Kỹ Thuật Phục Hồi Chức Năng Cơ Sàn Chậu Trong Điều Trị Tiểu Tiện Không Tự Chủ Bằng Phản Hồi Sinh Học (Biofeedback)

I. ĐẠI CƯƠNG

Phản hồi sinh học là kỹ thuật đo chức năng cơ thể như độ căng và co bóp cơ nhằm điều chỉnh chúng một cách có ý thức các chức năng bị rối loạn.

Đặc điểm giải phẫu cơ vùng đáy chậu phức tạp, các hoạt động của từng nhóm cơ vùng đáy chậu theo chức năng không thể nhận biết trực tiếp. Do đó thông qua phương pháp phản hồi sinh học gắn điện cực để đo lường các quá trình này qua da của người bệnh và hiển thị chúng trên màn hình, gián tiếp giúp thầy thuốc hướng dẫn người bệnh tập luyện đúng và có hiệu quả các cơ và nhóm cơ cần tập luyện. Kết quả làm cải thiện các thông số như sức mạnh cơ, khả năng thư giãn của cơ và sự cải thiện chức năng này có thể lượng hóa được khi sử dụng màn hình để xem sự tiến bộ của người bệnh, và cuối cùng người bệnh sẽ có thể đạt được thành công mà không có sự giám sát hoặc các điện cực. Gần đây, phản hồi sinh học được chấp thuận như là một phương pháp điều trị một số bệnh lý tiểu không tự chủ.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Sa sinh dục mức độ I, độ II.
  • Hội chứng đau đáy chậu mạn tính do co thắt quá mức nhóm cơ đáy chậu.
  • Són tiểu gắng sức, són tiểu cấp, són tiểu hỗn hợp.
  • Điều trị tiểu không tự chủ sau sinh và sau phẫu thuật vùng tiểu khung (sau mổ cắt tiền liệt tuyến, xạ trị vùng tiểu khung…).

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh bị bệnh tim nặng.
  • Đang có kinh nguyệt.
  • Viêm âm đạo.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

Bác sĩ phục hồi chức năng.

Điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên phục hồi chức năng được đào tạo kỹ thuật.

2. Phương tiện

Bàn tập, phòng tập.

3. Người bệnh

Giải thích cho người bệnh hiểu và tích cực tham gia tập luyện kiên trì theo chương trình tập.

4. Hồ sơ bệnh án

Bệnh án và phiếu chỉ định của bác sĩ.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH 

1. Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra lại hồ sơ bệnh án và các phiếu chỉ định

2. Kiểm tra người bệnh

Kiểm tra người bệnh xem đúng chỉ định không.

3. Thực hiện kỹ thuật 

Bước 1. Lượng giá

Lượng giá cơ lực vùng đáy chậu theo thang điểm Oxford (Oxford Scale)  Cơ lực vùng đáy chậu được chia 6 mức độ.

  • Độ 0: không có cử động về cơ lực nào.
  • Độ 1: cử động cơ đáy chậu mấp máy.
  • Độ2: cử động cơ đáy chậu yếu không thấy cơ siết vào ngón tay khi thăm khám.
  • Độ 3. co thắt cơ đáy chậu vào ngón tay khi thăm khám mức độ vừa.
  • Độ 4: co thắt cơ đáy chậu vào ngón tay khi thăm khám mức độ tốt.
  • Độ 5: co thắt cơ đáy chậu vào ngón tay khi thăm khám mức độ rất tốt.

Lượng giá trương lực cơ vùng đáy chậu.

Việc kiểm tra cần được tiến hành bởi người có kinh nghiệm. Trương lực cơ đáy chậu chia làm 3 mức độ:

  • Độ 1. Giảm trương lực cơ.
  • Độ 2. Trương lực cơ bình thường.  
  • Độ 3.Tăng trương lực cơ.

Lượng giá hậu môn trực tràng: có thể thăm khám qua âm đạo.

Chia mức độ co thắt cơ mu – trực tràng làm 3 mức độ. 

  • Độ 1. Bình thường: góc hậu môn trực tràng 125o.
  • Độ 2. Co thắt mạnh: góc hậu môn trực tràng 80o.
  • Độ 3. Không co thắt: góc hậu môn trực tràng 87o.

Lượng giá phản xạ ho:

Quan sát rỉ tiểu và cử động của đáy chậu khi người bệnh ho, ngoài ra quan sát sau khi bệnh ho có bị sa sinh dục, sa trực tràng không

Bước 2. Xác định cơ cần tập

Ghi hoạt động điện cơ vùng đáy chậu, cơ thắt niệu đạo, cơ thắt hậu môn để xác định cơ hoặc nhóm cơ cần tập để xây dựng chương trình tập luyện cho người bệnh.

Bước 3. Thực hiện bài tập

1. Tư thế người bệnh

Tư thế nằm sản khoa chân dựng 90o, hoặc nghiêng một bên. 

2. Vị trí đặt điện cực

Nếu sử dụng điện cực bề mặt: đặt điện cực ở cạnh hậu môn.

Nếu điện cực có xâm lấn: đặt vào trong hậu môn (hoặc âm đạo) 

3. Tập co thắt và thư giãn

Đầu tiên co thắt cơ đáy chậu chậm và giữ 4 giây sau đó thư giãn 4 giây, sau khi người bệnh được hướng dẫn co thắt và thư giãn cơ đúng, các động tác co thắt và thư giãn sẽ nhanh dần.

Khoảng thời gian giữa hai lần co thắt: bằng thời gian một chu kỳ co thắt trên.

Số lần co thắt cơ trong một lần tập luyện: 100 lần.

Thời lượng điều trị.

Số lần tập luyện trong ngày: 2 – 3 lần trong tuần sau giảm dần 1 lần/tuần.

Thời gian một liệu trình điều trị: tùy thuộc vào bệnh lý mà có thể kéo dài 12 buổi đến 72 buổi.

Thời gian một lần điều trị: 30 – 45 phút.

Những điểm lưu ý:

  • Nhân viên y tế ghi lại một cách khách quan khả năng thực hiện bài tập của người bệnh và kết quả quá trình điều trị vào hồ sơ bệnh án.
  • Các thông số ghi lại quá trình luyện tập phải thống nhất giống các thông số sử dụng để huấn luyện người bệnh tập cơ.
  • Trong khi thực hiện bài tập người bệnh thường quá tập trung theo người hướng dẫn để có thể làm đúng các bài tập nên nhóm cơ đáy chậu rất dễ mỏi. Tuy nhiên, nếu người bệnh tập đều đặn sau một thời gian sẽ thấy làm đơn giản và nhẹ nhàng hơn, không cần bất kỳ sự gắng sức nào. Người bệnh phải nhớ thư giãn và thở bình thường khi thực hiện bài tập với các cơ vùng đáy chậu.

VI. THEO DÕI

Theo dõi và hướng dẫn người bệnh làm đúng động tác, kiểm tra từng giai đoạn để sửa những sai sót của người bệnh tránh thành thói quen xấu, không có hiệu quả.

VII. XỬ TRÍ TAI BIẾN

Đau cơ: thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, các biện pháp vật lí trị liệu.

Tập quá sức: nghỉ ngơi.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2) (Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Bạn không thể copy nội dung ở trang này