Kỹ Thuật Thay Đổi Hành Vi Trong Đau Mạn Tính

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT TÂM LÝ TRỊ LIỆU / Kỹ Thuật Thay Đổi Hành Vi Trong Đau Mạn Tính

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Đau mạn tính là thuật ngữ mô tả đau liên tục trên ba tháng và vượt ra ngoài giới hạn vị trí tổn thương (theo hiệp hội đau Hoa Kỳ – ACPA).
  • Nguyên nhân gây đau mạn tính có thể do các bệnh cơ xương khớp, bệnh thần kinh, các bệnh nội tạng, các bệnh tim mạch…
  • Đau mạn tính gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, làm giảm sút khả năng lao động, gây khó khăn khi thực hiện các chức năng sinh hoạt hàng ngày, vui chơi giải trí, đau gây rối loạn về tinh thần, cảm xúc như trạng thái lo lắng, căng thẳng, trầm cảm thậm chí cáu giận hoặc muốn tự sát.
  • Liệu pháp thay đổi hành vi được chỉ định và thực hiện sau khi sử dụng các phương thuốc, vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu… không hiệu quả.
  • Liệu pháp thay đổi hành vi là tổng hợp các phương pháp tập thư giãn, phản hồi sinh học, nhìn tưởng tượng và giải trí, thôi miên (nếu có thể) để thay đổi tâm lý, nhận thức hành vi của người bệnh đau mạn tính.
  • Mục đích của liệu pháp thay đổi hành vi: là để giảm sự phụ thuộc vào các phương pháp điều trị y học, tăng cường khả năng trở lại với công việc thường ngày, cải thiện chất lượng cuộc sống, cải thiện chức năng, giảm mức độ đau và tăng cường kỹ năng tự xử trí đau dựa trên các phương pháp cơ bản hàng ngày.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Tất cả những người bệnh có đau liên tục trên 3 tháng do các nguyên nhân các bệnh thần kinh, cơ xương khớp, đau do nguyên nhân các cơ quan nội tạng.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Những người bệnh có đau mạn tính có hành vi bất thường, tâm lý không ổn định.  Những người bệnh có nhận thức kém hoặc lú lẫn.

IV. CHUẨN BỊ 

1.Người thực hiện

  • Bác sĩ phục hồi chức năng, bác sĩ tâm thần, điều dưỡng, kỹ thuật viên vật lý trị liệu, kỹ thuật viên hoạt động trị liệu, cán bộ tâm lý, cán bộ hoạt động thể thao vui chơi giải trí, cán bộ xã hội, cán bộ dinh dưỡng, cán bộ tư vấn nghề nghiệp.

2. Phương tiện

  • Bộ câu hỏi lượng giá đau (tùy theo nguyên nhân đau mà cán bộ phụ trách thiết kế cho phù hợp).
  • Thang điểm đánh giá mức độ đau (VAS).

3. Người bệnh

  • Trả lời các câu hỏi của cán bộ lượng giá và lập kế hoạch thay đổi hành vi.
  • Từ lần thứ 2 trở đi mang theo cả bảng lượng giá và bản kế hoạch các lần trước để làm cơ sở đánh giá và lập kế hoạch đợt tiếp theo.

4. Hồ sơ bệnh án, phiếu điều trị

  • Hồ sơ bệnh án ghi theo quy định của Bộ Y tế.
  • Phiếu lượng giá đau.
  • Phiếu kỹ thuật thay đổi hành vi.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1. Lượng giá đau và mức độ đau để biết mức độ đau, cường độ đau.

Bước 2. Thực hiện kỹ thuật

1. Hướng dẫn người bệnh thư giãn

Hướng dẫn người bệnh thư giãn bằng cách nhắm mắt và chỉ tập trung vào một vị trí nào đó, sau đó bắt đầu thở chậm đều, tiếp đến thở sâu, cố gắng sử dụng lồng ngực. Trong đầu chỉ nghĩ đến một từ vui vẻ hoặc chỉ nghĩ đến từ “thư giãn”. Sau đó cùng lúc vừa thở sâu vừa thư giãn.

2. Hướng dẫn người bệnh thay đổi sự tập trung

Hướng dẫn người bệnh thay đổi cảm giác của cơ thể, tập trung chú ý vào một bộ phận nào đó không đau của cơ thể. Ví dụ người bệnh đang đau vùng thắt lưng nhưng bây giờ họ cần tưởng tượng là đang đau ở tay và đang đắp nhiệt ấm.

3. Hướng dẫn người bệnh phân tán đau

Hướng dẫn người bệnh tưởng tượng đang đau khi ngồi hoặc ở 1 vị trí xa đằng kia. Ví dụ tưởng tượng đau khi ngồi trên ghế cách xa vị trí đang ngồi.

4. Hướng dẫn làm giảm cảm giác đau

Hướng dẫn người bệnh chỉ tập trung vào cảm giác nào nhẹ hơn, không nên chú ý đến đau của vùng tổn thương. Ví dụ người bệnh rất đau do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đau lan xuống chân cảm thấy nóng rát. Nói với người bệnh chỉ nghĩ đến nóng rát ở chân, không để ý đến đau vùng thắt lưng.

5. Hướng dẫn người bệnh tưởng tượng đang trong tình trạng gây mê, gây tê, tiêm thuốc giảm đau

Hướng dẫn người bệnh tưởng tượng đang được tiêm thuốc mê hoặc thuốc gây tê như novocain, tiêm thuốc giảm đau mạnh vào vùng đau…

6. Di chuyển vùng đau

Hướng dẫn người bệnh tưởng tượng đang có cảm giác nóng lạnh, sử dụng chất giảm đau bên tay lành sau đó đặt tay lên vùng đau.

7. Tưởng tượng các nguyên nhân gây kích thích đau như tiếng ồn, ánh sáng… một khi các yếu tố kích thích này mất thì đau giảm

8. Tưởng tượng tích cực

Hướng dẫn người bệnh tập trung chú ý những nơi vui vẻ nổi tiếng như bãi biển, núi rừng nổi tiếng đang ở một nơi nào đó an toàn, thư giãn.

9. Đếm để giảm đau

Hướng dẫn người bệnh đếm như đếm nhịp tim, nhịp thở hoặc đếm lỗ trong bảng đồ chơi, trần nhà…

(Thời gian thực hiện kỹ thuật này lần đầu trên 60 phút, từ lần thứ hai trở lên mỗi lần trên 30 phút).

Thời gian từ 30 – 60 phút.

VI. THEO DÕI, TÁI KHÁM

Nếu người bệnh về nhà thực hiện các kỹ thuật thay đổi hành vi cần cử người động viên theo dõi.

Tái khám hàng tuần, hàng tháng tùy thuộc vào sự tiến bộ của người bệnh.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Kỹ thuật này chưa ghi nhận có tai biến gì.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này