Đo Lực Kẹp Ngón Tay

1. ĐẠI CƯƠNG

  • Đo lực kẹp là phương pháp định lượng tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường sức mạnh của các nhóm cơ ở các ngón tay thông qua lực kế. Bài kiểm tra được sử dụng để cung cấp thông tin cho quá trình điều trị phục hồi chức năng (PHCN), đo lường sự tiến bộ, và điều chỉnh chương trình can thiệp về sức mạnh cơ của ngón tay. Kẹp ngón tay là vận động tinh của bàn tay. Lực kế được sử dụng để lượng giá lực cơ của cử động kẹp ngón tay. 3 loại vận động tinh bàn tay được lượng giá là kẹp đầu ngón chạm đầu ngón (tip to tip), kẹp bên (lateral pinch), kẹp 3 điểm (tripod pinch), ngoài ra kẹp bờ ngón chạm bờ ngón (pad to pad) cũng có thể được lượng giá bằng lực kế:
  • Kẹp bên (giống như kẹp chìa khóa): Ngón trỏ ở vị thế gập khớp liên đốt và bàn đốt, lực kế sẽ đặt giữa mặt bên quay của ngón trỏ và ngón cái.
  • Kẹp ba điểm: Đặt lực kế giữa bờ của các ngón tay cái và ngón trỏ và ngón giữa.
  • Kẹp đầu ngón chạm đầu ngón: Đặt lực kế giữa đầu ngón tay cái và đầu ngón tay trỏ.

2. CHỈ ĐỊNH

  • Gãy xương chi trên, viêm khớp vai, đông cứng khớp vai, hội chứng phức hợp khu vực, đứt gân gập, đứt gân duỗi.
  • Các dạng viêm khớp – thoái hoá khớp: Viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch, hội chứng viêm gân, thoái hoá/ viêm khớp ngón cái, tổn thương thần kinh chi trên, chấn thương chi trên, …
  • Tai biến mạch máu não, chấn thương chi trên, viêm xương khớp, hay các bệnh lý mãn tính, chấn thương sọ não, Parkinson, tổn thương tủy sống, …

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp: Gãy xương, tái tạo dây chằng, rách gân hoặc chuyển gân ở vùng cẳng tay, cổ tay hoặc bàn tay, ngón tay chưa lành.
  • Chống chỉ định tương đối trong các trường hợp: Chấn thương khớp, dây chằng, hoặc gân cấp tính hoặc bong gân của khớp vùng bàn tay là chống chỉ định để kiểm tra sức mạnh kẹp tối đa cho đến khi các bài tập đề kháng được cho phép.
  • Thận trọng khi có vết thương hở vùng bàn tay, co rút, giới hạn tầm vận động, đau, trương lực cơ bất thường có thể ảnh hưởng đến kết quả lượng giá. Người bệnh có rối loạn nhận thức/ hành vi, không hợp tác trong thực hiện thử nghiệm

4. THẬN TRỌNG

Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

01 Bác sĩ phục hồi chức năng

01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

b) Nhân lực hỗ trợ: không có 

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư

  • Găng tay
  • Mũ giấy
  • Khẩu trang y tế
  • Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn
  • Khăn lau tay
  • Lực kế, bút, giấy ghi chép số đo.
  • Ghế ngồi, bàn khám.
  • Dụng cụ đo lực ngón tay.

5.4. Trang thiết bị: không có

5.5. Người bệnh

Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …

Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi 

Kiểm tra và bộc lộ vùng da điều trị.

5.6. Hồ sơ bệnh án

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 01 giờ 

5.8. Địa điểm thực hiện:

Phòng vận động trị liệu

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

6.1. Kiểm tra hồ sơ bệnh án:

  • Thông tin người bệnh (thông tin cá nhân, chuẩn đoán, chỉ định, chống chỉ định ,…), ghi nhận thông tin bệnh lý.
  • Ghi nhận các yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình lượng giá.

6.2. Kiểm tra đánh giá người bệnh và giải thích các bước của kỹ thuật

  • Nhận dạng đúng người bệnh.
  • Chỉ số sinh hiệu (nhịp tim, huyết áp, SpO2).
  • Kết quả lượng giá trước (nếu có).
  • Giải thích mục tiêu, các bước thực hiện buổi lượng giá, ý nghĩa của kỹ thuật và tổng thời gian dự kiến.

6.3. Thực hiện kỹ thuật

Bước 1

  • Xác định và ghi nhận thông tin tay thuận và tay không thuận.

Bước 2

  • KTV kiểm tra hoạt động và điều chỉnh kim lực kế trở về vị trí số 0.
  • KTV làm mẫu cách cầm lực kế cho từng cử động kẹp.
  • KTV yêu cầu người bệnh thực hiện lại cử động tương tự, các cử động kẹp bên, kẹp ba điểm, kẹp đầu ngón chạm đầu ngón.
    • Kẹp bên (giống như kẹp chìa khóa: Ngón trỏ ở vị thế gập khớp liên đốt và bàn đốt, lực kế sẽ đặt giữa mặt bên quay của ngón trỏ và ngón cái (cẳng tay trung tính, cổ tay trung tính).
    • Kẹp ba điểm: Đặt lực kế giữa bờ của các ngón tay cái và ngón trỏ và ngón giữa (cẳng tay quay sấp, cổ tay duỗi).
    • Kẹp đầu ngón chạm đầu ngón: Đặt lực kế giữa đầu ngón tay cái và đầu ngón tay trỏ.
  • Yêu cầu kỹ thuật: Người bệnh cố gắng kẹp chặt tối đa có thể và tránh các cử động thay thế khi thực hiện cử động.
  • Người bệnh ngồi thoải mái trên ghế, tư thế khớp vai xoay trung tính, áp sát thân người, khuỷu gập 90 độ, sử dụng lực kẹp tối đa để kẹp lực kế.
  • KTV quan sát đồng hồ chỉ thị trên lực kế, ghi nhận số đo (theo Kg/N) sau mỗi lần thực hiện cử động, thực hiện 3 lần cho mỗi cử động kẹp, ghi nhận số đo trung bình vào phiếu thử cơ.

Bước 3

  • Thực hiện tương tự với tay còn lại để so sánh kết quả.

6.4. Ghi chép kết quả vào hồ sơ và phiếu thử cơ.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

  • Theo dõi tình trạng tri giác, nhận thức và dấu hiệu sinh tồn của người bệnh trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật.
  • Thực hiện đánh giá lại khi cần đo lường sự tiến bộ trong tập luyện của người bệnh hoặc điều chỉnh chương trình điều trị.
  • Trong quá trình đo lường/đánh giá: Việc đo lường/ đánh giá nên dừng lại nếu người bệnh có các dấu hiệu sau như co giật, đau đầu, mệt và cảm giác khó chịu. Kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn và báo BS điều trị phối hợp xử trí.
  • Trường hợp co giật nên đặt người bệnh xuống nằm nghiêng, nới lỏng quần áo, tránh các vật nguy hiểm xung quanh, không giữ/không chế cử động chi thể, không nhét vật vào miệng, theo dõi và báo cáo.
  • Báo cáo cấp trên khi có tình huống bất ngờ xảy ra, đồng thời phối hợp cùng các chuyên khoa khác xử trí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Li, L., Li, Y., Wu, C. et al. Test–retest reliability of tip, key, and palmar pinch force sense in healthy adults. BMC Musculoskelet Disord 21, 189 (2020). https://doorg/10.1186/s12891-020-3187-7

2. Ziv, E., Patish, H., & Dvir, Z. (2008). Grip and pinch strength in healthy subjects and patients with primary osteoarthritis of the hand: a reproducibility study. The open orthopaedics journal, 2, 86–90. https://doorg/10.2174/18745000802010086

3. Linda J. K. (2014). Evaluation of the Hand and Upper Extremity. Fundamentals of Hand Therapy (2nd ed.) DOI: 10.1016/B978-0-3-09104-00005-5

4. Mathiowetz, , Kashman, N., Volland, G., Weber, K., Dowe, M., & Rogers, S. (1985). Grip and pinch strength: normative data for adults. Archives of physical medicine and rehabilitation, 66 (2), 69–74.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Bạn không thể copy nội dung ở trang này