Kỹ Thuật Trợ Giúp Và Thích Ứng Trong Sinh Hoạt Hằng Ngày

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU / Kỹ Thuật Trợ Giúp Và Thích Ứng Trong Sinh Hoạt Hằng Ngày

1. ĐẠI CƯƠNG

  • Kỹ thuật trợ giúp được định nghĩa là: “Kỹ thuật sử dụng bất kỳ thiết bị hoặc hệ thống sản phẩm nào được chế tạo dưới dạng sản phẩm hàng hóa, sửa đổi hoặc tùy chỉnh, được sử dụng để giúp người khuyết tật thực hiện các công việc một cách dễ dàng và hoặc độc lập hơn ” 
  • Thiết bị thích ứng đề cập đến các phiên bản đặc biệt của các công nghệ hoặc công cụ hiện có cung cấp các cải tiến hoặc các cách tương tác khác nhau với công nghệ. Kỹ thuật thích ứng là kỹ thuật sử dụng những thiết bị được thiết kế đặc biệt cho những người khuyết tật dài hạn hoặc ngắn hạn giúp các cá nhân khuyết tật hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể.
  • Sử dụng kỹ thuật này trong từng giai đoạn khác nhau sẽ hỗ trợ người bệnh, người khuyết tật cải thiện khả năng độc lập khi tham gia vào từng hoạt động sống hàng ngày (ADLs) cụ thể hoặc giúp người bệnh, người khuyết tật thực hiện các ADLs một cách dễ dàng và hoặc độc lập hơn, giảm thiểu nguy cơ chấn thương khi thực hiện hoạt động. Từ đó giúp người bệnh, người khuyết tật trở lên tự tin, tăng cường khả năng hạnh phúc và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.

2. CHỈ ĐỊNH

Các tình trạng khuyết tật gây hạn chế khả năng tham gia hoạt động sống hàng ngày (ADLs).

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Thận trọng khi lựa chọn các dụng cụ và kỹ thuật trợ giúp, thích ứng phù hợp cho từng người bệnh, người khuyết tật.

4. THẬN TRỌNG

– Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

– 01 Bác sĩ Phục hồi chức năng

– 01 KTV Phục hồi chức năng, KTV hoạt động trị liệu.

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc : 

Không có

5.3 Vật tư

– Thìa có tay cầm lớn, dĩa hoặc thìa có góc cạnh hoặc uốn cong, dao xoay, đĩa có tấm chắn phòng thức ăn rơi ra ngoài, đũa cải tiến

– Đai giữ thìa đa năng, đai hỗ trợ cổ tay với vòng bít đa năng

– Cốc và chén có viền, cốc sửa đổi.

– Ống hút

– Nắp cốc hoặc bình chống văng/tràn

– Thắt lưng co giãn, áo chui đầu

– Quần áo cải tiến với cúc bằng ráp dính.

– Móc hỗ trợ cài khuy áo, dụng cụ hỗ trợ đeo tất, dụng cụ hỗ trợ kéo khóa áo, gậy hỗ trợ kéo giầy hoặc kéo quần.

– Ghế trong bồn tắm / ghế dài trong bồn tắm có lưng tựa

– Găng tay hở ngón

– Bàn chải đánh răng-tay cầm lớn

5.4 Trang thiết bị

– Khung tập đi

– Gậy các loại

– Nạng

– Xe lăn

– Ghế nâng

5.5. Người bệnh

– Giải thích, tiếp xúc với người bệnh và người nhà về mục đích, phương pháp và cách sử dụng các dụng cụ trợ giúp và thích ứng

– Giải thích các hoạt động sẽ thực hiện trong buổi can thiệp và kết quả mong muốn sau can thiệp dựa trên sự thống nhất trước đó

5.6. Hồ sơ bệnh án

– Ghi chép đầy đủ các vấn đề lượng giá bức tranh hoàn chỉnh của người bệnh, người khuyết tật về tình trạng, khả năng của họ, các vấn đề khi tham gia vào các hoạt động ADLs, mong muốn và bối cảnh sống của họ cũng như gia đình họ 

– Ghi chép về dụng cụ và phương pháp sử dụng dụng cụ trợ giúp và thích nghi

– Ghi chép về hiệu quả của phương pháp

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 

0,3 – 0,5 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: 

phòng vận động trị liệu

5.9 Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người

bệnh, đúng chẩn đoán, đúng chỉ định…

– Đầy đủ hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

Người bệnh, người khuyết tật sử dụng các dụng cụ trợ giúp và thích ứng dưới sự hướng dẫn và quản lý, giám sát của Bác sĩ/kỹ thuật viên.

– Lựa chọn tư thế thoải mái, phù hợp, an toàn.

– Kiểm tra mức độ phù hợp của dụng cụ trợ giúp với người dùng, kiểm tra chất lượng của dụng cụ trợ giúp và sự thích ứng của dụng cụ đối với người bệnh, người khuyết tật để đảm bảo an toàn cho họ.

– Người bệnh, người khuyết tật thực hiện các hoạt động ADLs. Bác sĩ/kỹ thuật viên theo dõi, điều chỉnh để giúp họ thực hiện đúng hoặc sửa sai, hướng dẫn một số phương pháp xử lý tình huống không mong muốn trong suốt quá trình tham gia hoạt động để tránh tự gây tổn thương đến ngươi.

– Người bệnh, người khuyết tật sử dụng các dụng cụ trợ giúp và thích ứng một cách độc lập không có sự trợ giúp của Bác sĩ/kỹ thuật viên. Thực hành nhiều lần đến khi thành thạo.

– Luôn có sự theo dõi của Bác sĩ/kỹ thuật viên để đảm bảo người bệnh, người khuyết tật thực hiện đúng kỹ thuật và được đảm bảo an toàn khi thực hiện kỹ thuật.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Theo dõi người bệnh trong suốt quá trình thực hiện, nhằm phòng ngừa nguy cơ tai nạn, chấn thương, chú ý đến môi trường thực hiện hoạt động ADLs cho người bệnh, người khuyết tật cần được đảm bảo an toàn.
  • Phỏng vấn và ghi chép hiệu quả cũng như mức độ độc lập và hài lòng của người bệnh, người khuyết tật và gia đình họ.
  • Đối với người bệnh giảm khả năng trong thời gian ngắn, cần theo dõi thời gian thay đổi, tạm dừng hoặc dừng sử dụng dụng cụ trợ giúp, ví dụ trong trường hợp chấn thương gãy xương cần sử dụng nạng hỗ trợ di chuyển.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Bạn không thể copy nội dung ở trang này