữ ngẫu nhiên
  • Tập tạo đường dẫn
  • Tập điền số thích hợp với biểu tượng

3.3. Tập cho rối loạn định hướng

  • Trả lời các câu hỏi về bản thân, nơi chốn, thời gian
  • Định hướng địa hình

3.4. Tập cho rối loạn trí nhớ

  • Tập trí nhớ dài
  • Tập lặp lại các con số
  • Tập nhớ các hình được nhì

3.5. Tập giải quyết vấn đề

  • Tập xếp hình khối màu theo mẫu
  • Tập sắp xếp và phân loại vật
  • Tập tính tiền

VI. THEO DÕI

  • Theo dõi sự tiến triển của người bệnh hàng ngày và thay đổi bài tập để không tạo sức ỳ hay sự nhàm chán chỗ người bệnh.
  • Đánh giá lại sự tiến triển sau mỗi 10 ngày điều trị.
  • Tăng độ khó của bài tập theo sự tăng tiến của người bệnh.

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

1. Trong khi tập: 

Kết quả làm người bệnh bị mệt thì ngừng tập và theo dõi sát người bệnh.

2. Sau khi tập: 

Mệt kéo dài và tình trạng toàn thân người bệnh có biểu hiện bất thường thì ngừng tập và xử trí tai biến đó.

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này