Nghiệm Pháp Đi Bộ 10 Mét

I. ĐẠI CƯƠNG

Lượng giá khả năng di chuyển, đánh giá tốc độ đi (tính bằng m/s) trong khoảng thời gian ngắn.

Ưu điểm: đơn giản, dễ thực hiện, không cần tập luyện trước, thời gian lượng giá chỉ khoảng 5 phút.

Kết quả được tham chiếu với giá trị bình thường ở người khỏe mạnh. 

II. CHỈ ĐỊNH

  • Bệnh Alzheimer.
  • Đột quỵ não.
  • Chấn thương sọ não.
  • Xơ cứng rải rác (MS).
  • Chấn thương tủy sống.
  • Bệnh Parkinson.
  • U não.
  • Các bệnh thần kinh cơ ở trẻ em.
  • Người già ít hoạt động.
  • Các rối loạn vận động do nguyên nhân thần kinh.
  • Cắt cụt chi dưới.
  • Rối loạn tiền đình.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh rối loạn ý thức.
  • Người bệnh không hợp tác.
  • Đang có bệnh lý nội khoa cấp tính, không thể đi lại được,đang bệnh cấp chưa kiểm soát được như: đau thắt ngực chưa kiểm soát được, chóng mặt cấp..

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu. 

2. Phương tiện, dụng cụ

  • Đồng hồ bấm giờ.
  • Có thể đi với gậy 1 chân hoặc khung tập đi.
  • Nghiệm pháp được thực hiện trong nhà, trên bề mặt phẳng, không có vật cản.

3. Người bệnh

Giải thích cho người bệnh trước khi lượng giá, đặc biệt người bệnh là trẻ em, người già…

4. Hồ sơ bệnh án

Phiếu điều trị của chuyên khoa.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

Thực hiện:

  • Người bệnh được yêu cầu đi bộ quãng đường 10 m không có trợ giúp và thời gian được đo trong khoảng 6 m giữa để cho phép tăng tốc (2 m) và giảm tốc (2 m).
  • Thời gian được tính bắt đầu khi các ngón chân của bàn chân phía trước đặt lên mốc 2 m.
  • Thời gian kết thúc khi các ngón chân của bàn chân phía trước đặt lên mốc 8 m.  Dụng cụ trợ giúp có thể được sử dụng nhưng phải chắc chắn, giống nhau và được ghi lại trong các lần thử.
  • Nếu người bệnh cần phải nâng đỡ -> không thực hiện test.
  • Test có thể thực hiện với tốc độ đi bình thường hoặc nhanh nhất và an toàn nhất có thể (cần đảm bảo phải được ghi lại trong hồ sơ: đi bình thường và đi nhanh).
  • Thực hiện 3 lần và tính kết quả trung bình.
  • Thời gian từ 30 – 45 phút.

VI. THEO DÕI 

1. Người bệnh

Quan sát dáng đi, thăng bằng, người khám có thể đi cạnh người bệnh để đảm bảo an toàn.

2. Đánh giá kết quả

Tốc độ đi tính bằng m/s

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

Đây là một phương pháp đơn giản, không can thiệp, chưa ghi nhận tai biến nào trong quá trình lượng giá.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Bạn không thể copy nội dung ở trang này