Kỹ Thuật Kiểm Soát Tư Thế Hội Chứng Sợ Sau Ngã

Home / THƯ VIỆN TÀI LIỆU / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT / CÁC QUY TRÌNH KỸ THUẬT VẬN ĐỘNG TRỊ LIỆU / Kỹ Thuật Kiểm Soát Tư Thế Hội Chứng Sợ Sau Ngã

I. ĐẠI CƯƠNG

  • Hội chứng sợ sau ngã là một trong những biến chứng sau ngã ở người cao tuổi, hội chứng này còn có tên gọi khác như hội chứng thoái triển tâm thần vận động dẫn đến rối loạn tư thế tĩnh và động với các biểu hiện trạng thái cứng đờ ở tư thế ngồi, đổ ra sau. Ở tư thế đứng, người bệnh không thể điều chỉnh được tư thế đứng, khi cho người bệnh đứng dậy, toàn thân cứng đờ (tăng trương lực cơ chống đối) khi đứng dậy và rất sợ ngã. Nếu không được can thiệp phục hồi chức năng kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nằm liệt giường.

II. CHỈ ĐỊNH

  • Người bệnh bị hội chứng sợ sau ngã, hiểu và phối hợp được nhân viên y tế.

III. CHỐNG CHỈ ĐỊNH

  • Các bệnh lý nội/ngoại khoa chưa kiểm soát được, chấn thương còn trong giai đoạn bất động.
  • Không phối hợp hoặc không hợp tác.

IV. CHUẨN BỊ

1. Người thực hiện

  • Bác sĩ phục hồi chức năng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng thực hiện.

2. Phương tiện

  • Dụng cụ: giường tập cao 50 – 60 cm.
  • Ghế ngồi có tay vịn, có tựa, chiều cao ghế 50 – 60 cm.
  • Gương: để người bệnh quan sát và tự điều chỉnh tư thế.

3. Người bệnh

  • Người bệnh được tư vấn tâm lý tốt: đảm bảo an toàn, không gây đau, không gây ngã, tập theo khả năng của người bệnh.
  • Người bệnh được giải thích giải thích mục đích tập.

V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Bước 1: kỹ thuật tập lăn trở tại giường

  • Nằm ngửa, nghiêng bên phải, nghiêng bên trái, kỹ thuật làm cầu.

Bước 2: kỹ thuật thay đổi tư thế từ nằm sang ngồi (tại giường, xe lăn, ghế). 

Bước 3: kỹ thuật tập thăng bằng tĩnh ở tư thế ngồi

  • Đẩy ra trước, sau và 2 bên
  • Với tay ra xa thân bên phải và trái.
  • Xoay thân sang 2 bên và ngả thân ra trước, cúi. 

Bước 4: kỹ thuật tập thăng bằng đứng tĩnh

  • Khi tâm lý người bệnh cải thiện, tự tin vào bản thân vào kỹ thuật viên tập bắt đầu tập đứng dậy từ tư thế ngồi.
  • Tập đứng với bàn nghiêng, tập đứng với dụng cụ hỗ trợ tập đứng. Tập đứng thăng bằng tĩnh:
  • Với chân đế rộng, dần thu hẹp chân đế.
  • Đẩy trước sau và 2 bên.
  • Tập với tay ra xa thân 2 bên.
  • Tập xoay thân sang 2 bên.
  • Tập ngả thân ra trước.

Bước 5: tập thăng bằng động

  • Khi người bệnh tiến bộ về thăng bằng tĩnh chuyển sang giai đoạn tập thăng bằng động.
  • Thay đổi chịu trọng lực từng chân trên từng chân.
  • Bước tại chỗ: tiến và lùi.
  • Xoay 1800, xoay 3600
  • Tập bắt bóng/ném bóng.
  • Lưu ý khi tập: khi người bệnh tự tin và tự thực hiện được bài tập của bước trước thì lúc đó mới chuyển bước tập tiếp theo, luôn đảm bảo an toàn cho người bệnh khi tập xen kẽ với tâm lý trị liệu, khuyến khích và động viên người bệnh.

Thời gian tập: tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh có thể tập từ 15 – 30 phút/buổi tập.

VI. THEO DÕI

  • Theo dõi về tâm lý, niềm tin của người bệnh đối với bác sĩ và với bản thân, mức độ sợ.
  • Đánh giá tiến bộ về kiểm soát tư thế từ nằm ngồi, đứng và đi. 

VII. TAI BIẾN VÀ XỬ TRÍ

  • Mệt mỏi khi tập: giảm cường độ tập, tập từ từ với cường độ tăng dần.
  • Sợ và cơn hoảng sợ: tâm lý liệu pháp.

Theo: HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT PHỤC HỒI CHỨC NĂNG (ĐỢT 2)

(Ban hành kèm theo Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Hãy để lại lời bình

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Bạn không thể copy nội dung ở trang này