Lượng Giá Chức Năng Cảm Giác

1. ĐẠI CƯƠNG

Lượng giá chức năng cảm giác là phương pháp được sử dụng để xác định chức năng cảm giác nông, cảm giác sâu và cảm giác vỏ não. Các bài kiểm tra được sử dụng để cung cấp thông tin cho quá trình thiết lập chương trình điều trị tái rèn luyện cảm giác, huấn luyện cảm giác, điều trị tăng cảm, … và tái lượng giá định kỳ để đánh giá sự cải thiện về chức năng cảm giác. Quá trình lượng giá phụ thuộc nhiều và khả năng và sự hợp tác của người bệnh. Công cụ lượng giá ảnh hưởng bởi cảm nhận chủ quan của người bệnh.

2. CHỈ ĐỊNH

Công cụ lượng giá được sử dụng để đánh giá chức năng cảm giác cho người bệnh với nhiều bệnh lý khác nhau (bệnh lý thần kinh, cơ xương, lão khoa, bệnh mãn tính, …).

– Chỉnh hình – ngoại khoa: Bỏng, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, gãy xương, tổn thương thần kinh ngoại biên, viêm đa khớp dạng thấp.

– Thần kinh: Tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, u não, tổn thương tủy sống, Guillain Barre, đa xơ cứng, viêm tuỷ cắt ngang.

– Lão khoa – nội khoa: Xơ cột bên teo cơ, đái tháo đường, HIV.

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

– Thận trọng khi có vết thương hở vùng cần lượng giá.

– Người bệnh mệt mỏi, không tỉnh táo có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của kết quả lượng giá.

4. THẬN TRỌNG

– Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện:

a) Nhân lực trực tiếp:

– 01 Bác sĩ phục hồi chức năng

– 01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng 

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc: không có

5.3. Vật tư:

– Găng tay

– Mũ giấy

– Khẩu trang y tế

– Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

– Mẫu biểu đồ chi thể cần lượng giá, bút.

– Kim an toàn (safety pin), tăm bông, đồ vật, ống đựng nước nóng – lạnh.

– Khăn lau tay

5.4. Trang thiết bị: 

không có

5.5. Người bệnh:

– Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện : mục đích, các bước tiến hành, biến chứng, nguy cơ có thể xảy ra …

– Tư thế người bệnh phải thoải mái, tốt nhất là ở tư thế nằm hoặc ngồi.

– Kiểm tra và bộc lộ vùng da điều trị.

5.6. Hồ sơ bệnh án:

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 

01 giờ 

5.8. Địa điểm thực hiện:

– Phòng tập ngôn ngữ trị liệu.

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

– Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán, đúng vị trí cần thực hiện kỹ thuật…

6. TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT

– Thời gian thực hiện 60 phút.

– KTV ghi chép trên sơ đồ chi thể theo thang điểm:

  • 0 = Mất cảm giác.
  • 1 = Thay đổi/ mất 1 phần, bao gồm cả tăng cảm.
  • 2 = Bình thường.

Bước 1: Lượng giá cảm giác đau (phân biệt nhọn-tù)

– Chuẩn bị vùng lượng giá (toàn cơ thể hoặc 1 vùng chi thể) hoặc người bệnh quan sát.

– Làm mẫu trên vùng có cảm giác bình thường (nếu lượng giá 1 vùng chi thể).

– Người bệnh nhắm mắt trong quá trình lượng giá, trả lời cảm nhận tù hoặc nhọn khi KTV áp dụng kích thích.

– Kim an toàn được chạm vuông góc với vùng da lượng giá một cách ngẫu nhiên, không quá nhanh, lặp lại ở nhiều điểm khác nhau ở vùng da cần lượng giá.

– Chú ý không áp dụng các kích thích 1 cách nhịp nhàng, người bệnh có thể dự đoán được các kích thích (thay đổi đầu nhọn và tù ngẫu nhiên, ở các vị trí ngẫu nhiên trên vùng lượng giá).

Bước 2: Lượng giá cảm giác nhiệt

– Làm mẫu trên vùng có cảm giác bình thường (nếu lượng giá 1 vùng chi thể), hoặc người bệnh quan sát.

– KTV sử dụng 2 ống nghiệm nước nóng (40 – 45 độ C) và nước lạnh (5 – 10 độ C) để lượng giá, ống nghiệm được chạm vùng da lượng giá một cách ngẫu nhiên.

– Chú ý không áp dụng các kích thích 1 cách nhịp nhàng, người bệnh có thể dự đoán được các kích thích (thay đổi ống nghiệm nóng và lạnh ở các vị trí ngẫu nhiên trên vùng lượng giá).

– Người bệnh nhắm mắt trong quá trình lượng giá, trả lời cảm nhận nóng hoặc lạnh khi KTV áp dụng kích thích.

Bước 3: Lượng giá cảm giác sờ chạm nông

– Làm mẫu trên vùng có cảm giác bình thường (nếu lượng giá 1 vùng chi thể), hoặc người bệnh quan sát.

– KTV sử dụng bông gòn hoặc đầu tăm bông để lượng giá, KTV chạm hoặc quẹt nhẹ vùng da lượng giá một cách ngẫu nhiên.

– Chú ý không áp dụng các kích thích 1 cách nhịp nhàng, người bệnh có thể dự đoán được thứ tự các vùng được kích thích.

– Người bệnh nhắm mắt trong quá trình lượng giá, trả lời cảm nhận được khi KTV áp dụng kích thích.

Bước 4: Lượng giá cảm giác áp lực

– Làm mẫu trên vùng có cảm giác bình thường (nếu lượng giá 1 vùng chi thể), hoặc người bệnh quan sát.

– KTV sử dụng đầu tăm bông hoặc đầu ngón tay để lượng giá, KTV ấn, tạo áp lực trên vùng da lượng giá.

– Chú ý không áp dụng các kích thích 1 cách nhịp nhàng, người bệnh có thể dự đoán được thứ tự các vùng được kích thích.

– Người bệnh nhắm mắt trong quá trình lượng giá, trả lời cảm nhận được khi KTV áp dụng kích thích.

Bước 5: Lượng giá cảm giác về chuyển động của khớp

– Làm mẫu trên vùng có cảm giác bình thường (nếu lượng giá 1 vùng chi thể), hoặc người bệnh quan sát.

– Sau đó người bệnh nhắm mắt.

– KTV thụ động khớp một tầm vận động nhỏ, yêu cầu người bệnh cho biết hướng của cử động.

– KTV cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện cử động tương tự ở chi đối bên.

– KTV ghi chép kết quả lượng giá.

Bước 6: Lượng giá cảm giác cảm thụ bản thể (cảm giác khớp khi nghỉ, hoặc tư thế trong không gian)

– Làm mẫu trên vùng có cảm giác bình thường (nếu lượng giá 1 vùng chi thể), hoặc người bệnh quan sát.

– Sau đó người bệnh nhắm mắt.

– KTV thụ động khớp qua hết tầm vận động, và giữ ở tư thế tĩnh.

– KTV cũng có thể yêu cầu người bệnh mô tả tư thế của chi thể hoặc thực hiện cử động tương tự ở chi đối bên (tư thế co hay duỗi, …)

– KTV ghi chép kết quả lượng giá.

Bước 7: Lượng giá cảm giác rung

– Làm mẫu trên vùng có cảm giác bình thường (nếu lượng giá 1 vùng chi thể), hoặc người bệnh quan sát.

– Sau đó người bệnh nhắm mắt, KTV sử dụng âm thoa (128Hz) để lượng giá cảm giác rung trên vùng lượng giá.

– Chú ý không áp dụng các kích thích 1 cách nhịp nhàng, người bệnh có thể dự đoán được thứ tự các vùng được kích thích.

– Người bệnh nhắm mắt trong quá trình lượng giá, trả lời cảm nhận được khi KTV áp dụng kích thích.

– KTV ghi chép kết quả lượng giá.

Bước 8: Lượng giá lập thể tri giác

– KTV sử dụng đồ vật quen thuộc có hình dạng và kích thước khác nhau như chìa khóa, đồng xu, lược, ghim an toàn, bút chì, …

– Một đồ vật duy nhất được đặt vào tay và người bệnh có thể sờ và cảm nhận đồ vật để xác định đồ vật đó là gì và trả lời.

– KTV ghi nhận kết quả.

Bước 9: Lượng giá cảm giác xác định vị trí sờ chạm

– KTV sờ chạm hoặc tạo áp lực trên vùng da một cách ngẫu nhiên.

– Người bệnh nhắm mắt và cảm nhận để xác định chính xác vị trí được chạm, sờ; sau đó trả lời.

– KTV ghi nhận kết quả.

Bước 10: Lượng giá cảm giác phân biệt 2 điểm

– KTV sử dụng dụng cụ 2 điểm để kích thích lên vùng cần lượng giá.

– Người bệnh nhắm mắt và cảm nhận để xác định 2 điểm hay 1 điểm.

– Nếu người bệnh trả lời chính xác, KTV giảm khoảng cách giữa 2 điểm, sau đó kích thích lên vùng cần lượng giá.

– KTV tiếp tục cho đến khi người bệnh không thể phân biệt 2 điểm.

– KTV ghi nhận khoảng cách nhỏ nhất giữa 2 điểm mà người bệnh có thể phân biệt.

Bước 11: Lượng giá cảm giác nhận dạng hình học

– KTV sử dụng đầu tẩy của bút chì hoặc đầu ngón tay để vẽ lên lòng bàn tay người bệnh

– Người bệnh nhắm mắt và cảm nhận để xác định hình dạng, chữ cái.

– KTV ghi nhận kết quả trả lời của người bệnh.

7. THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TAI BIẾN

– Theo dõi tình trạng tri giác, nhận thức và dấu hiệu sinh tồn của người bệnh trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật.

– Khi muốn đánh giá tiến bộ của người bệnh hoặc điều chỉnh chương trình điều trị, KTV có thể đánh giá lại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. O’Sullivan SB, Schmitz TJ. Physical rehabilitation fifth edition. FA Davis.

2. Bigley GK. Sensation. In: Walker HK, Hall WD, Hurst JW, editors. Clinical Methods: The History, Physical, and Laboratory Examinations. 3rd edition. Boston: Butterworths; 1990. Chapter 67. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK390/.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Bạn không thể copy nội dung ở trang này