Lượng Giá Mức Độ Chức Năng Nhận Thức Theo Rancho Los Amigos

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT LƯỢNG GIÁ / Lượng giá Hoạt động trị liệu / Lượng Giá Mức Độ Chức Năng Nhận Thức Theo Rancho Los Amigos

1. ĐẠI CƯƠNG

  • Thang điểm Rancho Los Amigos (thường gọi tắt là Thang điểm Rancho) thường được sử dụng để lượng giá mức độ chức năng nhận thức của người bệnh, người khuyết tật có tổn thương não.
  • Thang điểm này do Bệnh viện Rancho Los Amigos, California, Hoa Kỳ phát triển sau đó được công nhận và áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới.
  • Thang điểm Rancho bao gồm 10 mức độ nhận thức của người bệnh, được đánh số (La mã) từ I đến X. Quá trình phục hồi nhận thức diễn ra rất nhanh trong giai đoạn đầu, sau vài tháng, sự phục hồi diễn ra chậm dần và ổn định ở một mức nhận thức nào đó. Rất khó để đoán trước người bệnh sẽ ổn định ở mức nào. Một số người bệnh có thể có triệu chứng của nhiều mức độ nhận thức khác nhau ở cùng một thời điểm.

2. CHỈ ĐỊNH

  • Chấn thương sọ não
  • Các trường hợp tổn thương não khác có ảnh hưởng đến chức năng nhận thức

3. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Những người có rối loạn về hành vi, không có khả năng hợp tác trong quá trình can thiệp

4. THẬN TRỌNG

Không có

5. CHUẨN BỊ

5.1. Người thực hiện

a) Nhân lực trực tiếp

01 Bác sĩ phục hồi chức năng

01 Kỹ thuật viên phục hồi chức năng

b) Nhân lực hỗ trợ: không có

5.2. Thuốc

Không có

5.3. Vật tư:

  • Phiếu lượng giá chức năng nhận thức theo Rancho Los Amigos 
  • Găng tay
  • Mũ giấy
  • Khẩu trang y tế
  • Cồn sát khuẩn hoặc dung dịch khử khuẩn tay chứa cồn

5.4. Trang thiết bị

Không có

5.5. Người bệnh

  • Người thực hiện giải thích cho người bệnh, người nhà về kỹ thuật trước khi thực hiện: mục đích, các bước tiến hành, sự cần thiết phải hợp tác để thực hiện kỹ thuật này để đạt được mục tiêu phục hồi chức năng….
  • Xác định các chỉ số sinh tồn, các dấu hiệu của ý thức.

5.6. Hồ sơ bệnh án:

Hồ sơ bệnh án theo quy định hoặc phiếu điều trị chuyên khoa.

Xem xét giới tính, độ tuổi, dân tộc, chẩn đoán bệnh, bệnh sử trong quá khứ và hiện tại.

5.7. Thời gian thực hiện kỹ thuật: 0,3 – 0,5 giờ

5.8. Địa điểm thực hiện: 

Khoa Phục hồi chức năng, bệnh phòng

5.9. Kiểm tra hồ sơ:

  • Kiểm tra người bệnh: Đánh giá tính chính xác của người bệnh: đúng người bệnh, đúng chẩn đoán…
  • Kiểm tra chỉ định, chống chỉ định.

6. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

Bước 1: Thực hiện kỹ thuật

  • Kết hợp quan sát, hỏi người bệnh, đưa ra các yêu cầu để người bệnh thực hiện theo các tiêu chí đã nêu trong Thang điểm Rancho.
  • Đánh giá nhận thức của người bệnh, xếp loại mức độ (từ I đến X).
  • Mức độ I Không đáp ứng: Trợ giúp hoàn toàn
  • Hoàn toàn không thấy thay đổi hành vi khi kích thích bởi thị giác, âm thanh, sờ chạm, cảm thụ bản thể, tiền đình hay kích thích đau.

Mức độ II Đáp ứng toàn thể: Trợ giúp hoàn toàn

  • Biểu hiện đáp ứng phản xạ toàn thân với kích thích đau.
  • Đáp ứng với các kích thích âm thanh được lặp lại qua việc tăng hoặc giảm hoạt động.
  • Đáp ứng với các kích thích bên ngoài qua các thay đổi sinh lý, cử động thô toàn bộ cơ thể và/ hoặc phát âm vô nghĩa.
  • Những cách đáp ứng nói trên có thể giống nhau với bất cứ loại kích thích và vị trí trên cơ thể.
  • Các đáp ứng có thể chậm một cách đáng kể.

Mức độ III Đáp ứng khu trú: Trợ giúp hoàn toàn

  • Có cử động rút lại hoặc phát âm khi kích thích đau.
  • Hướng về phía kích thích âm thanh hoặc hướng tránh đi.
  • Chớp mắt khi có ánh sáng mạnh chiếu qua thị trường.
  • Nhìn theo vật thể di chuyển trong thị trường.
  • Đáp ứng lại với yếu tố gây khó chịu bằng cách kéo các ống hoặc dây buộc. Đáp ứng không ổn định với những yêu cầu đơn giản.
  • Đáp ứng có liên quan đến loại kích thích.
  • Có thể đáp ứng với một số người (đặc biệt gia đình và bạn bè) nhưng không phản ứng với một số người khác

Mức độ IV Lú lẫn/ Kích động: Trợ giúp tối đa

  • Tỉnh và ở trạng thái tăng hoạt động
  • Có cố gắng có chủ ý để tháo dây buộc, các ống hoặc bò ra khỏi giường
  • Có thể thực hiện hành động như ngồi, với lấy và đi bộ nhưng không có mục đích rõ ràng hay yêu cầu của người khác.
  • Sự phân chia chú ý và duy trì chú ý luân phiên rất ngắn và thường không có mục đích
  • Giảm trí nhớ tức thời.
  • Có thể khóc hay gào thét ở mức độ không phù hợp ngay cả khi đã ngừng tác nhân kích thích.
  • Có thể có những hành động hung hăng hay quá khích.
  • Có sự thay đổi tâm trạng nhanh chóng từ hưng phấn đến thù địch mà không hề có mối liên quan với các sự kiện trong môi trường hoàn cảnh xung quanh.
  • Không thể hợp tác với các nỗ lực trị liệu.
  • Lời nói thường không mạch lạc và/hoặc không phù hợp với hành động hay hoàn cảnh.

Mức độ V Lú lẫn, không phù hợp, không kích động: Trợ giúp tối đa

  • Tỉnh nhưng không kích động, có thể đi lang thang cách ngẫu nhiên hoặc có chủ ý mơ hồ như muốn về nhà
  • Có thể kích động với những kích thích bên ngoài và/ hoặc thiếu cấu trúc môi trường.
  • Mất định hướng về bản thân, không gian, thời gian.
  • Duy trì chú ý không chủ đích, thường trong thời gian ngắn.
  • Suy giảm trí nhớ gần, lẫn lộn các sự kiện giữa quá khứ và hiện tại khi phản ứng với hoạt động đang diễn tiến.
  • Không có hành vi tự điều chỉnh hành vi, giải quyết vấn đề, hướng đến mục tiêu
  • Thường thể hiện không sử dụng đúng đồ vật nếu không có sự chỉ dẫn từ bên ngoài
  • Có thể làm lại những động tác đã được học trước đó nếu có phạm vi được cấu trúc và gợi ý
  • Không thể học thông tin mới.
  • Có thể đáp ứng một cách phù hợp với những yêu cầu đơn giản với kết quả tương đối ổn định khi có phạm vi được cấu trúc và gợi ý từ bên ngoài
  • Đáp ứng lại những yêu cầu đơn giản mà không có phạm vi được cấu trúc từ bên ngoài thì có tính ngẫu nhiên và không có mục đích liên quan yêu cầu
  • Có thể giao tiếp ở mức độ xã hội, tự động theo thói quen trong một khoảng thời gian ngắn khi được hỗ trợ hoặc gợi ý từ bên ngoài
  • Nói về các sự kiện hiện tại không phù hợp và sai sự thật khi không có cấu trúc và gợi ý từ bên ngoài

Mức độ VI Lú lẫn, Phản ứng thích hợp: Trợ giúp mức trung bình

  • Định hướng không luôn đúng về bản thân, không gian và thời gian.
  • Có thể tham gia các hoạt động quen thuộc nhiều trong môi trường không bị gây nhiễu khoảng 30 phút với sự tái định hướng mức tương đối
  • Trí nhớ xa rõ và chi tiết hơn hơn so với trí nhớ hiện tại.
  • Nhận diện mơ hồ một vài nhân viên y tế chăm sóc.
  • Có thể sử dụng công cụ hỗ trợ trí nhớ với sự trợ giúp tối đa
  • Bắt đầu có nhận biết về đáp ứng phù hợp với bản thân, gia đình và những nhu cầu cơ bản.
  • Trợ giúp mức trung bình để giải quyết những rào cản trong việc hoàn thành một hoạt động.
  • Cần được giám sát cho các kỹ năng đã được học (như chăm sóc bản thân)
  • Cho thấy khả năng áp dụng những hoạt động quen thuộc đã được học (như chăm sóc bản thân)
  • Cần sự hỗ trợ tối đa để tiếp thu những điều mới nhưng không áp dụng được
  • Không nhận thức đâu mình có khiếm khuyết, giảm chức năng và nguy cơ về an toàn
  • Làm đúng những chỉ dẫn đơn giản cách ổn định.
  • Lời nói diễn đạt phù hợp với môi trường rất quen thuộc và có tính cấu trúc.

Mức độ VII – Tự động, phù hợp: Hỗ trợ tối thiểu những kỹ năng sống hàng ngày

  • Luôn định hướng được người và nơi chốn, trong những môi trường rất quen thuộc. Hỗ trợ vừa phải cho định hướng thời gian
  • Có thể tham gia những tác vụ rất quen thuộc trong một môi trường không gây xao lãng trong ít nhất 30 phút với sự hỗ trợ tối thiểu để hoàn thành tác vụ.
  • Giám sát tối thiểu khi học điều mới. Cho thấy có áp dụng điều mới học.
  • Khởi đầu và thực hiện các bước để hoàn thành hoạt động quen thuộc của cá nhân và gia đình nhưng khả năng nhớ lại đang làm cái gì thì mơ hồ.
  • Có thể theo dõi chính xác và hoàn thành từng bước trong thói quen cá nhân và hoạt động sống hàng ngày trong gia đình và điều chỉnh kế hoạch với hỗ trợ tối thiểu.
  • Nhận thức được tình trạng bản thân cách sơ lược nhưng không nhận thức được những khiếm khuyết, mất chức năng tàn tật cụ thể và những giới hạn mà chúng ảnh hưởng tới khả năng của người bệnh để thực hiện những hoạt động sống hằng ngày trong gia đình, cộng đồng, công việc và hoạt động giải trí một cách an toàn, chính xác và đầy đủ.
  • Giám sát tối thiểu cho sự an toàn trong các hoạt động gia đình và cộng đồng thường ngày.
  • Kế hoạch không thực tế cho tương lai.
  • Không có khả năng nghĩ về hậu quả của quyết định hoặc hành động.
  • Đánh giá quá mức những khả năng.
  • Không nhận thức được những cảm nhận và nhu cầu của người khác.Phản đối/ không hợp tác.
  • Không có khả năng nhận ra hành vi tương tác xã hội không phù hợp.

Mức độ VIII – Có mục đích, Phù hợp: Hỗ trợ bằng cách đứng bên cạnh

  • Luôn định hướng được người, nơi chốn và thời gian.
  • Độc lập tham gia và hoàn thành những tác vụ quen thuộc trong 1 giờ trong những môi trường gây mất chú ý.
  • Có thể nhớ lại và liên kết những sự kiện trong quá khứ và hiện tại.
  • Sử dụng những công cụ hỗ trợ trí nhớ để nhớ lịch trình hàng ngày, các danh sách phải làm và ghi lại thông tin quan trọng để sử dụng sau đó với sự hỗ trợ dự phòng bằng cách đứng bên cạnh
  • -Khởi đầu và thực hiện các bước để hoàn thành những thói quen quen thuộc của cá nhân, gia đình, cộng đồng, công việc và hoạt động giải trí với sự hỗ trợ dự phòng và có thể điều chỉnh kế hoạch khi cần với sự trợ giúp tối thiểu.
  • Không cần sự trợ giúp khi các tác vụ/ hoạt động mới được học dù chỉ 1 lần.
  • Nhận thức và thừa nhận những khiếm khuyết và tình trạng mất chức năng khi chúng cản trở việc hoàn thành tác vụ nhưng yêu cầu sự hỗ trợ dự phòng để điều chỉnh khi cần.
  • Suy nghĩ về hậu quả của quyết định hay hành động với hỗ trợ tối thiểu.
  • Ước đoán quá mức hoặc quá thấp những khả năng.
  • Thừa nhận những cảm nhận, nhu cầu của người khác và đáp ứng phù hợp với hỗ trợ tối thiểu.
  • Trầm cảm.
  • Dễ kích thích.
  • Sức chịu đựng sự thất vọng thấp/ dễ tức giận.
  • Thích tranh cãi.
  • Tự cho mình là trung tâm.
  • Phụ thuộc/ không phụ thuộc một cách không đặc trưng.
  • Có thể nhận ra và thừa nhận hành vi tương tác xã hội không phù hợp trong khi nó đang xảy ra và thực hiện hành động sửa sai với sự hỗ trợ tối thiểu.

Mức độ IX – Có mục đích, phù hợp: Hỗ trợ dự phòng theo yêu cầu

  • Tự động chuyển qua lại giữa các hoạt động và hoàn thành chúng một cách chính xác ít nhất 2 giờ liên tục.
  • Sử dụng những công cụ hỗ trợ trí nhớ để nhớ kế hoạch hàng ngày, những danh sách phải làm và ghi lại thông tin quan trọng cho sử dụng sau đó với sự hỗ trợ khi được yêu cầu.
  • Khởi đầu và thực hiện các bước để hoàn thành những hoạt động quen thuộc của cá nhân, gia đình, cộng đồng, làm việc và hoạt động giải trí cách độc lập và những hoạt động không quen thuộc của cá nhân, gia đình, cộng đồng, làm việc và giải trí với sự hỗ trợ khi được yêu cầu.
  • Nhận thức và thừa nhận những khiếm khuyết và tàn tật khi chúng cản trở việc hoàn thành tác vụ và thực hiện hành động sửa sai thích hợp nhưng yêu cầu hỗ trợ dự phòng để lường trước một vấn đề trước khi nó xảy ra và hành động để tránh nó.
  • Có khả năng nghĩ về hậu quả của những quyết định hay hành động với sự hỗ trợ khi cần.
  • Ước đoán chính xác những khả năng nhưng cần hỗ trợ dự phòng để điều chỉnh theo nhu cầu của hoạt động.
  • Thừa nhận những cảm nhận, nhu cầu của người khác và đáp ứng một cách thích hợp với hỗ trợ dự phòng.
  • Trầm cảm có thể tiếp tục.
  • Có thể dễ kích thích.
  • Có thể sức chịu đựng thấp với sự thất vọng
  • Có thể tự theo dõi sự thích hợp của tương tác xã hội với sự hỗ trợ dự phòng.

Mức độ X – Có mục đích, Phù hợp: Độc lập với sự Điều chỉnh

  • Có khả năng thực hiện nhiều hoạt động đồng thời trong mọi môi trường nhưng có thể cần những khoảng nghỉ
  • Có khả năng tự tìm, tạo ra và duy trì những công cụ hỗ trợ trí nhớ riêng.
  • Độc lập khởi đầu và thực hiện các bước để hoàn thành những hoạt động quen thuộc và không quen thuộc của cá nhân, gia đình, cộng đồng, làm việc và giải trí nhưng có thể cần nhiều thời gian hơn thông thường và/ hoặc những chiến lược bù trừ để hoàn thành chúng.
  • Dự kiến tác động của những khiếm khuyết và tình trạng mất chức năng đến khả năng hoàn thành những tác vụ sống hàng ngày và thực hiện hành động để tránh các vấn đề trước khi chúng xảy ra nhưng có thể cần nhiều thời gian hơn thông thường và/ hoặc những chiến lược bù trừ.
  • Có khả năng độc lập suy nghĩ về các hậu quả của những quyết định hoặc hành động nhưng có thể cần nhiều thời gian hơn thông thường và/ hoặc những chiến lược bù trừ để lựa chọn quyết định hay hành động phù hợp.
  • Ước đoán chính xác những khả năng và độc lập điều chỉnh các nhu cầu của tác vụ.
  • Có khả năng thừa nhận những cảm nhận và nhu cầu của những người khác và tự động đáp ứng một cách thích hợp.
  • Các giai đoạn trầm cảm định kì có thể xảy ra.
  • Dễ kích thích và chịu đựng thất vọng kém khi bị bệnh, mệt mỏi và/ hoặc căng thẳng cảm xúc.
  • Hành vi tương tác xã hội luôn phù hợp.

Bước 2: Điền vào phiếu đánh giá.

Bước 3: Ghi lại ngày giờ đánh giá. Ký, ghi rõ họ tên người đánh giá. 

7. THEO DÕI VÀ  XỬ TRÍ TAI BIẾN 

  • Tiến hành lượng giá chức năng tri giác và nhận thức của người bệnh định kỳ trong suốt thời gian nằm viện và khi người bệnh xuất viện. Theo dõi sự thay đổi về tri giác và nhận thức của người bệnh.
  • Nếu người bệnh có các dấu hiệu như co giật, nhức đầu, đau ngực, mất ý thức, ngay lập tức ngừng tập. Báo cáo với người quản lý khi xảy ra tai biến, hợp tác với các nhà chuyên môn khác để hỗ trợ người bệnh.

Theo HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 4) (Ban hành kèm theo Quyết định số QĐ -BYT ngày 28/09/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế )

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này